Con người chỉ cần ý thức tốt, hành động đẹp, sống đẹp thì Tết cổ truyền của dân tộc sẽ mãi lung linh; đất nước sẽ thường xuân, thịnh vượng, trường tồn.
Vì sao Tết là phải về…?
Nhiều cuộc trở về đoàn viên trong những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021. (Ảnh chụp tại sân bay Tân Sơn Nhất). Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Những ngày giáp Tết, lòng ta nôn nao mong được về nhà, trí ta lại thoáng nhớ một bài tạp thi cực hay của Vương Duy- nhà thơ, cư sĩ, học giả, chính khách nổi tiếng thời thịnh Đường của Trung Hoa. Thi sĩ họ Vương sống trước ta hơn 13 thế kỷ mà tiếng thơ thuở ấy vẫn nói hộ được tình người hôm nay:
Quân tự cố hương lai
Ưng tri cố hương sự
Lai nhật ỷ song tiền
Hàn mai trước hoa vị.
Tạm dịch (khuyết danh):
Bác từ quê mình tới
Hẳn rõ chuyện quê xưa
Ngày đi bên song cửa
Mai gầy đã nở chưa?
Chỉ có 4 câu thế thôi, hoàn toàn không có từ nào nói về nỗi nhớ nhà kiểu người bạn thơ cùng thời Thôi Hiệu “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” mà vẫn chan đầy hoài mong về quê hương bổn quán. Ấy là câu cuối, một lời hỏi thăm nhánh mai mùa đông hao gầy bên song cửa ở quê nhà bây giờ đã đơm nụ hay chưa? Nhớ nhà lắm mà chỉ hỏi chừng ấy cũng đủ, thật tinh tế quá! Đông qua xuân tới, hoa mai nở là báo tin Tết về, cảm thức quy hồi làm sao mà không trỗi dậy, như đoản khúc tâm tình của thi sĩ Hàn Mặc Tử đã từng bật lên trong “Mùa xuân chín”: “Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng”.
Tại sao ai cũng muốn về nhà, về làng đón Tết? Ở châu Á, không riêng người Việt mới có tục lệ hồi gia nghinh xuân mà người Trung Quốc vào dịp cuối năm cũng vượt nghìn trùng xa cách để sum họp, đoàn viên. Những cuộc “xuân vận” bên đất nước của hơn 1,4 tỷ dân năm nào cũng rùng rùng, đông khủng khiếp.
Đi tìm câu trả lời, trước hết, chắc hẳn vì đón Tết cổ truyền đã là một phong tục văn hóa có từ ngàn đời nay của dân tộc ta, thấm rất sâu vào tâm khảm người Việt, được duy trì và tổ chức nền nếp, trở thành bản sắc rồi. Học giả Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” đã kể ra 10 cái Tết trong một năm của người Việt, trong đó khẳng định Tết Nguyên đán (Tết âm lịch) là cái Tết lớn nhất (Tết Cả), được chờ đợi nhất.
Chúng ta luôn mong Tết Nguyên đán sẽ mãi duy trì song hành với việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhưng đó mới chỉ là ý chí chủ quan của con người; còn thực tế thì với thời gian chẳng có gì là bất biến. Phong tục văn hóa nói chung và phong tục Tết nói riêng có tính xã hội, tức là nó có thể sẽ thay đổi vào một lúc nào đó khi nhu cầu xã hội thay đổi, khi lối sống của con người đổi thay.
Chữ “Tết” là từ chữ “tiết” (trong trường nghĩa “thời tiết”) mà ra. “Nguyên đán” nghĩa là buổi sáng sớm đầu tiên, khởi đầu (của một năm). Xưa nay, ngoài ý nghĩa đoàn tụ, người Việt quan niệm năm mới thì phải làm mới, từ ngoại vật đến lòng người đều có sự chuyển mình, do đó nhà nhà sơn sửa hoặc xây mới, từ bàn thờ gia tiên đến tường rào, cổng ngõ, sân vườn; sắm sanh quần áo, giày dép để du xuân. Trong quan niệm về cái mới này còn là niềm tin và hy vọng về sự đổi thay tích cực kể từ khi gót hồng của nàng xuân gõ nhẹ lên thềm nhà, mà trong đó chủ yếu là cầu bình an, hạnh phúc, tài lộc, công danh, vạn thọ. |
Vậy thì trong chuyện này, yếu tố nào có mức độ tác động cao hơn để cho tập tục đón Tết cổ truyền - hay nói rộng ra là nhu cầu đoàn viên của người Việt vào mỗi dịp năm mới - được bảo tồn lâu bền hơn, thậm chí trường cửu? Đấy chính là từ nhu cầu tự nhiên của con người, tìm về với cội nguồn, về với tộc họ, về với người thân máu mủ ruột rà ngay chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình; mà đã là quê hương thì “mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi”, bởi mẹ cũng chính là quê hương, nếu không nhớ thì “sẽ không lớn nổi thành người”…
Ai quan tâm tới tâm lý học nhân văn hẳn biết lý thuyết của Abraham Maslow về Thang bậc nhu cầu (Hierarchy of Needs) của con người, thường được gọi là Nhu cầu Maslow. Trong thang này, ông xếp nhu cầu của con người đến 8 cấp bậc, trong đó có Nhu cầu về xã hội (Social Needs). Tác giả giải thích Social Needs là nhu cầu mong muốn bản thân thuộc về một cộng đồng, một tổ chức nào đó…; thể hiện qua quá trình giao tiếp như kiếm bạn, kết thân, tìm người yêu, lập gia đình, tham gia hội - nhóm, kết nối tộc họ… Maslow nhấn mạnh: Nếu nhu cầu này không được thỏa mãn, đáp ứng thì nó có thể gây ra các bệnh trầm trọng về tinh thần, thần kinh!
