Hôm trước, trên mạng xã hội truyền đi đường dẫn (link) bức ảnh về cặp vợ chồng trẻ, người chồng mới đi làm về còn lấm lem sơn, bột trét từ đầu đến chân, nhưng vẻ mặt rạng ngời khi cùng vợ và 2 con nhỏ (một bé chừng 3 tuổi, một bé còn ẵm trên tay) háo hức trong cửa hàng để mua sữa.
Người chụp bức ảnh ấy chia sẻ rằng: “Suốt buổi mua sữa tại cửa hàng, mình chỉ nghe rộn rã tiếng cười vui của gia đình với 2 con nhỏ này, điều đơn sơ nhưng có khi là mơ ước của những người tiền bạc không bao giờ thiếu. Hạnh phúc đâu chỉ có biệt thự, xe hơi... đúng không, thưa mọi người?”.
Cuộc sống còn lam lũ khó khăn, nhưng nhìn nụ cười của cặp vợ chồng trẻ, tưởng như họ chẳng cần gì thêm nữa. Tuy nhiên, không hẳn cứ giàu có thì sẽ bị tước đi hạnh phúc ấm êm.
Nếu giàu có hơn, trong số họ sẽ có người không phải nhấc lên bỏ xuống những món hàng khác nhau ở chất lượng, giá cả, những đứa trẻ cũng khó tránh khỏi những thèm thuồng món đồ chơi xa xỉ của bạn bè. Nếu đủ đầy hơn, trẻ sẽ sớm có điều kiện được tiếp cận nền văn minh ở những thành phố lớn, sẽ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần…
Tôi còn nhớ một lần chị gái gửi đứa cháu dưới quê lên chỗ tôi vài ngày, con bé mới học lớp 4 nhưng khi tôi dẫn đi đâu, ăn hay mua món gì nó đều hỏi giá món hàng, thực đơn. Khi tôi dắt cháu vào siêu thị, cầm những món có giá cao, cháu tôi dù thích nhưng vẫn rụt tay lại.
Tôi phải nói mãi, rằng dì là người nhà, cháu chỉ không nhận quà của người lạ thôi, cháu mới chịu nhận nhưng trong ánh mắt của cháu vẫn lăn tăn vì món đó nhiều tiền, dù nó chỉ vài trăm ngàn đồng.
Điều đó không hiểu sao khiến tôi đau lòng mãi đến sau này, gần như là ám ảnh ánh mắt của cháu, cứ nghĩ đến cháu thì nước mắt ứa ra. Ở cái tuổi hồn nhiên, cớ gì một đứa trẻ mười tuổi quan tâm đến giá cả, tiền bạc?
Hồi nhỏ, tôi được cha mẹ dạy nhiều về việc phải tiết kiệm. Tiết kiệm theo kiểu đừng có đồng nào là mua hết đồng đó. Nếu có 10 đồng, chỉ nên mua 5 đồng, số còn lại khi nào thật sự cần thiết mới lấy ra dùng. Nhờ cách dạy dỗ về tiền bạc của cha mẹ, khi vào đại học, tôi tự thân một mình bươn chải ở thành phố lớn, tự kiếm việc làm để đóng học phí và trang trải sinh hoạt hằng ngày.
Nhờ có kinh nghiệm tích lũy từ nhỏ nên tôi ít rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn mỗi dịp cuối tháng chờ trợ cấp từ gia đình như chúng bạn, cũng không đến mức quá thèm thuồng thứ gì đó ngoài tầm khả năng, bởi sự chi tiêu hợp lý. Tôi tự nhận biết rằng chẳng ai cho không mình bất cứ thứ gì, nên muốn có áo đẹp, thức ăn ngon thì mình phải nỗ lực.
Tôi không ngại việc khó, miễn là kiếm ra đồng tiền chân chính và không để bản thân mình bị thiệt thòi. Đó cũng là cách tôi sống và yêu thương bản thân mình. Tôi không cho kiếm tiền là mục đích duy nhất của cuộc sống, nhưng nó là cách tốt nhất để chứng minh giá trị con người mình.
Thỉnh thoảng đọc, xem lại những câu chuyện cổ tích, tôi thấy thật may mình không bị ảnh hưởng quan niệm từ chính những câu chuyện đó, rằng người giàu luôn xấu xa và người nghèo luôn tốt bụng. Người nghèo trong những câu chuyện cổ tích cũng không cần phải nỗ lực gì nhiều, chỉ cần sống tốt, biết yêu thương, hay giúp đỡ người khó khăn…, rồi một ngày sẽ được ông bụt, bà tiên xuất hiện, đền đáp lòng tốt ấy một cách xứng đáng bằng cách hóa phép cho nhà cao cửa rộng, những mâm cơm đầy ắp thịt thà…
Cũng trong cổ tích, điều gần như được mặc định, đó là những đứa trẻ sinh ra trong nhà nghèo luôn được cha mẹ yêu thương nên cũng tràn đầy tình yêu thương với chung quanh, giàu lòng vị tha, luôn luôn trung thực, thật thà... Còn những đứa trẻ sống trong nhà giàu lại xấu tính, hống hách, ích kỷ… Cũng như vậy, nhà cao cửa rộng, xe đẹp… thường đi kèm với những nỗi bất hạnh mang tên “người giàu cũng khóc” và những túp lều tranh đơn sơ lại luôn đầy ắp tiếng cười…
Sẽ không có bất cứ món tài sản nào từ trên trời rơi xuống với người nghèo tốt bụng, và chàng hoàng tử, nàng công chúa cũng chỉ tồn tại trong cổ tích, họ hạnh phúc với nhau trong trang sách mãi mãi mà thôi!
Tôi luôn tin rằng, sự nỗ lực của mỗi cá nhân sẽ được đền bù xứng đáng, không có thành quả nào từ trên trời rơi xuống mà phải là cả quá trình cố gắng. Và những hình ảnh về gia đình hạnh phúc kia, nếu đủ đầy hơn, hạnh phúc của họ sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều.
LA THỊ ÁNH HƯỜNG