Ký ức về khúc ca đêm rằm

.

Khi Hà Nội chuyển mình vào thu, trẻ em lại ngân vang ca khúc Chiếc đèn ông sao của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Trò chuyện với ông trong căn phòng phần lớn diện tích dành cho sách, trước nụ cười hồn hậu, tôi hiểu vì sao nhiều thế hệ thiếu nhi lại yêu mến ông đến thế.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và các em nhỏ biểu diễn ca khúc Chiếc đèn ông sao trong đêm nhạc “Phạm Tuyên - nhớ và quên”. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và các em nhỏ biểu diễn ca khúc Chiếc đèn ông sao trong đêm nhạc “Phạm Tuyên - nhớ và quên”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dù ở tuổi 90 nhưng “nhạc sĩ của tuổi thơ” vẫn rất minh mẫn, nhất là khi nói về âm nhạc, ánh mắt ông lấp lánh niềm hạnh phúc. Trong gia tài âm nhạc hơn 700 bài hát thì có đến 1/3 số ca khúc ông viết cho thiếu nhi.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên bắt đầu sáng tác ca khúc cho thiếu nhi từ những năm ông đóng quân ở Việt Bắc. Làm Đại đội trưởng Thiếu sinh quân nên ông có điều kiện gặp gỡ và chuyện trò với các em nhỏ, dần hình thành tình cảm yêu mến trẻ thơ. Ca khúc Tiến lên đoàn viên bắt đầu từ tình cảm đó và cũng là ca khúc “định hình” quá trình sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi sau này của ông.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự: “Để viết được ca khúc thiếu nhi, ngoài sự yêu mến trẻ thơ, người sáng tác phải hiểu sâu sắc tâm lý của các em. Cách tư duy của trẻ em ngày nay khác trước rất nhiều, một số người viết cho thiếu nhi nhưng còn chung chung quá nên tác phẩm của họ ở lại trong đời sống các em không bền lâu. Trước khi viết, hãy là người bạn biết lắng nghe các em, rồi tự khắc giai điệu cất lên”.

Trong suốt buổi trò chuyện, ông luôn tự hào khi nhắc đến vợ của mình - PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết, người đứng sau thẩm định và thổi hồn vào những tác phẩm của ông. “Bà vừa là nhà giáo, vừa là nhà nghiên cứu tâm lý học. Tôi không chỉ chịu ảnh hưởng suy nghĩ, nhìn nhận của bà về trẻ nhỏ, mà bà ấy còn là người thổi hồn, thẩm định những tác phẩm viết cho thiếu nhi của tôi. Từ bà, tôi hiểu thêm về thế giới trắng trong mà muôn vàn màu sắc, tưởng như đơn giản mà vô cùng phong phú của con trẻ”, nhạc sĩ kể.

Nói về ca khúc Chiếc đèn ông sao, nhạc sĩ nhớ lại, ca khúc này ra đời vào năm 1956 khi ông là giảng viên dạy nhạc tại khu học xá Trung ương (tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc). Sống xa quê hương, mọi người đều có tâm trạng bồi hồi, nhớ nhà. Ở đây, ông gặp gỡ nhiều em học sinh miền Nam. Thời ấy, hai miền của đất nước ta còn bị chia cắt. Vào Tết Trung thu, cả khu học xá tổ chức rước đèn nhưng tâm trạng ai cũng buồn. Do vậy, ông thấy cần có một bài hát về Trung thu để góp một phần cho ngày vui ấy.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác trong căn gác nhỏ giữa Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác trong căn gác nhỏ giữa Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ đó, ca khúc này nhanh chóng được đón nhận và trở thành người bạn thân thiết của thiếu nhi khắp cả nước trong những năm chiến tranh và đến ngày nay. “Lúc bấy giờ, hình ảnh chiếc đèn ông sao trong tôi mang nhiều ý nghĩa lắm. Trước tiên, nó là loại đồ chơi truyền thống gần gũi với trẻ em Việt Nam.

Tiếp nữa, nó cũng là ngôi sao trên lá cờ Tổ quốc, tượng trưng cho ánh sáng của cách mạng. Trong lời bài hát có đoạn: Đây cầm đèn sao năm cánh tươi vàng. Ánh sao sáng ngời chiếu miền non ngàn. Đây cầm đèn sao sao chiếu vô Nam. Đây ánh hòa bình đuổi xua loài xâm lăng…, chính là tình cảm của tôi hướng về đất nước”, nhạc sĩ chia sẻ.

Đến nay đã hơn 60 năm, ca khúc Chiếc đèn ông sao được phổ biến rộng rãi trong đời sống âm nhạc, nghe trẻ em trên phố hát Chiếc đèn ông sao thì biết một mùa Trung thu nữa lại về. “Tôi cũng không ngờ bài hát này có sức sống lâu bền đến vậy. Đặc biệt hơn, năm 1972, khi tôi có dịp sang Berlin (Đức), có một vị giáo sư ở thành phố Leipzig lặn lội tìm gặp tôi.

Ông ấy nói rằng nghe có tác giả Chiếc đèn ông sao đến nên muốn sang thăm. Vị giáo sư mở cho tôi nghe một đoạn ghi âm trẻ em Đức hát đoạn tùng rinh rinh tùng tùng rinh rinh… rất vui tai và tôi nhận ra đúng là ca khúc do mình sáng tác. Lúc đó, tôi mới biết Chiếc đèn ông sao đã được dịch sang tiếng Đức và in trong cuốn sách âm nhạc dành cho thiếu nhi Đức”, ông nhớ lại.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết: “Cuộc đời Phạm Tuyên là một pho tiểu thuyết bề bộn với rất nhiều cung bậc. Có thể tóm tắt bằng hai câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật, một trong những người rất yêu thích âm nhạc của ông: Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay…”.  

BÙI ANH TUẤN



 

;
;
.
.
.
.
.