Các nhà nghiên cứu đã phát hiện lý do “Hombre sentado” (Người đàn ông ngồi), một trong bốn bức tranh có liên quan mật thiết với Pablo Picasso, lại xuống cấp nhanh hơn những bức khác.
Các vết nứt sâu trên bề mặt bức tranh “Hombre sentado” (Người đàn ông ngồi) của Picasso. Ảnh: The Art Newspaper |
Mùa hè năm 1917 tại Barcelona (Tây Ban Nha), Picasso vẽ 4 bức tranh lấy cảm hứng từ Ballet Russes - một công ty vũ ba lê lưu động có trụ sở ở Paris (Pháp), biểu diễn từ năm 1909-1929 trên khắp châu Âu, sử dụng một bộ chất liệu gồm 7 chất màu, dầu khô, keo động vật và vải. Bốn bức tranh, trong đó có “Hombre sentado”, vẫn còn trong nhà của gia đình Picasso đến năm 1970, khi chúng được tặng cho Bảo tàng Picasso ở Barcelona.
Một thế kỷ sau, bức tranh “Hombre sentado” xuống cấp. Các chuyên gia quan sát thấy nhiều vết nứt bề ngoài và Bảo tàng quyết định khôi phục bức tranh. Song, họ muốn tìm hiểu tại sao những bức tranh khác, cũng được lưu trữ trong điều kiện tương tự trong một thế kỷ, lại không suy suyển gì.
Vụ việc được giao cho một nhóm các nhà khoa học quốc tế tìm hiểu, trong nhóm đó có Francesca Izzo - nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ về bảo tồn di sản văn hóa tại Đại học Ca’Foscari của Venezia, miền bắc nước Ý. Dự án ProMeSA (Nghiên cứu tính chất cơ học và kích thước của màng sơn thương mại), do GS. Laura Fuster-López tại Đại học Politècnica de València (Tây Ban Nha) điều phối, đã được hoàn thành.
GS. Laura Fuster-López cho biết, bức tranh có dấu hiệu nứt nẻ nghiêm trọng trên khắp bề mặt được sơn. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng cả phân tích hóa học lẫn các kỹ thuật không xâm lấn - bao gồm tia X-quang, tia hồng ngoại và phản xạ - để nghiên cứu các tầng khác nhau, từ lớp sơn bề mặt đến lớp nền vải của những bức tranh có cùng độ tuổi.
Các nhà nghiên cứu phát hiện Picasso đã sử dụng một tấm vải với kiểu dệt chặt chẽ hơn cho bức tranh “Hombre sentado”, phủ lên lớp vải bố một lớp keo động vật dày hơn. Cả hai yếu tố dẫn đến ứng suất bên trong lớn hơn hình thành khi tranh tiếp xúc với độ ẩm dao động, trong khi phản ứng hóa học giữa một số chất màu và môi trường liên kết gây ra phản ứng hóa học khiến sơn bị biến chất. Francesca Izzo nói với tờ The Art Newspaper rằng, kết quả là các lớp sơn dần dần nứt ra khi áp lực môi trường tác động.
Trước đây, các nhà bảo quản chủ yếu dựa vào phân tích hóa học để xác định một số vật liệu dẫn đến hư hỏng. Việc kết hợp các nghiên cứu như vậy với các dấu hiệu hư hỏng cơ học hữu hình hơn sẽ giúp các nhà bảo tồn đưa ra các quyết định bảo tồn sáng suốt hơn.
HOÀNG ĐẶNG (theo The Artnewspaper)