Năm 2017, tôi có dịp về huyện Hòa Vang và ghé thăm nhà bà Đặng Thị Lan (SN 1950), thương binh 1/4 ở thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang.
Bà Lan nguyên là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 2, Huyện đội Hòa Vang năm 1972. Khi tỉnh táo, trong câu chuyện nói về đồng đội, bà không thể nào quên trận đánh Cấm Chu Hương, thôn An Tân, xã Hòa Thượng (nay là thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Trong trận đánh này, trung đội nữ của bà hy sinh 3 thành viên đương thì xuân sắc.
Dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng câu chuyện năm xưa như vừa mới diễn ra, đong đầy thương tiếc… Trở về từ chiến trường, bà Lan mang trong mình nhiều vết thương cả thể xác lẫn tinh thần. Đặc biệt, như có sợi dây liên kết với quá khứ, cứ độ tháng 7 là những vết thương làm trở đi trở lại những cơn đau. Bà thường ra sân trước nhà, tự kể những câu chuyện không đầu không cuối về bom rơi, đạn nổ, chuyện tra tấn…
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh gầy guộc, ngơ ngác của bà Lan trong buổi sáng tháng 7 chói chang năm ấy. Có lẽ không bao giờ thế hệ trẻ chúng tôi có thể thấu hiểu hết giá trị của hòa bình, giá trị được sống như cha ông mình. Hàng triệu người đã vì nền độc lập, tự do của dân tộc này mà vĩnh viễn nằm xuống, trong đó có những người chưa cảm nhận hạnh phúc khi đón nhận một bông hoa tươi thắm, một lời trao gửi yêu thương…
Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Đà Nẵng hiện nay có hơn 93.000 lượt đối tượng được xác nhận theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó có 15.500 liệt sĩ với hơn 27.000 thân nhân; 9.400 thương, bệnh binh; 619 cán bộ tham gia hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945; 18.864 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần; 6.779 người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; 3.932 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày; 2.100 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 7.805 con liệt sĩ, thương, bệnh binh được hưởng chính sách ưu đãi giáo dục - đào tạo...
Hiện có gần 18.600 lượt đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên, kinh phí chi trả hằng năm hơn 230 tỷ đồng. Chính quyền thành phố hằng năm luôn dành nguồn kinh phí để chăm sóc, điều dưỡng những người trở về từ chiến trường, phần nào bù đắp nỗi đau do chiến tranh để lại, cũng là thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Những con số nói trên và sự quan tâm chăm lo của các cấp chính quyền đối với những người có công với cách mạng khiến người trẻ được sinh ra trong thời bình phải nghĩ suy về trách nhiệm đối với đất nước, với những người đã đổ xương máu trong những cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Bằng trách nhiệm xã hội, tại Đà Nẵng, mỗi quận, huyện đều có cách làm hay trong mỗi hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Ngoài kinh phí hỗ trợ hằng tháng, công tác chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài, bia chiến tích…
Thành phố còn ban hành một số chính sách riêng như trợ cấp cho 2.647 người có công có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo 500.000 đồng/người/tháng; với thương binh và người hưởng chính sách như thương binh (có tỷ lệ thương tật từ 21-30%) là hộ nghèo, được trợ cấp thêm 200.000 đồng/người/tháng.
Với thế hệ trẻ, toàn thành phố đã có hàng nghìn lượt thanh niên xung kích, tình nguyện chăm sóc, làm đẹp đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ, kêu gọi nguồn lực, hỗ trợ ngày công tặng nhà tình nghĩa, giúp đỡ chăm sóc những gia đình người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều mô hình hay, ý nghĩa đã được thực hiện và nhân rộng như: mô hình “Bữa cơm tri ân” của chi đoàn thanh niên các phường, xã; “Người con hiếu thảo” nhận chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức các điểm khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách.
Ngoài ra, Đoàn thanh niên cơ sở hằng năm đều tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc cho đoàn viên, thanh-thiếu nhi; nâng cao vai trò và trách nhiệm của tuổi trẻ trong chăm sóc người có công với cách mạng, gia đình chính sách, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ.
Trong lịch sử luôn có những lớp lớp thanh niên xếp bút nghiêng để lên tuyến đầu, bởi “tuổi thanh niên là tuổi cống hiến”, và đã cống hiến thì không thể cống hiến nửa vời, cầm chừng, mà phải cống hiến triệt để, hết mình (lời của anh Nguyễn Văn Thạc, Mãi mãi tuổi hai mươi, NXB Thanh niên, 2005). Trong những ngày cao điểm xảy ra Covid-19, chúng ta chứng kiến rất nhiều người trẻ tình nguyện lên tuyến đầu.
Đội ngũ y, bác sĩ từ các tỉnh, thành phố chi viện cho Đà Nẵng đa phần là người trẻ với lời khẳng định: “Bao giờ hết dịch thì mới về”. Trong số các y, bác sĩ của Đà Nẵng trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, có rất nhiều người trẻ nhưng kiên định, mạnh mẽ, hăng hái với nhiệm vụ được giao. Rồi có biết bao bạn trẻ tham gia lực lượng tình nguyện tiếp sức cho tuyến đầu với khẩu trang y tế, trang phục bảo hộ, nước rửa tay sát khuẩn…
Niềm tin vào thế hệ trẻ được thắp lên giữa những ngày chống dịch để góp phần giúp thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung sớm đẩy lùi Covid-19. Thế nên, người trẻ trong thời đại nào cũng phải nghĩ về trách nhiệm đối với cộng đồng bởi đơn giản rằng: “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
HẢI ÂU