* Hôm rồi tôi và người bạn ghé một siêu thị mini góc giao lộ Phạm Hùng - Kiều Sơn Đen (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Cả hai đều không rõ Kiều Sơn Đen là ai, công trạng thế nào mà được đặt tên đường? (Lê Thị Bích Thủy, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
- Theo Phụ lục 1 Nghị quyết số 274/2019/NQ-HĐND, ngày 12-12-2019, của HĐND thành phố Đà Nẵng về việc đặt, đổi tên một số đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2019, đoạn đường từ đường Trần Nam Trung đến giáp đường Huỳnh Tịnh Của, chiều dài 1.075m, đặt tên đường là Kiều Sơn Đen.
Trước đó, dự thảo Đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2019 do UBND thành phố Đà Nẵng lập ngày 30-9-2019 cho biết, Kiều Sơn Đen (1930-1964) quê ở xã Hòa Xuân, huyện Hòa Vang, nay là phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Ông tham gia cách mạng năm 1946, làm tự vệ chiến đấu ở xã Hòa Xuân. Từ năm 1948-1951, ông là Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng rồi Đại đội trưởng Đại đội 68 khu Đông Hòa Vang.
Từ năm 1952-1955, ông là Tiểu đội trưởng, Đại đội 11 đặc công, Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng rồi Đại đội phó Đại đôi 2, Tiểu đoàn 323 Đặc công Liên khu 5, sau đó ông tập kết ra Bắc.
Từ tháng 6-1955 đến tháng 10-1960, ông tham gia ông tác xây dựng, huấn luyện để chuẩn bị về Nam chiến đấu rồi đi làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào.
Từ tháng 11-1960 đến tháng 1-1962, ông về nước và trở về miền Nam tiếp tục chiến đấu, làm Đại đội phó Đại đội Đặc công H29 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ tháng 11-1962 đến tháng 11-1964, ông là Đại đội trưởng Đại đội Đặc công tỉnh Quảng Nam.
Ngày 8-11-1964, ông chỉ huy đơn vị tập kích diệt chốt điểm ở núi Chóp Chài, xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam và đã hy sinh anh dũng.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba, Bằng Tổ quốc ghi công…
Ngày 9-10-2010, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Bài viết “Người giải thoát cho Hoàng thân Lào” đăng trên báo Công an nhân dân ngày 13-4-2007 cho biết thêm, Kiều Sơn Đen đã tham gia cùng đồng đội thực hiện một nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào.
Tháng 5-1958, bọn phản động phái hữu của Lào lật đổ Chính phủ do nhân dân Lào bầu ra, đưa Phủi Sanikon lên làm Thủ tướng. Tháng 7-1959, Phủi Sanikon ra lệnh bắt giam hàng chục cán bộ cao cấp Lào, trong đó có Hoàng thân Xuphanuvong. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đề nghị bộ đội Việt Nam giải thoát cho Hoàng thân và các cán bộ cách mạng Lào.
Một nhóm đặc công do ông Nguyễn Ngôn làm Tổ trưởng lập tức lên đường sang Lào cùng 4 sĩ quan nữa là Nguyễn Văn Du, Kiều Sơn Đen, Nguyễn Lầu và Trần Văn Điển. Sau gần 50 ngày băng rừng vượt thác, cả nhóm đến căn cứ, tìm hiểu địa hình nơi giam giữ Hoàng thân và các chiến sĩ cách mạng Lào. Sau đó, Nguyễn Ngôn và Kiều Sơn Đen đột nhập gặp Hoàng thân, tỏ ý giải thoát cho Hoàng thân thì ông lắc đầu. Lần thứ hai Nguyễn Ngôn đột nhập vào trao đổi việc giải thoát thì Hoàng thân gật đầu.
Đêm 24-5-1960, tất cả các vọng gác nơi giam giữ Hoàng thân đều bị đặc công cài người vào và vô hiệu hóa. Hoàng thân và các cán bộ cách mạng Lào cải trang thành những toán lính đi tuần và thoát ra ngoài.
ĐNCT