CHUYỂN ĐỔI SỐ

Doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số

.

Kinh tế số là xu thế phát triển tất yếu. Ứng dụng công nghệ số là cơ sở, nền tảng để giải quyết nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp (DN), từ quản trị DN, quản lý nhân sự, tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh hay xây dựng văn hóa DN.

Lưới điện được vận hành tự động hóa tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng. Ảnh: Q.T
Lưới điện được vận hành tự động hóa tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng. Ảnh: Q.T

Chuyển đổi số đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây cũng là giải pháp điều hành của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho DN.

1.   Với mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm, từ năm 2014, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã đẩy mạnh số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ sâu rộng trên khắp lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, từng bước xây dựng môi trường số và không gian giao dịch điện tử hiện đại, công khai, minh bạch, giúp khách hàng dễ giám sát, thực hiện. Theo đó, chỉ cần truy cập vào website của Cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công thành phố Đà Nẵng hay Trung tâm Chăm sóc khách hàng điện lực miền Trung, khách hàng đã có thể trải nghiệm đến 20 dịch vụ điện lực trực tuyến.

Ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết: “100% khách hàng sử dụng điện tại Đà Nẵng dễ dàng kiểm soát, theo dõi số chữ điện hằng ngày của gia đình thông qua một cú nhấp chuột vào địa chỉ https://pcdn.cpc.vn/tracuu. Chỉ với một thiết bị di động có kết nối internet, khách hàng có thể xem số chữ điện tiêu thụ nhiều lần trong ngày; tiền điện tạm tính, lịch ngừng cung cấp điện, so sánh sản lượng điện, số ngày sử dụng với 2 tháng liền kề và tháng cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tiện ích tra cứu cho phép người dùng tự thiết lập các mức cảnh báo sản lượng điện tiêu thụ theo 2 lựa chọn: số kWh hoặc tỷ lệ % tăng so với cùng kỳ. Khi đến ngưỡng cảnh báo thiết lập, công cụ sẽ tự động gửi cảnh báo đến email của khách hàng”.

Bên cạnh đó, với các hộ gia đình, DN có lắp đặt điện mặt trời mái nhà, tiện ích này lại mang đến trải nghiệm mới mẻ khác khi hỗ trợ khách hàng dễ dàng theo dõi, kiểm soát sản lượng điện tiêu thụ và sản lượng điện phát ngược, từ đó giúp khách hàng cảm nhận rõ rệt hiệu quả trong việc tiết giảm chi phí tiền điện ở các bậc cao cũng như số tiền làm lợi từ sản lượng điện phát ngược trên lưới.

Thông qua tiện ích, khách hàng có thể theo dõi tình trạng hoạt động của hệ thống mặt trời mái nhà dựa vào dữ liệu sử dụng qua các tháng, nhờ đó có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng phù hợp. “Hệ thống tra cứu chỉ số công-tơ, cảnh báo sản lượng điện trực tuyến giúp khách hàng hoàn toàn có thể chủ động theo dõi chỉ số điện, trực quan biết được sản lượng điện đã sử dụng qua từng ngày, các khoảng thời gian trong ngày để từ đó có sự điều chỉnh, sử dụng điện hợp lý, hiệu quả hơn.

Đến nay, Đà Nẵng là thành phố duy nhất cả nước có 100% hộ dân, khách hàng theo dõi chỉ số điện hằng ngày theo thời gian thực, góp phần công khai, minh bạch chỉ số điện, tiền điện đến khách hàng, loại bỏ những sai sót do con người khi ghi số thủ công và giảm thiểu phản ánh của khách hàng trong giai đoạn nắng nóng hằng năm”, ông An cho biết thêm.

2. Năm 2020, Covid-19 tác động nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trên mọi lĩnh vực, tuy nhiên lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) lại có bước phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Vì vậy, ứng dụng TMĐT được xem là “cứu cánh” cho các DN duy trì hoạt động kinh doanh, bù đắp phần nào việc sụt giảm doanh số.

Ông Võ Ngọc Duyên, Giám đốc Công ty Giải pháp nghe nhìn A.V.S (quận Hải Châu) cho hay, dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân, từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến. Phát triển mạnh nhất đó là các dịch vụ giao hàng, bởi nhu cầu mua sắm qua mạng, giao hàng hóa tận nhà đang gia tăng chóng mặt.

Tương tự, với công ty chúng tôi, chuyên các mặt hàng công nghệ, kích thước hàng hóa lớn, trước nay chúng tôi chỉ bán hàng theo lối truyền thống (kiểu truyền miệng) thì nay chuyển hướng đầu tư mạnh về bán hàng online. Khách hàng chỉ cần vào ứng dụng di động, chọn lựa món hàng, xem xét giá...; việc đến cửa hàng chỉ là bước cuối cùng nhằm trải nghiệm không gian mua sắm, không tác động nhiều đến quyết định mua sắm của khách hàng.

Do vậy, việc thay đổi tư duy, tập trung đầu tư mạnh vào các dịch vụ TMĐT/chuyển đổi số, là cách để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh hiện tại. “Chuyển đổi số trong DN là xu hướng tất yếu, mặc dù khái niệm này còn khá mới mẻ, nhưng chúng tôi cũng đang tìm hiểu những công ty cung cấp giải pháp hàng đầu, có ứng dụng công nghệ để phân tích doanh thu, phân tích khách hàng, nghiên cứu thị trường… để lựa chọn, nhằm đưa ra chiến lược marketing phù hợp”, ông Duyên cho biết thêm.

Nhận định về tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số trong DN, ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho hay, Việt Nam với thế mạnh là dân số trẻ cũng như lượng người dùng smartphone (điện thoại thông minh) chiếm tỷ lệ lớn, lượng người giao dịch TMĐT trên smartphone ngày càng nhiều.

Chúng ta cũng được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. TMĐT được đánh giá là lĩnh vực rất đặc thù, là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Thực tế, rất nhiều DN hiện nay vẫn chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số để có hướng thay đổi, áp dụng phù hợp.

“Chúng ta phải có những giải pháp để thúc đẩy TMĐT phát triển theo hướng DN và khách hàng cùng có lợi bằng cách tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số.

Việc hoàn thiện, đồng bộ và nâng cao hạ tầng công nghệ nói chung sẽ giúp bảo mật thông tin trên mạng được an toàn, bí mật và thuận lợi cho khách hàng. Phát triển TMĐT không chỉ giúp các doanh nghiệp bán sản phẩm và dịch vụ trên toàn cầu một cách dễ dàng mà còn giúp khách hàng mua sắm mọi lúc mọi nơi. Để duy trì sự phát triển này, cần có sự liên kết đồng bộ giữa cơ quan, ban, ngành và DN trong việc thực hiện các giải pháp để có thể giao hàng đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi nhất cũng như bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng”.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.