Lý giải đến vậy thì đã rõ. Đoàn tụ là một nhu-cầu-có-tính-bản-năng của con người. Về nhà ăn Tết thôi!
Để Tết mãi đẹp…
Và, thời nay phải ăn Tết thế nào?
Dân ta quan niệm “ba ngày Tết, bảy ngày xuân” và cơ bản thực hành theo lý thuyết này, chẳng hạn “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”; hay “mồng một chơi nhà, mồng hai chơi ngõ, mồng ba chơi đình”. Bắc - Trung - Nam mỗi miền ăn Tết một kiểu, vùng cao ăn Tết cũng khác vùng đồng bằng hay vùng biển nhưng tựu trung - theo ghi chép của các cụ Toan Ánh, Vương Hồng Sển, Phan Kế Bính… - thì đặc sắc của Tết chỉ dồn trong 3 ngày đầu năm âm lịch, còn thiêng liêng nhất luôn là thời khắc giao thừa. “Có nhà ăn Tết một hôm, có nhà ăn Tết ba hôm, có nhà ăn đến bảy hôm nhưng phần nhiều là ăn Tết ba hôm” (Việt Nam phong tục - Phan Kế Bính).
Chữ “Tết” là từ chữ “tiết” (trong trường nghĩa “thời tiết”) mà ra. “Nguyên đán” nghĩa là buổi sáng sớm đầu tiên, khởi đầu (của một năm). Xưa nay, ngoài ý nghĩa đoàn tụ, người Việt quan niệm năm mới thì phải làm mới, từ ngoại vật đến lòng người đều có sự chuyển mình, do đó nhà nhà sơn sửa hoặc xây mới, từ bàn thờ gia tiên đến tường rào, cổng ngõ, sân vườn; sắm sanh quần áo, giày dép để du xuân. Trong quan niệm về cái mới này còn là niềm tin và hy vọng về sự đổi thay tích cực kể từ khi gót hồng của nàng xuân gõ nhẹ lên thềm nhà, mà trong đó chủ yếu là cầu bình an, hạnh phúc, tài lộc, công danh, vạn thọ. Vì vậy, chúng ta thường gặp những câu đối cầu vọng những điều đó, kiểu như là: “Tân niên, hạnh phúc bình an tiến/ Xuân nhật, vinh hoa phú quý lai”, hay “Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ/ Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường”...
Thăm viếng chùa chiền, thắp nhang tổ tiên, thắp nhang cầu may là những phong tục của người Việt những ngày Tết. Ảnh: THU HUỲNH |
Tết còn là dịp để thi ân và tạ ơn. Chúng ta lắng lòng nghĩ về bản thân và nghĩ về tha nhân nhiều hơn, sẵn sàng bỏ qua những oán thán, thù hằn; hàn gắn mọi hiềm khích và rạn nứt trong các mối quan hệ gia đình, xã hội. Nói cách khác, Tết là dịp quý của hòa thuận và hòa hợp. Và tạ ơn, ngay trong quan niệm và thực hành quan niệm “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” đã rõ, không chỉ là thể hiện lòng hiếu đễ một cách thành kính với các bậc tiên tổ và đấng sinh thành mà còn là bày tỏ tinh thần tôn sư trọng đạo. Một tấm quà cho người ta mang ơn, một hồng bao lì xì cho trẻ để mừng tuổi…, tất cả đều là văn hóa truyền thống, là nét đẹp truyền đời của Tết dân tộc.
Tuy nhiên,vẫn còn tình trạng nhiều nơi, nhiều người chỉ chờ đến Tết để lấy cớ phung phí thời gian lẫn tiền bạc, không chỉ 3 ngày mà cả tháng, ra Giêng, bởi suy nghĩ “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Vì tâm lý xả láng như vậy nên nảy nòi nạn nhậu nhẹt bê bết, cờ bạc, đốt pháo, phóng nhanh vượt ẩu, sinh sự…, hậu quả là tai nạn giao thông, các vấn đề vi phạm trật tự an toàn trong dịp Tết tăng cao. Bảy ngày nghỉ Tết Canh Tý 2020, cả nước có 133 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, 1.660 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau...
Nhưng Tết vẫn là Tết. Mấy thói tật kể trên là do con người gây ra, đâu phải vì Tết mà đổ tội cho một phong tục văn hóa cao đẹp, rất lâu đời như thế. Con người chỉ cần ý thức tốt, hành động đẹp, sống đẹp thì Tết sẽ mãi lung linh. Tác giả Vương Hồng Sển trong bài đăng trên Tập san Sử Địa vào tháng 1-1967 đã bàn rằng: “Chúng ta có thể giản dị hóa phần nào những gì phiền phức rườm rà nhưng không nên để cho mất ý nghĩa của cái Tết cổ truyền của một xứ lấy việc nông tang làm gốc, chớ nên quá duy vật mảng ăn chơi vui sướng cho mình mà quên câu “mộc bổn thủy nguyên” (trước có ông bà sau mới có ta) vậy. Theo tôi, ngày Tết Nguyên đán phải được bảo tồn với bao nhiêu cổ tục của nó”.
Học giả, cao nhân họ Vương khuyên bảo có lý quá đi chứ!
***
Năm mới Tân Sửu - 2021 này, cả nước chúng ta đón mùa xuân mới, giữa trạng thái bình thường mới, toàn hệ thống chính trị quyết tâm và đồng lòng, nỗ lực từng bước cùng thế giới đẩy lùi đại dịch. Vui đón tân xuân cũng là để tiếp thêm sức mạnh cho cuộc chiến đang còn nhiều cam go phía trước.
DƯƠNG QUANG