CHUYỂN ĐỔI SỐ

Mang lại dịch vụ tốt nhất cho người dân

.

Chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, gắn với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

Mua sắm trực tuyến và thanh toán trực tuyến là một trong những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho người dân. Ảnh: T.Y
Mua sắm trực tuyến và thanh toán trực tuyến là một trong những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho người dân. Ảnh: T.Y

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, việc triển khai ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số sẽ thay đổi toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, chính quyền địa phương, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để người dân dễ dàng tiếp cận những dịch vụ tốt nhất, nhanh nhất và rẻ nhất.

* Hiểu đơn giản nhất thì chuyển đổi số là gì? Người dân cần chuẩn bị những gì để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số, thưa ông?

- Chuyển đổi số hiểu đơn giản nhất là chuyển các hoạt động liên quan đến đời sống, phương thức làm việc và liên hệ với nhau từ môi trường thực tế, vật lý hiện nay sang môi trường số.

Các ứng dụng của chuyển đổi số hay chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đa phần cung cấp dưới dạng nền tảng số (như Cổng góp ý Đà Nẵng, Cổng dịch vụ công Đà Nẵng, Danang Smart City, Zalo, Facebook...) và trên điện thoại di động. Do vậy, về góc độ sử dụng; người dân chỉ cần có điện thoại thông minh, có tài khoản chính quyền điện tử hay tài khoản các nền tảng và thanh toán qua mạng thì có thể tiếp cận, sử dụng công nghệ số. Tất nhiên, để sử dụng hiệu quả thì cần có kỹ năng sử dụng trách nhiệm và an toàn, đồng thời thực hiện theo hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chức năng.

* Người dân sẽ hưởng lợi gì từ chuyển đổi số? Chuyển đổi số có khiến những người đang có việc làm lâm vào cảnh thất nghiệp?

- Có thể nói thông qua môi trường số, khoảng cách giữa chính quyền và người dân được rút ngắn. Chính quyền thấu hiểu nhu cầu và mong muốn của người dân, từ đó cung cấp dịch vụ tốt hơn, chất lượng hơn. Ví dụ, tại Đà Nẵng, thông qua ứng dụng trên điện thoại di động Danang Smart City, mọi thông tin của chính quyền đều chuyển tải kịp thời đến người dân qua mục thông báo; đồng thời người dân dễ dàng góp ý, phản ánh, hiến kế cho chính quyền bằng cách nhắn tin hoặc gọi đến Tổng đài 1022.

Từ đó, những vấn đề phát sinh trong đời sống đô thị như ô nhiễm môi trường, cành cây ngã đổ, bóng đèn bị cháy, cống rãnh tắc nghẽn… nhanh chóng được chuyển đến cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Trên không gian số, người dân khi tham gia giao thông dễ dàng lựa chọn vị trí đỗ xe và thanh toán phí đậu, đỗ xe qua mạng. Trong khi đó, cơ quan chức năng dễ dàng quản lý giao thông qua camera và điều khiển tự động đèn tín hiệu giao thông dựa trên dữ liệu số, hình thành “làn sóng xanh” giám sát, điều khiển giao thông, truy vết và phát hiện vi phạm giao thông.

Công nghệ số, dữ liệu số sẽ giúp người dân sử dụng dịch vụ của chính quyền thuận lợi hơn. Ví dụ, trong sử dụng thủ tục, dịch vụ hành chính của chính quyền, người dân chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân 1 lần duy nhất, các lần sau chỉ cần đăng nhập qua tài khoản công dân điện tử.

Ngoài ra, dữ liệu số cũng giúp người dân dễ dàng lưu trữ thông tin cá nhân, khi thực hiện các thủ tục hành chính Nhà nước không cần nộp lại một số giấy tờ như bản sao giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Khi triển khai chuyển đổi số, chính quyền cũng sớm biết các vấn đề như: thời tiết, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, tình hình giao thông, hoặc các vấn đề lớn hơn như tội phạm, phát triển kinh tế để có giải pháp ngăn chặn kịp thời cũng như thông báo sớm cho người dân biết, phòng tránh…

Chuyển đổi số, ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (bản chất là máy móc thay lao động trí óc) chỉ thay thế một số lao động bậc cao; nhưng đồng thời tạo ra nhiều không gian phát triển mới, tạo ra nhiều việc làm mới. Thực tế hiện nay, một số ứng dụng công nghệ số như Facebook, Google, đặc biệt là ứng dụng taxi công nghệ (Grab) tạo ra nhiều công việc làm mới và doanh thu mới như kinh doanh, quảng cáo trên mạng, sử dụng xe hoặc thời gian nhàn rỗi chạy taxi..

