Đừng uống rượu trước hiên nhà

.

Cậu Dong trở về.

Đứng trên hiên nhà, Thy rướn thật cao để nhìn kỹ xem có đúng là cậu mình không. Rồi thoáng cái con bé đã nhảy một phát xuống đất, chạy xoắn rồi reo lên lanh lảnh “Bà ơi. Là cậu Dong về rồi”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Người này người kia xôn xao. Cậu Dong đi giữa đám trẻ con, tay xách túi du lịch, miệng cười hơn hớn. Cứ tưởng bà chạy ào đến ôm chầm lấy cậu khi vừa bước lên đầu cầu thang, tay vừa vịn vào bầu vú trơn láng như mọi ngày. Nhưng lạ lắm, bà quay lưng đi một mạch vào nhà. Cậu Dong chỉ hơi sựng lại một chút rồi lại tỉnh bơ như không, cậu mở túi xách đưa cho Thy túi kẹo. Cậu nói với Thy bằng giọng khàn khàn: Chia cho bọn trẻ với Thy nhá. Rồi mặc kệ tiếng hò reo của chúng nó, cậu Dong đi thẳng vào nhà.

Thy không biết vì sao không khí trong nhà rất khác, không giống nhà có người đi xa lâu ngày mới về. Mí chuẩn bị bữa cơm chiều một cách lặng lẽ. Từ gian bếp sau nhà, chỉ có tiếng rau đổ vào chảo xào xèo xèo. Thơm phức. Cả tiếng giã cộc cộc vang lên đều đều. Chắc mí giã cà để nấu canh cà đắng. Ở nhà trên, trong gian khách, con bé Thy quẩn quanh bên cậu, níu tay ríu ran, mắt sáng lấp lánh nghe cậu Dong kể chuyện này chuyện kia. Tiếng khàn khàn của cậu, tiếng con bé cười khanh khách làm gian nhà khách ấm hẳn. Còn bà, bà cứ ngồi mãi ở cầu thang nơi cửa sau. Từ chỗ ấy, khói thuốc bay phơ phất len giữa khói bếp. Lâu lắm Thy mới thấy bà hút thuốc. 

Cơm tối dọn ra. Cậu Dong khoanh chân ngồi xuống, cả nhà cũng lần lượt ngồi quanh mâm cơm. Chỉ có bà là không ngồi ở chỗ mọi khi. Bà cũng không bảo chúng mày ăn đi. Mí mời mấy lần, bà nhằn. Kệ tao.

Thế là cả nhà cắm cúi ăn cơm. Canh cà đắng nấu với cá khô, bò một nắng xé chấm với trứng kiến. Toàn món ngon nhưng chẳng ai mở câu khen. Bà chờ lúc Thy bưng cái mâm ra nhà sau, mí dọn dẹp nồi xuống bếp thì mới dằn dỗi:

- Mày về đây làm gì, đi được năm năm thì sao không đi được mười năm. Sao không đợi khi nào tao đi theo ông bà thì hãy về.

- Ôi dào, người già hay cả nghĩ.

Giọng của cậu Dong vẫn thế, tưng tửng. Cậu khoát tay có vẻ không muốn nghe bà nói tiếp. Nhưng tiếng bà rền rền, rầu rĩ như người ta khóc hời thương con vật nuôi nào đó mất tích có lẽ làm cậu thấy bực bội. Thế là cậu Dong gắt:

- Mí ngủ đi, già rồi, nói nhiều đến điếc cả tai. Mí cứ nói nữa, tôi đi lần này là đi mãi đấy.

Nói rồi cậu đứng dậy, với tay lấy cái áo đang mắc trên cột khoác lên vai rồi đi. Ngoài trời tối như bưng nhưng cậu đã xăm xăm bước xuống cầu thang. Sợ cậu lâu ngày về không nhớ đường, Thy định chạy theo, chưa ra đến cửa, cậu Dong đã nhăn mặt:

- Ngủ đi, theo tao làm gì.

- Cháu sợ cậu lạc.

- Lạc thế nào được, tao đi uống rượu. Mày trẻ con, ở nhà ngủ để mai còn đi học.

Cậu đi rồi, Thy vẫn còn ngẩn ngơ.

Từ ngày cậu bỏ nhà đi, bà bắt mí Thy nhờ người đóng cho cái sạp gỗ dưới gốc cây me xanh um ở đầu buôn để bán rau củ linh tinh. Người làng đi rẫy về, có trái gì muốn gửi bán cứ để ở đấy, bà bán giúp. Rồi thì mùa nào thức ấy, từ củ khoai, củ mài cho đến lá mì, bà bán đủ loại. Người ta đi về đến làng là ghé cái sạp của bà, hỏi han, nói đủ thứ chuyện trên đời. Nhưng mí Thy bảo, bà thích ra đó vì để ngóng cậu Dong chứ không chỉ bán hàng.

Thy biết. Người được bà yêu nhất nhà, chắc chắn là cậu Dong chứ không phải ai khác.

Bà sinh được hai người con, mí và cậu Dong. Mí Thy giống ông ngoại bao nhiêu thì cậu Dong giống bà bấy nhiêu, càng lớn lại càng giống. Tóc cậu xoăn như tóc bà, dày và đen bóng. Khi ông mất sau cơn sốt rét thì bà lại càng yêu cậu. Ngày nào bà cũng dậy thật sớm, không lên rẫy thì ra vườn để hái bằng được những loại rau nấu canh cho cậu Dong vì thằng bé nó thích. Hễ đi đâu về đến nhà, câu đầu tiên bà hỏi là cậu Dong đâu, ăn cơm chưa, giờ này sao còn mải mê làm mấy cái việc linh tinh làm gì mà chưa rửa tay rửa chân mà nghỉ... Thậm chí, khi cậu Dong trổ mã thành một thanh niên vỡ tiếng, biết theo bọn thanh niên trong làng đi trêu con gái thì bà vẫn nghĩ cậu là đứa trẻ con.

Rồi cậu Dong có người yêu. Chị H’Thảo ở cuối buôn. Thy nhớ rằng chị Thảo rất xinh, đi rẫy quanh năm, giang nắng giang gió nhưng da lại trắng, môi chị đỏ và lúc nào cũng cười chúm chím. Nhưng với bà thì không. Khi mới nghe loáng thoáng người làng trêu sắp có người đến nhà hỏi cậu Dong về nhà người ta làm rể, bà đã nổi giận đùng đùng. Vì chị Thảo cùng họ Niê với bà. Người cùng buôn, cùng họ. Dù là họ hàng xa mấy đời thì bà cũng không chịu cho cậu Dong về làm rể nhà chị Thảo.

Khi cậu đi rẫy về, bà bắt ngồi giữa nhà, một bên là mí Thy, một bên là cậu Dong. Giọng bà đanh lắm:

- Dong à. Con gái buôn Jin nhiều như nấm rừng mọc sau mưa, nhìn đâu cũng có người hợp với con, không ưng con Thảo được.

- Nhưng mí à, chúng con thương nhau hơn dây thừng cuộn làm đôi làm tư, bỏ là bỏ làm sao cho được.
Cậu Dong đứng phắt dậy. Hai tay cậu nắm chặt lại ra chiều quyết liệt khác thường. Bà giận dữ ném cái cây củi vào bếp lửa đang cháy, mạnh đến nỗi than bắn tung tóe.

- Tao nói rồi đấy. Mày không nghe lời là tao chết cho mày xem.

Rồi bà bật khóc. Tiếng khóc tu tu dội lên vách nhà. Cậu Dong bỏ đi. Đêm ấy, cậu không về nhà. Có lẽ cậu ngủ trong rẫy. Bà ở nhà cứ khóc mãi, đến khi Thy đi ngủ, bà vẫn còn ngồi nguyên ở chỗ ban tối, tiếng khóc hờ hờ trong cổ họng. Hình như cả đêm ấy bà không ngủ.

Chị Thảo biết chuyện Dong không thể về làm rể nhà mình thì không đến nhà Thy nữa. Chừng vài ba tháng sau đó, chị lấy chồng. Chồng chị Thảo là người Kinh. Một người đàn ông làm việc ở trạm khuyến nông. Cưới xong ba ngày thì chị Thảo theo chồng ra thị trấn.

Rồi cậu Dong biến mất. Nơi treo quần áo của cậu đã được thu dọn sạch sẽ đến mức dường như chưa có cậu từng xuất hiện trong ngôi nhà này. Hôm trước, cậu bảo với mí Thy là không thể ở làng được nữa. Cậu sẽ đi đâu đó kiếm việc làm, mọi việc nương rẫy ở nhà nhờ cả vào chị gái, chị nhé.

*

Thy vẫn gặp chị Thảo. Nhất là khi mí thường đưa Thy theo cùng mỗi khi đi chợ huyện. Nhà chị Thảo ngay đầu cổng chợ. Nhà chị mở một quầy tạp hóa bán đủ loại, từ dầu ăn, nước mắm, bột giặt đến bánh kẹo. Chị Thảo ngồi sau quầy, chỉ thu  và trả lại tiền thừa cho khách hàng. Việc lấy hàng cho khách có nhân viên làm. Người làm công cho chị là mấy chị cùng buôn với Thy. Họ cũng nhanh chóng thay đổi giống chị Thảo. Chị bây giờ rất khác, nhất là chẳng còn mảnh khảnh như xưa. Và lúc nào chị cũng luôn miệng la nhân viên, làm nhanh cái này, lấy cái kia cho khách kìa. Chúng mày cứ túm tụm ở góc ấy làm gì, tao trả lương để chúng mày giương mắt nhìn khách đấy à. Chỉ có điều chị luôn hạ giọng mỗi khi mí dắt Thy bước vào tiệm.

Chị Thảo quý mẹ con Thy. Hễ gặp Thy, thế nào chị cũng dúi cho túi bánh quy, loại Thy vẫn thích. Chị cho em nhé. Em mình càng lớn càng xinh nhỉ.

Em mình! Hay thật. Lúc nào chị Thảo cũng gọi Thy là em mình. Giọng rất ấm. Rồi lúc nào mắt chị cũng trìu mến như thế. Có hôm vắng khách, Thy nghe thoang thoáng chị hỏi mí về cậu Dong rằng anh ấy có hay liên lạc về nhà không chị? Rồi anh ấy vợ con gì chưa? Mí cũng thầm thì. Họ nói về cậu Dong bằng sự rụt rè. Chắc chị ngại nhân viên trong tiệm tạp hóa nghe được, đến tai anh khuyến nông chồng chị ấy mà.

Mỗi lần gặp chị Thảo xong, trên đường về, mặc kệ xe phải bươn qua những con đường dài hun hút, một đôi đoạn xe tải qua tung bụi mù trời khiến Thy ho sặc sụa thì mí cứ tặc lưỡi, rằng thương chị Thảo quá, cái gì cũng có, chỉ có thiếu mỗi đứa con. Ngồi sau lưng mí, hai tay ôm chặt hông mẹ, Thảo cứ băn khoăn rằng sao người ta lúc nào cũng thấy thiếu, như nhà mình, có đôi lúc bà vẫn bảo nhà mình còn thiếu người đàn ông đấy thôi.

*

Cậu về bao ngày rồi lại đi.

Tiếng mí đều đều sau nhà. Cậu Dong đang chẻ củi. Cậu vung búa lên quá đầu rồi buông từng nhát xuống chẻ đôi cây củi một cách dứt khoát. Một lúc lâu cậu mới dừng lại, ngẩng lên nhìn mí.

Sao thế, chị định hỏi chuyện khác thì cứ hỏi đi. Lâu ngày chị cũng khác nhỉ. Cũng đi quanh rồi mới lên nhà à.

Cậu Dong cười. Bao nhiêu năm rồi, tiếng cậu cười vẫn trong và lanh lảnh như thế. Thy mang cho cậu ly nước chè xanh của bà dặn. Cậu Dong tu một hơi hết ca đầy. Mí vẫn nấu nước chè thế này chị nhỉ. Em chẳng thể nào nấu như mí mình được.

Bà cứ thích nấu nước chè dù bao nhiêu lần mí dặn là người ta không nấu lên như thế, chỉ cần hãm chè xanh là nước đủ trong và xanh ngắt rồi. Nhưng bà bảo kệ tao. Đứa nào không uống được kiểu tao nấu thì thôi.

Ừ, mí bảo khi nào cậu về nhà người ta thì sẽ quen nếp uống chè kiểu người ta thôi. Mà cậu tính gì chưa. Hay cứ ở thế cho đến ngày đi dạm nhà trai cho con bé Thy cháu gái cậu?

Giọng mí dỗi, lại hơn ươn ướt rồi. Bao nhiêu năm, hễ cứ nhắc đến chuyện vợ con của cậu, cả bà, cả mí đều muốn khóc. Bà đấy, cứ hễ gặp cô gái nào trong buôn đến quầy tạp hóa bé tí trước nhà thì bà lại cười cười. Cháu ưng ai chưa, hay là ưng con trai của nhà bác nhá. Đấy, nó sắp về làng rồi, bác để dành nó cho cháu đấy. Bà cứ dạm tiếng mãi. Các cô ấy cứ cười cười, xô lưng nhau rồi chạy biến. Rồi từng cô bắt chồng, cô ưng nhất, rồi đến cô hơi ưng ưng. Năm ba năm, có cô địu con trước ngực, trên lưng rồi mà cậu cứ biền biệt không về.

Lời mí nói cũng là lời bà dặn. Chỉ là bà không hết giận dỗi với cậu Dong mà thôi.

- Em mới gặp Thảo hôm qua. Thảo trông khác chị nhỉ?

- Cậu còn nhớ người ta à? Nhớ mà làm gì? Nhà người ta đã lớn. Ai cũng có cuộc đời riêng của mình rồi. Cậu cứ vương vấn làm gì cho khổ. Mí nghe được thì mí lại buồn đấy cậu Dong à.

- Em còn thương Thảo, chị ạ. Mà em nghe cô ấy cũng không hạnh phúc. Tiền thì có mà hạnh phúc thì tuột vào tay người khác từ cả năm nay rồi.

Thy nghe tiếng mí thở dài. Hôm trước, Thy cũng nghe thoang thoáng mí nói chuyện với mấy cô trong xóm về chuyện chị Thảo bán tiệm tạp hóa đang buôn bán phát đạt trên huyện để về làng ở cùng cha mẹ ruột. Nghe đâu chồng chị có con với cô nhân viên cũ từng làm ở cửa hàng. Cô ấy cục mịch và xấu, nhưng đẻ cho anh chồng một đứa con trai.

Cậu Dong đã bổ xong đống củi. Mí Thy xếp từng khúc củi vào góc vườn một cách tẩn mẩn. Xếp chưa xong nhưng nghe cậu Dong nói chuyện chị Thảo thì mí đứng phắt dậy, mặt đỏ lên.

- Bao nhiêu năm nay, mí không ngủ trọn giấc đêm cũng vì nhớ cậu, thương cậu. Nhà mình buồn như có đám bao nhiêu năm nay vì cậu nặng lòng quá với tình yêu của tuổi trẻ của cậu rồi. Vì thế có buồn nữa thì cũng thế thôi. Ừ thì tùy cậu. Cậu lớn rồi.

Cậu Dong đứng sững. Nhất là khi cậu ngước lên. Bà đứng ở cầu thang tự khi nào. Bà không nói gì hết. Chỉ có mắt là sũng ướt.

*

Rồi thì ba đêm liền Thy thấy cậu uống rượu.

Cậu không vắt áo khoác lên vai và đi xuống cầu thang lúc trời chập choạng như hôm trước. Cậu cũng không gọi bạn bè là những người đàn ông ồn ào ngồi ngật ngưỡng, nhậu và hát om xòm ở gian nhà khách.

Cậu ngồi ở hiên nhà. Một mình. Uống rượu trong chiếc ly nhỏ con con. Mí Thy đi ra đi vào. Càm ràm. Đi vào nhà đi, trời đổ sương lạnh đấy. Cậu chỉ cười. Chị cứ kệ em. Còn bà, cứ ở mãi trong gian giữa, trong căn buồng nhỏ, trên chiếc đệm mỏng. Bà không kéo cửa sổ dù ngoài trời gió rít ầm ầm. Trời buôn Jang ban đêm đổ gió, và trở lạnh cũng rất nhanh. Nhưng bà cứ ngồi yên ở bên cửa sổ. Bà chẳng nói với cậu tiếng nào. Mà cũng chẳng nói chuyện với mí, với Thy. Bà lặng như chiếc bóng. Chiếc bóng run và khòm như một một dấu hỏi. Khi bà đi và cả khi ngồi, dấu hỏi cứ khòm xuống, trĩu như cành bị vít cong.

Rồi hôm nay cậu Dong ôm đàn và hát sau khi uống hết chai rượu ngâm từ rễ cây nhàu. Loại rượu mà mí bảo đàn ông đừng uống, chúng sẽ làm người ta ủy mị đi. Nhưng nhà hết rượu rồi. Cậu cứ rót và uống. Rượu ngọt nhưng có lẽ vì lòng cậu đắng ngắt. Vì vậy mà cậu Dong say. Từ trong nhà, Thy nghe giọng cậu Dong vang lên giữa đêm, thanh và trong nhưng buồn thật buồn “Rồi mình đi, rồi mình buồn. Rồi thì em không thể trong trái tim tôi. Em ơi”…

Đêm hôm ấy, nằm bên cạnh bà, Thy không thể ngủ được vì bà thở dài sườn sượt. Lúc vừa nghe tiếng gà gáy dưới gầm sàn thì bà đã dậy, se sẽ kéo tấm chăn đắp cho Thy rồi ra ngoài. Thy ngủ chập chờn giấc sáng giữa mùi thơm thoảng thoảng của khoai nướng. Cả tiếng nước reo khe khẽ trong ấm nhôm ở gian nhà ngoài.

Thy không thích buổi chiều. Vì nhà Thy lúc ấy cứ buồn buồn. Bà không chịu xuống bếp để ăn cơm cùng cả nhà. Dọn lên gian nhà trước bà cũng không ngồi xuống. Thậm chí có hôm mí dọn hẳn mâm cơm ra hiên nhà trước, bảo là thay đổi không khí thử xem. Bà cũng bảo kệ tao.

Thế mà hôm nay bà lại xuống bếp. Bà tự tay gỡ xâu thịt trâu đang treo trên gác bếp, rồi bảo Thy ra vườn hái cho bà nắm lá ớt, lá é, nhớ hái ớt chỉ thiên xanh già để bà giã muối ớt. Hôm nay nhà mình có khách đấy. Vào chắt cho bà chai rượu. Mà một chai chẳng đủ. Thôi thì chắt hai chai cháu nhé. Bà bảo Thy ơi Thy hỡi nhưng thực ra việc chắt rượu ngoài mí và cậu ra thì ai mà làm được. Mặc kệ bà chẳng gọi đến tên nhưng cậu Dong vẫn mang chai vào buồng để chắt rượu đấy thôi.

Thy ngơ ngác. Hỏi khách nào đến nhà thế mí. Mí lắc đầu, cứ cặm cụi chụm lửa nấu cơm. Cặm cụi xé gà làm gỏi. Rồi cả xào cả món sách bò nấu với cải xanh.

Cậu Dong đang sửa lại cái bàn học cho Thy. Bà bảo Thy lên bảo cậu mặc áo vào, nhà có khách đến ăn cơm, đừng cởi trần nữa. Cậu vẫn lẳng lặng đóng đinh lạch cạch, vai u lên, cánh tay vẫn gồng giữ chân ghế, mặc kệ con bé đứng càm ràm dặn cậu mặc áo vào như bà dặn.

Khách làm cả nhà bất ngờ. Chỉ có bà đi lên nhà, bà đón khách ở đầu hồi, có phải người lạ người dưng gì đâu mà ngập ngừng cái chân vậy cháu. Giờ thì ai cũng biết đấy là chị Thảo. Chị mặc cái váy dệt thổ cẩm ngang bắp chân, cứ đứng mãi ở cửa, ngập ngừng. Bà quay lại bảo cậu Dong. Dong à, bảo chị dọn cơm ở gian khách này nhá. Mày đi lấy rượu nhá, hôm nay cả nhà mình uống rượu. Rượu uống trong nhà cho ấm. Đừng uống rượu trước hiên nhà, ngoài đó gió lắm con ạ.

Cậu Dong đứng sững. Thy thấy mắt cậu ươn ướt. Chao ôi. Đây là lần đầu tiên mắt cậu Dong ướt. Nhưng lại lấp lánh mới lạ chứ. Chắc là do bà bảo “Đừng uống rượu trước hiên nhà, ngoài đó gió lắm”…

NIÊ THANH MAI

;
;
.
.
.
.
.
Chọn lọc Vang Chile giá rẻGiá vang mastro nhập khẩuMua vang chén thánh nhập khẩu cao cấp Giá vang đỏ ưu đãi từ Red Apron