Các "thiên đường thuế" sẽ hết thời?

.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khi họp thượng định ở Cornwall (Vương quốc Anh) từ ngày 11 đến 13-6 đã công bố một thỏa thuận phi tiền lệ về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu, buộc các công ty đa quốc gia phải nộp thuế ít nhất 15% tại bất cứ nơi nào có hoạt động kinh doanh, thay vì chỉ tại nơi đặt trụ sở.

Văn phòng Công ty Google đặt tại khu trung tâm Grand Canal Docks ở Dublin, Ireland. Ảnh: Reuters
Văn phòng Công ty Google đặt tại khu trung tâm Grand Canal Docks ở Dublin, Ireland. Ảnh: Reuters

ây là một bước tiến đáng kể trong nỗ lực đồng thuận của các nước lớn nhằm giải quyết tình trạng các công ty đa quốc gia tìm đến những “thiên đường thuế” đặt trụ sở ma và chuyển lợi nhuận trốn/tránh thuế.

“Thiên đường” phải thay đổi

Khi nhắc tới những “thiên đường” tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia, cái tên thường được nghĩ tới đầu tiên là Ireland, một thành viên Liên minh châu Âu (EU). Kể từ những năm 1990, Ireland đã là điểm đến ưa chuộng với các công ty đa quốc gia khi nước này áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 12,5%, thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước phát triển (mức thuế này là 20% ở Mỹ hoặc Pháp). Ngoài ra, Ireland còn có hiệp ước thuế với các quốc gia khác cho phép doanh nghiệp đa quốc gia trả thuế thấp hơn nữa.

Lập luận của Ireland là khuyến khích các công ty đa quốc gia đầu tư vào nước họ. Tuy nhiên, một loạt cơ chế, chính sách thuế ở Ireland thậm chí còn cho phép các công ty đó có thể dễ dàng chuyển lợi nhuận tới các “thiên đường thuế” khác (những nơi có mức thuế doanh nghiệp có thể bằng 0) như Bermuda nằm trên biển về phía tây của Đại Tây Dương, và theo đó tránh được việc phải nộp thuế doanh nghiệp.

Rất nhiều “gã khổng lồ công nghệ” của Mỹ đã coi Ireland là trụ sở chính tại châu Âu của họ. Bên cạnh đó, theo báo Wall Street Journal, ít nhất 9 trong số các hãng dược lớn nhất thế giới đều có những hoạt động điều hành kinh doanh đáng kể tại Ireland, mặc dù sản phẩm họ được bán tại Mỹ.

Mức thuế thấp của Ireland giúp quốc gia này thu hút lượng lớn các hãng công nghệ - những tổ chức doanh nghiệp vốn không cần ở gần khách hàng để bán sản phẩm, và có thể đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ở một một nơi khác, rất xa so với nơi họ chuyển lợi nhuận tới. Vì vậy, chính phủ Ireland lo ngại kế hoạch cải tổ cơ chế áp thuế toàn cầu của G7 sẽ gây thâm hụt lớn cho ngân sách của nước này. Cùng với đó, Ireland sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn với nhiều doanh nghiệp Mỹ.

Không chỉ Ireland, nhiều quốc gia nhỏ khác có mức thuế doanh nghiệp thấp cũng sẽ đối mặt với sức ép phải thay đổi chiến lược kinh tế quốc gia khi không thể tiếp tục trông đợi nguồn thu ngân sách từ chính sách thuế kiểu “phá giá” như vậy nữa. Dù vậy, theo báo Wall Street Journal, có những tín hiệu cho thấy Ireland đang chuẩn bị tâm thế miễn cưỡng chấp nhận công cuộc cải tổ thuế rất lớn này. Bởi lẽ, không chỉ Mỹ - đối tác quan trọng nhất của Ireland, mà hầu hết các đồng minh khác của họ đều ủng hộ quy định về mức thuế tối thiểu toàn cầu với tập đoàn đa quốc gia. “Thay đổi sẽ đến”, ông Thomas Byrne, quan chức phụ trách các vấn đề châu Âu trong chính phủ Ireland, nói như vậy trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 10-6 vừa qua. “Chúng tôi cam kết hợp tác với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và xem mọi việc sẽ tới đâu”, ông nói tiếp.

Chính phủ Ireland ước tính thu nhập từ thuế doanh nghiệp sẽ giảm 2 tỷ euro vào năm 2025 nếu thỏa thuận G7 được áp dụng. Các tổ chức giám sát ngân sách độc lập cho rằng, mức giảm này sẽ lớn hơn, khoảng 3,5 tỷ euro (4,24 tỷ USD). Song, tổn thất kinh tế với Ireland có thể nhiều hơn nếu một số doanh nghiệp lớn của Mỹ quyết định rút khỏi Ireland khi chính sách thuế toàn cầu mới của G7 được áp dụng.

Chờ đợi G20

G7 dự kiến tiếp tục kêu gọi thêm sự hưởng ứng đối với đề xuất về mức thuế tối thiểu dành cho doanh nghiệp trong kỳ họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) tại thành phố Venice (Ý) dự kiến diễn ra trong tháng 7 tới. Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực vận động thêm các nước ủng hộ thỏa thuận đánh thuế mạnh mẽ này, mà đích nhắm đến trực tiếp và trước tiên là các ông lớn công nghệ (Big Tech) như Google, Facebook...

Thỏa thuận về thuế doanh nghiệp của G7 xuất hiện vào thời điểm được cho là thuận lợi với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Lưỡng đảng tại Quốc hội đang thảo luận về các phương án tạo nguồn ngân sách phục vụ dự luật phát triển hạ tầng tham vọng cho nước Mỹ dưới thời ông Biden. Ngay từ đầu, nguồn ngân sách này được dự kiến sẽ khai thác từ nguồn thu tăng thuế doanh nghiệp. Nếu những cải cách về thuế doanh nghiệp của G7 có hiệu lực, “mô hình phát triển kinh tế dựa trên mức thuế thấp” của Ireland sẽ không thể được nhân rộng ở những nước khác nữa.

Các nhà kinh tế học chuyên theo dõi tình trạng trốn/tránh thuế cho biết, mức thuế thấp của các nước như Ireland đã giúp nhiều doanh nghiệp tránh việc phải trả thuế cho bất cứ nước nào. Theo ông Thomas Torslov ở Đại học Copenhagen (Đan Mạch), và hai ông Ludvig Wier, Gabriel Zucman tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), trong số khoảng 616 tỷ USD lợi nhuận đã được chuyển tới các nước có thuế thấp năm 2015, khoảng 100 tỷ USD đã được chuyển tới Ireland. Điều này khiến Ireland trở thành quốc gia có số lợi nhuận được chuyển đến lớn nhất, vượt qua các nước khác như Singapore, Hà Lan, hay các “thiên đường thuế” ở vùng Caribe và Thụy Sĩ.

TRẦN ĐẮC LUÂN
(theo Quartz, Washington Post, Wall Street Journal)

;
;
.
.
.
.
.