* Tại Đà Nẵng, chuyển đổi số được xem là động lực phát triển thành phố hiện đại, thông minh. Vậy mục tiêu sắp tới của Đà Nẵng là gì, thưa ông?

- Ban Chấp hành Đảng bộ Đà Nẵng sắp ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 Đà Nẵng thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.

Đơn cử, chính quyền số sẽ đáp ứng 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4 (trừ một số thủ tục hành chính có tính chất đặc thù, có quy định riêng), 60% dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức độ 3, 4; 100% cơ quan Nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở; giảm 20% thủ tục hành chính hiện có thông qua kế thừa dữ liệu số; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan Đảng, đoàn thể thành phố được ban hành công khai và liên thông.

Mỗi người dân, doanh nghiệp đều có tài khoản định danh điện tử, được xác thực điện tử và có kho dữ liệu số để giao dịch, sử dụng dịch vụ công, thông tin, tiện ích của thành phố. Ngoài ra, kinh tế số sẽ chiếm tối thiểu 20% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) thành phố; 100% bảo tàng, điểm văn hóa, du lịch cung cấp dịch vụ du lịch thực tế ảo và thanh toán trực tuyến; 90% doanh nghiệp có tài khoản giao dịch thương mại điện tử…

Đặc biệt, mỗi người dân sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử, mỗi học sinh có mã học sinh (ID) duy nhất và có hồ sơ, học bạ điện tử, thanh toán học phí qua mạng. Đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, thành phố thông minh, duy trì các mục tiêu đạt được và tiếp tục phát triển một số mục tiêu như 90% dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức độ 3, 4; giảm 30% thủ tục hành chính hiện có thông qua kế thừa dữ liệu số; hoàn thành cơ bản chính quyền số tại 100% quận, huyện và phường, xã…

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, trong đó “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”.

Như vậy, việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp Đà Nẵng giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong xây dựng, phát triển thành phố thành đô thị hiện đại, thông minh như tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố.

* Những giải pháp nào thành phố sẽ triển khai để chuyển đổi số mang lại thành công?

- Để chuyển đổi số thành công, Đà Nẵng đang tập trung vào 3 nhóm mục tiêu chính: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó tập trung và các nhiệm vụ giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số như chuyển đổi nhận thức, xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kỹ thuật số, dữ liệu số, nền tảng số, nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn an ninh mạng...

Đà Nẵng đang tập trung các giải pháp chính như kết nối mạng chuyên dùng cho 100% cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể xã hội, đồng thời kết nối liên thông với khối chính quyền; xây dựng quy hoạch và triển khai xây dựng mạng lưới hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố; phát triển mạng lưới cảm biến và hạ tầng kết nối internet vạn vật (IoT), tích hợp vào hạ tầng đô thị thiết yếu của thành phố (xây dựng, giao thông, môi trường,…).

Đà Nẵng cũng sẽ triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ 5G và mạng truyền dẫn vô tuyến dùng riêng (LoraWAN), thu hút và triển khai thêm trung tâm dữ liệu, trạm truyền dẫn dữ liệu quốc tế, hạ tầng thanh toán để sớm hình thành trung tâm kết nối số của khu vực ASEAN, trung tâm tài chính vùng.

Ngoài ra, thành phố đang tập trung phát triển dữ liệu số, nền tảng số, đặc biệt là nền tảng đô thị thông minh, nền tảng định danh điện tử và xác thực cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển và áp dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ.

Chúng tôi cũng đang tập trung hoàn thiện ứng dụng DaNang Smart City thành nền tảng di động cung cấp đa dịch vụ, tiện ích cho người dân, du khách; hoàn thiện nền tảng thanh toán trực tuyến, kết nối với các nền tảng điện thoại di động (Mobile Money) để áp dụng thu phí, lệ phí dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công.

Triển khai bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo hiệp hội, doanh nghiệp; tổ chức các chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng áp dụng công nghệ số; cung cấp công khai dữ liệu số, có tính khả dụng cao để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho người dân.

Đặc biệt, ưu tiên chuyển đổi số cho phát triển kinh tế hay kinh tế số trong các lĩnh vực: công nghiệp, ICT, giáo dục, tài chính và thương mại điện tử, công nghiệp, nông nghiệp với mong muốn phát triển kinh tế số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới.

* Xin cảm ơn ông!

TIỂU YẾN thực hiện

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích