Mẹ tôi, sáu mươi tuổi thường tủi thân khi nghĩ đến những năm tháng sau này. Bà ngoại mất chưa đầy một năm thì ông ngoại đổ bệnh phải nằm liệt giường. Mẹ cùng các dì hết thay nhau chăm mẹ già giờ lại chăm cha, tóc ai cũng đều bạc đi trông thấy. Trước khi mất, rất nhiều ngày bà ngoại không ăn gì, chỉ thỉnh thoảng uống hộp sữa nhỏ. Người bà chỉ còn da bọc xương, nằm co ro trên chiếc giường cũ. Thỉnh thoảng bà quờ quạng tìm trầu cau để nhai hoặc tìm chiếc chăn nhung đắp vào hai bàn chân lạnh ngắt. Bà bị lẫn đã lâu. Có khi nhầm giữa người này với người kia, ăn rồi bảo chưa ăn, đến quê quán cũng không nhớ nổi. Nhiều lần bà gọi “mẹ” xưng “con” với chính các con mình. Đêm khuya, đôi lần bà đòi được nghe hát ru mới thiêm thiếp chìm vào giấc ngủ. Giờ ông bị bệnh đau đớn trong người, đêm nào cũng kêu khóc ời ời đòi người xoa bóp.
Suy cho cùng, đời người giống một vòng tròn. Lúc tuổi già đặt đâu nằm đấy cũng cần được yêu thương, chăm sóc giống một đứa trẻ. Nhưng có mấy người con đối đãi với cha mẹ mình bằng sự ân cần? Mấy ai biết nâng niu tuổi xế chiều của cha mẹ mình như cha mẹ đã từng nâng niu con suốt phần đời thơ ấu? Tôi vẫn nhớ câu ca dao ngấm vào lời ru à ơi của các bà, các mẹ: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/ Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Mẹ vì con mà mang nặng đẻ đau, hao tổn tâm tư, gầy mòn thân thể. Nhưng khi cha mẹ về già, con chăm sóc cha mẹ vài ngày đã thấy mệt mỏi, phiền não. Tuổi già của cha mẹ trở thành gánh nặng trên vai các con mình. Nên mẹ từng ước rằng sau này khi ông trời gọi tên, sẽ tắm gội thơm tho nằm trên giường ngủ một giấc dài không tỉnh dậy. Nhưng đâu phải ai cũng được ra đi nhẹ nhàng như thế. Bệnh tật giày vò, có khi chịu đau đớn đến mức sống không bằng chết. Nhưng đau đớn thể xác không bằng khổ sở tâm can khi con cái buông những lời tàn nhẫn.
Trên mạng lan truyền bài thơ “Nói với em” rất hay của tác giả Phan Toàn. Trong đó có những câu thơ thủ thỉ nói với nhau về mẹ khi tuổi già ập đến: “Em ơi em! Đừng giận Mẹ làm gì/ Bởi người già tính như là con trẻ/ Bằng tuổi Mẹ rồi chúng mình cũng thế/ Sáng nắng chiều mưa, nóng lạnh thất thường...”. Tôi chợt nghĩ về mẹ của mình. Những năm gần đây mẹ hay tủi thân, hờn dỗi. Một câu nói vô tư của các con có khi cũng khiến mẹ nghĩ suy mà rơi nước mắt. Thật ra, mẹ lúc nào cũng sợ con cháu quên mình, sợ tuổi già cô quạnh. Nhất là khi cuộc sống tất bật lo toan, các con bận bịu mưu sinh, thưa thớt trở về. Mẹ chẳng cần nhiều nhặn gì đâu, chỉ vài cuộc điện thoại gọi về cũng đủ khiến mẹ vui. Mẹ tuy già, mắt nhìn đã kém, nhưng vẫn mày mò dùng smartphone vào zalo, facebook để đọc hết những dòng trạng thái của con trai, con gái, con dâu, con rể. Sau khi làm hết việc đồng áng, cơm nước xong xuôi, mẹ liền mở điện thoại lục tìm những video các con đăng trong ngày. Nên mẹ biết hôm nay ở Nhật có tuyết rơi, những con quạ bay đen trên bầu trời, con trai mẹ ăn cơm với rong biển, thịt gà.
Mẹ nở nụ cười khi trông thấy những hạt giống rau gửi sang cho con đã nảy mầm. Rồi mẹ vui cùng con khi giàn mướp ra hoa, mấy gốc sả đã đẻ nhánh mọc thành bụi lớn. Món lá chanh mẹ thái nhỏ phơi khô, mấy hạt dổi, hạt tiêu thơm bữa cơm của đứa con xa nhà. Mẹ nhớ tên bạn bè ở chung với con mình. Mẹ hình dung mọi ngõ ngách trong căn nhà con ở. Mẹ thích những cuộc gọi video để quay cho con xem chú bò bê mới đẻ, cây hồng cổ trồng bên hàng rào đã ra hoa, con đường chạy qua nhà vừa được bê-tông hóa. Mẹ tìm mua bằng được chiếc áo chống nắng có túi thật sâu để đi đâu cũng mang theo điện thoại. Sợ biết đâu con gọi hỏi cách nấu món này món kia. Hỏi đau đầu uống thuốc gì? Hỏi hóc xương cá thì chữa mẹo thế nào? Hỏi thuốc nam mẹ gửi sang chia thành bao nhiêu ấm? Mẹ đâu biết rằng có khi con gọi về hỏi cho có cớ chuyện trò. Chứ trong túi thuốc mẹ gửi sang đã có ghi đầy đủ, công thức nấu ăn trên mạng đâu có thiếu. Chỉ là thèm được nghe giọng mẹ, được nhìn thấy mẹ để biết ở quê nhà mẹ vẫn bình an. Có lẽ những đứa con đi xuất khẩu lao động ở đất nước mặt trời mọc đâu biết rằng, siêu bão Hagibis hồi năm ngoái đã làm biết bao người già ở quê nhà mất ngủ.
Tôi dõi theo tuổi già của mẹ mà nghĩ đến những năm tháng về sau của chính cuộc đời mình. Sẽ đãng trí, lẩm cẩm, tủi buồn nhưng mọi ý nghĩ đều dồn về con cháu. Rất nhiều người trong số chúng ta đi ra ngoài xã hội học cách nhường nhịn, bao dung, nhún nhường với người dưng, nhưng lại không học được cách kiên nhẫn và dịu dàng đối với tuổi già của cha mẹ mình. Những gắt gỏng, vùng vằng, bỏ bê, than trách rồi sẽ trở thành nỗi ân hận khi một mai cha mẹ không còn nữa. “Có nhiều người không còn Mẹ mà thương/ Miếng trầu quả cau thắp hương rồi bỏ héo/ Mẹ cũng đã qua một thời khôn khéo/ Mới nuôi ta khôn lớn tới bây giờ...”. Những câu thơ của tác giả Phan Toàn hẳn đã làm nhiều người rơi nước mắt…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG