Nếu những cuốn tạp bút của các tác giả khác thường viết về nỗi nhớ quê hương với giọng văn sâu lắng, trữ tình thì trong Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất (NXB Trẻ), Phan An kể về làng mạc, con sông, dân làng, cánh đồng, bờ bãi bằng giọng điệu hồn nhiên. Anh nhớ đến đâu thì kể về làng đến đấy, nhớ ra ai thì kể người ấy.
Cách kể của Phan An có thể tùy hứng nhưng không hề đơn điệu, chi tiết nhiều nhưng không hề thừa thãi. Đọc sách của Phan An giúp tôi hiểu rằng, một khi trong lòng quá yêu một người ở xa, quá thương một xứ đã cũ, thì nói và viết bao nhiêu cũng không vừa.
Rồi sẽ rất nhiều người thấy quen khi nghe Phan An kể: “Tôi chưa lên núi bao giờ. Con nít không được đi núi. Chỉ có người lớn mới đi núi. Người lớn đi núi, nắm cơm rắc muối mè bọc trong lá chuối, lưng giắt cái rựa, tay quấn dây thừng, tay cầm đòn xóc. Họ đi từ gà gáy, tiếng bước chân thình thịch trên đường” trong Ruộng kề chân núi. Rồi sẽ rất nhiều người thấy nhớ khi đọc: “Quán cây Gạo lợp mái lá, dựng trên bốn cái cột tre, trong kê cái chõng, trên cái chõng lại kê hai thứ nữa là thẩu kẹo nuga và dừa miếng ngâm trong thau nước. Kẹo nuga vuông bọc bằng giấy kính mờ, trời nóng chảy nhẽo ra, hai trăm đồng một cục.
Dừa miếng to bằng nửa bàn tay, năm trăm đồng một miếng” trong Cây gạo gù. Và cũng sẽ rất nhiều người thấy thương khi điều đã qua của tác giả cũng chính là trang ký ức đời mình: “Những năm lụt, mỗi khi nước sông đục ngầu tràn vào nà dâu, ngấp nghé bụi tre đường ra bến đò, tôi lại qua nhà bà Cường mượn một lon gạo về nấu cơm. Cái lon làm từ vỏ hộp sữa Ông Thọ, đáy trũng xuống vì hay dùng để giã đậu phộng, dí mũi vào ngửi còn nghe thơm mùi dầu” trong Cơm chín thơm làn gió.
Ai đó từng bảo, một tình yêu chắc chắn sẽ sâu sắc hơn khi đượm thêm chút u buồn. Phan An không nhớ làng, kể về làng qua làn khói bếp với khoảnh khắc sum họp cuối ngày, không kể về bình minh khi mặt trời lên gọi trâu bò, trẻ con râm ran ra đồng với nhiều trò vui chơi, trận giả. Phan An kể về những tiếng ầu ơ của đôi chị em nghèo bé Xíu, bé Lớn ru con trong trưa vắng. Phan An kể về cậu bé mồ côi Tam Hỉ lặng lẽ đứng ngoài ngõ nhìn ánh sáng từ chiếc đèn măng - sông của cha mình mỗi khi đêm buông. Phan An kể về nỗi cô đơn và nghèo khó của ông lão chèo đò Hai Nồi cụt tay bên bến sông…
Ở làng tôi cũng có những cánh đồng, những lùm cây, những tấm ri sắt được cha đặt đầu hè ngăn nước xiết xuống đất. Nhưng làng tôi không quá nghèo, không nhiều phận người lênh đênh khi mờ khi tỏ. Có lẽ vì cuộc sống đã khấm khá. Những cánh đồng đã được canh tác theo kiểu mới, hạt giống năng suất cao đã được chính quyền liên tục giao chuyển tận tay người nông dân.
Cơ sở hạ tầng như kênh mương, thủy lợi, đường sá đã được bê-tông hóa. Đọc, so sánh rồi lắng đọng, tôi nhận ra ngôi làng cũ của tác giả giống và khác làng tôi như thế nào, nhận ra cách mà tôi và An đều yêu quê mình nhiều như thế nào. Những tản văn, những trang tùy bút trong Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất như luồng khí liên tục bơm vào quả bóng tâm hồn tôi những tình cảm và sự hoài nhớ đầy thiết tha. Như cách Phan An chia sẻ: “Tôi nghe đâu đó rằng trong chuyện cũ có người tốt người xấu, có việc hay việc dở. Nên, nếu được, thì xin đừng quên”.
Gấp sách lại, tôi tìm cách đặt sớm cho mình một chuyến xe về quê ăn Tết. Tôi sẽ về thăm quê, sống những ngày bên mẹ cha và làng xóm với một tâm thế khác hẳn mùa xuân những năm trước. Không rình rang quà bánh, không ồn ào đến và vội vã đi. Tôi sẽ lắng nghe và nhìn ngắm xóm làng qua từng búp non, chồi biếc. Tôi sẽ chạy bộ lên con dốc đầu làng để dang tay hít thở, đón vào lồng ngực những gì tinh khôi nhất. Tôi sẽ chào hỏi, đáp lời những ông xóm trên, bà con, chị em xóm dưới bằng một nụ cười niềm nở trên môi.
Đọc Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất vào những ngày cuối năm, khi mùa xuân vui tươi đang dần gõ nhịp, dù chưa thể bay lên nhưng quả bóng tâm hồn trong tôi đã trở nên đẹp đẽ, nhờ dáng vẻ tròn đầy.
DIỆU THÔNG