Những ngày Thành phố Hồ Chí Minh bước vào đợt giãn cách, mọi thứ như ngưng đọng. 14 ngày “ở nhà” hay nhiều hơn thế, không còn quan trọng số ngày nữa. Dường như ai cũng quen với việc theo dõi thông tin, quan tâm tình hình dịch bệnh ở địa phương mình, để mong mỗi ngày không còn ca nhiễm mới và mọi hoạt động sớm trở lại bình thường.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Sẽ khó để nói rằng, do mọi người đã có kinh nghiệm phòng, chống dịch nên thêm một đợt giãn cách cũng không sao, thậm chí… quen rồi! Quen làm sao được khi mọi chuyển động cứ như dừng lại; những bàn, những ghế của quán ăn giờ nằm yên ắng; con phố vốn đông đúc là thế, nay chờ bước chân người. Thành phố sôi động nhất nước phải chậm lại trong 14 ngày để chống dịch. Có thoáng bối rối, lo âu, nhưng mọi người bảo nhau, chậm lại là cần thiết mà!
Hôm tôi có việc đi ra đường, tranh thủ ghé thăm một người cao tuổi ngồi xe lăn bán vé số, định bụng mua thêm ít tờ. Chứ dịch vầy ít người ra đường, vé số được bán rất chậm. Người đàn ông với chiếc xe lăn quen thuộc ở ngã ba lối vô chợ, thấy tôi tấp xe vào, mặt ông sáng rỡ. Tôi chưa kịp hỏi thăm thì ông đã hỏi lại tôi: “Cô có phải nghỉ làm không, giữ tiền đó đi, chỉ mua thứ thiết yếu thôi nghen, để dành tiền mua sữa cho con, chứ dịch vầy biết khi nào mới đi làm lại”.
ôi cầm mấy tờ vé số vừa quay đi thì ông gọi lại: “Cô gái, chậm lại vài giây” - ông nói và giơ bình sát khuẩn tay ý nói tôi đưa bàn tay ra. Tôi làm theo, rồi đi thật xa mà vẫn cảm giác nghe giọng nói, tiếng cười của ông ngân nga như bản nhạc vui. Cái cảm xúc sẻ chia mà tôi nhận được ấy, sao mà quý, mà thấy yêu thương đến vậy trong mùa dịch này!
Vậy đấy, thứ tình người với người giữa đô thị tất bật mà bao năm nay ta cứ ngỡ nguội lạnh, hóa ra còn nồng ấm lắm.
Suốt đoạn đường về, tôi chạy xe thật chậm, nghĩ về những điều tích cực đang lan tỏa bằng những việc thiện nguyện ở khắp mọi ngõ ngách, mà nếu không xảy ra dịch thì trong sự tất bật của cuộc sống thường nhật sẽ khó cảm nhận được nhiều hoạt động ý nghĩa quanh mình.
Cậu hàng xóm tôi làm đầu bếp trong một quán karaoke ở cùng khu vực. Mùa giãn cách đầu tiên, cậu ở nhà, mỗi lần gặp tôi là nhăn nhó, vì “ở không nó thừa thãi tay chân chị ạ”. Nhưng tôi hiểu hoàn cảnh cậu còn phải lo cho con cái ăn học, rồi tiền thuê phòng…
Vậy mà đến mùa thứ hai, thứ ba giãn cách, tôi không còn thấy cậu ngồi ủ ê trước nhà, mà tất bật đi sớm về khuya. Hỏi ra mới biết cậu tham gia công việc thiện nguyện, có gì góp đó, không có tiền thì có tay nghề. Cậu là đầu bếp chính nấu những bữa ăn cho các tình nguyện viên tham gia chống dịch của bệnh viện. Làm việc không lương, nhưng tinh thần thì vui lắm vì được góp sức cho xã hội. Thậm chí, những đứa con của cậu cũng có việc phụ ba, đó là nắn nót viết những dòng chữ với lời lẽ yêu thương, gửi trong từng hộp cơm cho các tình nguyện viên. Mỗi buổi sáng, gia đình nhỏ ấy lại rạng rỡ tiếng nói cười, lời âu yếm, ngợi khen nhau, thay cho thanh âm quát tháo của người mẹ mỗi lúc đám trẻ ngủ dậy muộn, không chịu thức dậy để đến trường, rồi những bữa ăn sáng trong sự hối thúc bởi cả ba lẫn mẹ.
Lúc chưa xảy ra dịch bệnh, cuộc sống cứ hối hả. Cảm giác như chỉ cần chậm lại vài giây, mọi trật tự sẽ rối tung lên...
Dịch làm nhiều thứ thay đổi, nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực, vẫn không thiếu những điều tốt đẹp mà mỗi người đều có được.
Chỉ cần chậm lại vài giây thôi, ta có được những khoảnh khắc đối diện với những điều đẹp đẽ: Ánh mặt trời bừng lên mỗi sáng, nụ hoa vừa hé rung rinh trước làn gió trong lành và niềm hạnh phúc khi những người chung quanh vẫn khỏe mạnh.
Hay chỉ đơn giản là chúng ta chậm lại vài giây chỉ để tìm cho mình chỗ yên tĩnh, ngồi hít thở thật sâu, gạt bỏ bớt những lo lắng hay bi quan…, sẽ thấy mọi thứ ổn thôi!
ÁNH HƯỜNG