Tập tản văn Chúng ta sống có vui không?(*) là cuốn sách mà tác giả Nguyễn Phong Việt ghi dấu một hành trình kết nối tình thương, tình thân và hơn cả là những giọt nước mắt sẻ chia, những rung cảm tận đáy lòng người viết.
Với 51 tản văn, Chúng ta sống có vui không? kết nối một mạch cảm xúc chân thực, có chút riêng tư nhưng lại rất đúng với nhiều người khi đã từng đi qua những nỗi buồn, sự hụt hẫng, cô đơn. Vẫn lối viết như tình tự, như tự vấn bản thân mình, Nguyễn Phong Việt chưa bao giờ làm người đọc thất vọng bởi những điều bình dị trong cuộc sống, như một làn gió mát, như một ly nước ngọt lành giúp người đọc cân bằng giữa những lo toan và cả những khấp khởi của cuộc đời.
Nguyễn Phong Việt cho rằng, Chúng ta sống có vui không? có lẽ là câu hỏi mà chúng ta ít hỏi bản thân và hỏi nhau nhất, trong khi đó lại là câu hỏi quan trọng nhất để biết chúng ta đang đối xử với cuộc đời của chúng ta như thế nào. Tập tản văn này có lẽ sẽ giúp độc giả tìm được câu trả lời cho những dặm dài đi tìm hạnh phúc, với những niềm vui, những đớn đau, những bao dung…, để rồi hơn hết cả là biết “yêu thương mình một chút…”, để “tử tế với chúng ta và cả với mọi người”.
Đọc và ngẫm, từng con chữ trong Chúng ta sống có vui không? chạm đến lòng người. Thế giới của mỗi người, phải chăng là bản nhạc giao hưởng mà đôi khi tất cả lặng thinh và chỉ cần một hơi thở nhẹ, một bước chân vắng xa, cũng đủ xao động. Nguyễn Phong Việt có những trải nghiệm tỉ mẫn, sự nhìn nhận tinh tế về đời sống tình cảm, để có thể rút cảm xúc thành một đoản văn, một vài câu văn ngắn bâng quơ mà khiến người đọc nhận ra chính mình trong đó.
Con người ta, để lớn lên và trưởng thành, phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Khi đong đếm được những mất mát, là khi tìm thấy được bản ngã. Nếu đủ đầy quá, đời sẽ mãi lăn tròn. Phải va vấp một chút, mới có góc, có cạnh, mới có thể dừng lại. Ngẫm, nghĩ và hành động. Rất nhiều tản văn trong tập sách này hướng người đọc đến miền chân ái của sự chân thành, cảm thông và tình yêu thương đối với bản thân mình.
Đi qua tháng năm nào cũng để lại những lằn roi, và chỉ khi nào tự thương lấy bản thân mình, thì những vết thương vô hình ấy sẽ tự vá lành. Như cách Phong Việt ví von: “Đời người, phần lớn là những cuộc chờ đợi… để trả một món nợ nào đó!” (Những món nợ đời người); hay “…
Cuộc đời về sau, mình thật sự mong muốn chỉ gặp những người đặc biệt. Mà nếu bản thân mình có phải chịu thiệt thòi một chút hoặc đến vô cùng vô tận thì điều đó cũng hoàn toàn xứng đáng. Vì cơ bản, điều ý nghĩa nhất của việc làm người là đừng biến mình thành một mẫu số chung” (Những người đặc biệt).
Nguyễn Phong Việt biết hướng điều mình viết đến những ai và sẽ có những ai cùng thức, cùng đọc, cùng thưởng một ngụm trà khuya để nghe tiếng cô đơn về trong an trú. Bước qua tuổi 40, cũng bước qua những bờ vực đã từng đau đớn nhất, ngồi lại, với một trái tim đã tự vá lành nỗi đau, tự an ủi bằng niềm tin vẹn nguyên trong đôi mắt trong trẻo của cậu con trai lên năm lên tám…
Những vết cắt thời gian, từng nét, in lằn lên suy nghĩ. Đi qua từng tản văn trong tập sách, cảm giác như đi qua những mảnh ghép, lạc vào một bức tường mà ở đó có rất nhiều cánh cửa, sẵn sàng mở ra, đón nhận tất cả những chọn lựa của mỗi người. Bởi lẽ, mỗi con người là một cá thể, với suy nghĩ, hành động, cảm xúc khác nhau. Miền hạnh phúc, miền vui, miền khát vọng… hiện hữu trong mỗi người mỗi khác.
Ngồi trước biển, lật dở những trang sách và đọc, thấy mình được tiếp thêm nguồn năng lượng sống. Nỗi buồn nhẹ vơi. Cảm xúc bình yên. Chúng ta sẽ sống vui, khi biết mình an trú. Đọc sách, gặp trong đó, chính kỷ niệm, ký ức đời mình, một chút trong những tản văn: Hãy đứng bằng với con, Hạnh phúc bé nhỏ, Những yêu thương rón rén, Có một chiếc lá…
Bạn, hẳn cũng giống tôi, đang cần tìm một miền an trú ngay trong một cuốn sách, hãy đọc Chúng ta sống có vui không?, biết đâu tìm thấy câu trả lời đẹp nhất.
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO
(*) Skybooks và NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành, tháng 9-2020.