Chuyện đoàn viên ngày Tết âm lịch cổ truyền, có lẽ không nước nào nhộn nhịp, sôi động bằng Trung Quốc. Hằng năm, Trung Quốc đều có mùa “xuân vận” đông đảo đến mức có thể ví như một cuộc đại di dân lớn nhất hành tinh, với chừng 3 tỷ lượt người lao động xa nhà lên đường về quê ăn Tết sum họp gia đình. Tuy nhiên, vào mùa “xuân vận” Tết Canh Tý 2020, do đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, số lượng này đã giảm hơn một nửa, chỉ còn khoảng 1,5 tỷ lượt.
Đặc biệt, khi mùa “xuân vận” Tết Tân Sửu năm nay đang đến gần, nhằm ngăn ngừa Covid-19 tái bùng phát, chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc dẫu không cấm người lao động xa nhà về quê ăn Tết nhưng khuyến khích họ làm việc ở đâu ăn Tết ở đó bằng các ưu đãi hấp dẫn như: trả lương gấp đôi, tặng tiền ăn Tết, tạo điều kiện cũng như miễn phí một số dịch vụ vui chơi giải trí, tặng phiếu mua hàng miễn phí, tham gia tiệc miễn phí đêm giao thừa..., chuyển chữ vận trong xuân vận vốn mang nghĩa chuyên chở vận tải sang nghĩa phái sinh là thuyết phục vận động.
Nỗ lực thuyết phục, vận động người dân tạm thời từ bỏ một hành xử văn hóa lâu đời để thích nghi với trạng thái bình thường mới sau đại dịch của chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc được số đông người lao động xa nhà chấp nhận, song không phải không có người vẫn nhất quyết về nhà ăn Tết. Một cư dân mạng ở Trung Quốc nêu lý lẽ trên WeChat: “Chính quyền địa phương nên hoan nghênh người dân về quê ăn Tết để kích thích tiêu dùng, phải có chính sách xét nghiệm virus Corona miễn phí cho người dân để họ cảm nhận được tình cảm ấm áp nơi quê nhà. Hai bên nội ngoại đều ở quê, làm sao không về được? Không thể không về, đi bộ cũng phải về, nhất là gia đình con một, chỉ cần chú ý phòng chống dịch là được” (Trung Quốc khuyên dân ở đâu yên đó trong đợt “xuân vận” sắp đến, Báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 10-1-2021).
Cùng trong dòng chảy văn hóa Á Đông, hằng năm khi Tết đến xuân về, nước ta cũng có mùa “xuân vận” nhằm tạo điều kiện cho hàng chục triệu người lao động xa nhà về quê ăn Tết đoàn tụ gia đình. Điều đáng nói là mặc dù phải căng mình phong tỏa y tế, giãn cách xã hội, truy vết và xét nghiệm diện rộng để chống lây lan khi Covid-19 tái bùng phát ở hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, nhưng bước vào Tết Tân Sửu 2021 này, chữ vận trong xuân vận của Việt Nam vẫn có thể giữ nguyên nghĩa gốc chuyên chở vận tải và đa phần những người lao động xa quê ở nước ta vẫn có thể tiếp tục gìn giữ được nếp nhà, vẫn có thể tiếp tục hành xử văn hóa đúng theo truyền thống dân tộc, chưa đến nỗi phải chịu cảnh “xuân này con không về”. Đương nhiên do đại dịch Covid-19 tái bùng phát với biến chủng mới có tốc độ lây lan lớn, nhiều người lao động đang làm việc ở các tâm dịch hoặc quê ở các tâm dịch cũng như du học sinh ở nước ngoài không thể về đoàn tụ gia đình trong dịp Tết Tân Sửu này.
Cuộc sống càng phát triển, số gia đình Việt Nam có điều kiện quây quần bên nhau quanh năm suốt tháng ngày càng giảm. Thay vào đó, số gia đình có người học tập hoặc làm ăn xa nhà và xa người thân suốt tháng quanh năm ngày càng tăng. Vì vậy, nhu cầu đoàn tụ gia đình ngày càng trở nên phổ biến và thời điểm đoàn viên phù hợp nhất, có ý nghĩa nhất là dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Chính truyền thống sum họp gia đình mỗi khi Tết đến xuân về đã mang lại nguồn cảm hứng nghệ thuật để nhiều tác giả đã sáng tác nên những tác phẩm để đời.
Tết cổ truyền cũng là dịp để người còn sống tưởng nhớ người thân đã qua đời. Ở những ngày giỗ trong năm, người còn sống chỉ tưởng nhớ từng người thân đã khuất. Còn khi Tết đến xuân về, với tập tục “rước ông bà”, người còn sống mới có điều kiện tưởng nhớ tất cả người thân đang được khói hương thờ phụng trên bàn thờ gia tiên - có khi đến 4-5 thế hệ. Vì vậy, về nhà ăn Tết, sum họp đoàn tụ trong thời điểm Tết đến xuân về không chỉ thể hiện tình thương và trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình mà còn có ý nghĩa kết nối giữa hiện tại và quá khứ, giúp người còn sống có thể tĩnh tâm để lắng nghe “những buổi ngày xưa vọng nói về” (bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây - khi đại dịch Covid-19 chưa hoành hành trên thế giới, cuộc sống phát triển cũng dẫn đến một xu hướng ngược lại với xu hướng về nhà ăn Tết: Tết đến xuân về là thời điểm nhiều gia đình hoặc nhiều thành viên trong gia đình rủ nhau du lịch, đi càng xa và đến nơi càng lạ thì càng thú vị hấp dẫn! Thực ra, xu hướng đi xa chơi Tết cũng là nhu cầu có thật của một bộ phận người Việt Nam hiện nay.
Nhìn từ một góc độ nào đó, đây vẫn là cách để cả nhà sum họp, đoàn tụ vào ngày Tết cổ truyền - tất nhiên đó là những gia đình quy mô nhỏ, kinh tế khá giả và còn trẻ để không bị ràng buộc quá nhiều vào chuyện phải chuyện không ngày Tết, đặc biệt không có nhu cầu về nhà ăn Tết sau một năm ly hương. Trong không ít trường hợp, những người theo xu hướng mới này cũng đã chọn phương án dung hòa “sống chung với truyền thống” bằng cách chỉ khởi hành sau khi chu toàn mọi sự với hai bên nội ngoại - “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ” - và không phải năm nào cũng… khăn gói lên đường chơi Tết phương xa.
BÙI VĂN TIẾNG