Ông đồ thời 4.0

.

Không chỉ dịp Tết, Đỗ Nhật Thịnh mới xúng xính áo dài tặng chữ thư pháp, mà chàng trai quê ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) vẫn luôn cần mẫn trao đi nét chữ cả trong nhịp sống thường ngày.

Đỗ Nhật Thịnh quảng bá thư pháp Việt Nam đến mọi người bằng nhiều cách thức khác nhau. Trong ảnh: Thịnh tham gia biểu diễn thư pháp trong một MV ca nhạc.  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đỗ Nhật Thịnh quảng bá thư pháp Việt Nam đến mọi người bằng nhiều cách thức khác nhau. TRONG ẢNH: Thịnh tham gia biểu diễn thư pháp trong một MV ca nhạc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kiên trì với đam mê

Thịnh năm nay 23 tuổi nhưng có thâm niên 14 năm theo đuổi thư pháp. Những ngày thơ bé say mê ngắm nhìn cha sáng tác, đắp tranh tường dường như đã ươm mầm tình yêu hội họa trong Thịnh. Từ lúc học mẫu giáo, Thịnh đã tham gia nhiều cuộc thi vẽ và giành nhiều giải cao. Hơn 4 tuổi, Thịnh đã say mê mực tàu, giấy đỏ, nét chữ “phượng múa trồng bay” trên những tờ lịch. Nhưng khi bắt đầu học lớp 1, Thịnh mới chính thức bén duyên với môn nghệ thuật truyền thống này sau nhiều ngày ngắm anh trai tập viết thư pháp. Gia đình khó khăn, những ngày mới làm quen với thư pháp, Thịnh bắt đầu bằng những cây bút sẵn có, rồi tìm lông thú kết lại, buộc vào thanh tre tạo thành cọ. Mực viết đôi khi là mực tím, có khi chiết xuất từ cây mồng tơi chín giã nát, hòa với nước. Giấy viết là những tờ giấy báo cũ.

Sau 3-4 năm cần mẫn tập luyện đến nỗi đôi lúc bàn tay sưng phồng, đau nhức, Thịnh tự tin “trình làng”, thậm chí bán những tác phẩm đầu tiên. Cái tên Đỗ Nhật Thịnh cũng ngày càng “nổi tiếng” ở Hòa Vang. Người này truyền tai người kia, số lượng các lớp, các trường liên hệ nhờ Thịnh trang trí báo tường ngày càng nhiều. Những khoản thù lao nho nhỏ này không chỉ giúp Thịnh đỡ đần gánh nặng kinh tế cùng mẹ sau khi cha qua đời mà còn tiếp thêm sức mạnh trên con đường tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật thư pháp truyền thống. “Thư pháp không chỉ thể hiện nét đẹp chữ nghĩa mà đó còn là sứ giả văn hóa, truyền tải lời hay ý đẹp. Người cho chữ luôn rèn cái tâm sáng và đặt hết cái tâm trong từng nét chữ. Thư pháp còn giúp mình tĩnh tâm, kiên nhẫn và trân trọng cuộc sống nhiều hơn”, Thịnh chia sẻ.

Khát vọng lan tỏa văn hóa truyền thống

Đứng trước ngưỡng cửa đại học, Thịnh từng phân vân giữa ngành nghệ thuật và y. Nhưng khát vọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đã khiến Thịnh lựa chọn theo học ngành Thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng từ đây, ước mơ đưa thư pháp Việt Nam đến gần hơn với mọi người ngày càng cháy bỏng. Nghệ thuật thư pháp đồng hành với Thịnh trong những chuyến đi “mùa hè xanh”. Nghệ thuật thư pháp theo chân chàng trai trẻ giàu nhiệt huyết có mặt khắp các tỉnh, thành phố, từ đồng bằng đến miền núi xa xôi, trong các chiến dịch tình nguyện xuyên Việt. Nghệ thuật thư pháp cùng Thịnh góp mặt và lưu giữ văn hóa Việt Nam ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Singapore, Pháp, Úc…

Mỗi ngày Đỗ Nhật Thịnh đều trao đi nét chữ cũng như mày mò sáng tạo, làm mới nghệ thuật thư pháp. Thịnh sáng tác thư pháp trên đa dạng chất liệu, từ mực tàu giấy đỏ truyền thống đến giấy bồi lụa, giấy bo cứng, gỗ, vải, đá, kính… nhằm đáp ứng phong phú nhu cầu của khách hàng. Thịnh biểu diễn thư pháp trên màn hình Led, kết hợp âm thanh, ánh sáng và ngôn ngữ hình thể với kỳ vọng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Thịnh mong muốn sắp đến kết hợp thêm một số loại hình khác cùng thư pháp, như nghệ thuật sắp đặt, 3D Mappings… để tạo hiệu ứng lạ, mới mẻ, trẻ trung, hài hòa. Tất cả những điều Thịnh làm đều hướng đến mục tiêu: mang đến một món ăn tinh thần đặc sắc và lưu giữ, lan tỏa nét đẹp của văn hóa dân tộc đến cộng đồng cũng như bạn bè quốc tế.

 “Những năm gần đây, phong trào viết thư pháp chữ Việt ít phổ biến hơn. Để thu hút mọi người, nhất là người trẻ, tôi luôn nỗ lực để thư pháp chữ Việt vừa vẹn nguyên nét truyền thống, vừa đồng điệu với sự chuyển mình của thời đại. Đây là thời đại chúng ta phải luôn sẵn sàng hòa nhập và xông pha”, Thịnh tâm sự. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Thủ khoa Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh kiên trì quảng bá thư pháp Việt Nam bằng nhiều cách thức khác nhau, từ tham gia những sự kiện lễ hội lớn, chương trình cho tặng chữ, những nơi dành riêng cho các ông đồ…, đến sản xuất các sản phẩm như bao lì xì đỏ được vẽ tay từ nhũ vàng, những món đồ lưu niệm được vẽ thủ công trên vải lụa bồi gấm… Cứ thế, Đỗ Nhật Thịnh cũng như nhiều người trẻ vẫn lặng lẽ nuôi dưỡng tình yêu văn hóa xưa độc đáo của dân tộc cho riêng mình và cho cộng đồng.

NAM BÌNH

;
;
.
.
.
.
.