GÌN GIỮ GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH

Sẵn sàng cho hôn nhân

.

Khi chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân, các cặp đôi ngày càng chủ động hơn trong việc cùng nhau trao đổi về các vấn đề như: quản lý tài chính, chuyện làm dâu, chăm sóc sức khỏe, bí quyết để có một gia đình hạnh phúc…

Vợ chồng chị Nguyễn Trang Anh Thư (SN 1997, ngụ quận Cẩm Lệ) rạng rỡ trong lễ đính hôn vào ngày 7-4 vừa qua. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Vợ chồng chị Nguyễn Trang Anh Thư (SN 1997, ngụ quận Cẩm Lệ) rạng rỡ trong lễ đính hôn vào ngày 7-4 vừa qua. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Lên kế hoạch, chuẩn bị tâm lý

Sau 7 tháng quen nhau, chị Đặng Thị Thùy Trâm (SN 1994, trú quận Thanh Khê) - nhân viên kỹ thuật xử lý bản vẽ và anh Nguyễn Thọ (SN 1994) - làm việc ở lĩnh vực công nghệ thông tin, quyết định về chung một nhà. Anh chị tìm đọc những bài viết chia sẻ về cách xây dựng gia đình hạnh phúc, sự khác nhau về tâm lý giữa giai đoạn yêu và sau khi cưới, cách quản lý chi tiêu, chăm sóc sức khỏe…

Cũng như bao phụ nữ khác, chị Trâm rất lo lắng, hồi hộp vì biết cuộc sống hôn nhân không đơn giản, sẽ khó tránh khỏi chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” nên chị muốn chuẩn bị thật kỹ hành trang cũng như tâm lý. “Hôn nhân là chuyện quan trọng của cả đời người. Mình muốn bước vào cuộc sống hôn nhân với sự tự tin, chứ không hề xem hôn nhân là sự may rủi”, chị Trâm bày tỏ.

Chia sẻ quan điểm về hôn nhân và giá trị của gia đình, chị Trâm cho hay: “Mình  nghĩ, vợ chồng cần tôn trọng, tin tưởng nhau và mỗi ngày phải yêu thương nhau nhiều hơn. Hạnh phúc gia đình phải do cả hai vợ chồng cùng nỗ lực và vun đắp”.

Chị Nguyễn Trang Anh Thư (SN 1997, trú quận Cẩm Lệ) cũng có quan điểm rằng, vợ chồng phải tin tưởng, tôn trọng nhau, có trách nhiệm và biết san sẻ cùng nhau trong tất cả mọi chuyện. Trước ngày kết hôn, vợ chồng chị Thư đi khám tiền hôn nhân, tiêm các vắc-xin dành cho phụ nữ chuẩn bị mang thai và chuẩn bị cả tâm lý để sống chung với bố mẹ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Phương Thảo (SN 1989, trú quận Hải Châu) chuẩn bị kết hôn ở tuổi 32 sau khi tìm hiểu kỹ về người bạn đời. “Tôi rất xem trọng giá trị của hôn nhân và gia đình, không có chuyện cảm mến nhau dễ dàng rồi đồng ý kết hôn, mà phải hiểu rõ bản thân mình muốn gì, khiếm khuyết ở đâu; phải tìm hiểu về người bạn đời thật kỹ xem có phù hợp về quan điểm sống cũng như văn hóa ứng xử; đồng thời có kế hoạch và tâm lý cho cuộc sống hôn nhân để tránh những đổ vỡ”, chị Thảo nêu quan điểm. 
Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân

Gia đình luôn chứa đựng sự yêu thương, đoàn kết và cả áp lực, mâu thuẫn. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng Cục thống kê, tỷ lệ ly hôn của các gia đình Việt Nam tăng lên so với cùng kỳ năm 2009 (tỷ lệ này tăng từ 1,4% lên 2,1%). Vì vậy, các chuyên gia tâm lý cho rằng, trước khi quyết định tiến đến hôn nhân, cần định vị một cách chính xác về hôn nhân; từ đó chuẩn bị đủ hành trang như tìm hiểu kỹ về bạn đời, về kinh tế và tâm lý; tránh tình trạng dễ cưới, dễ bỏ...

Là người từng tổ chức các khóa học tiền hôn nhân cho các cặp đôi chuẩn bị cưới cũng như trong vai trò tham vấn, trị liệu gia đình, TS. Tâm lý học Nguyễn Thị Hằng Phương, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng: “Theo tôi, để có đời sống hạnh phúc hơn, trước khi bước vào cuộc sống gia đình, có 3 yếu tố mà cả nam và nữ cần lưu ý: Thứ nhất là đặc điểm tâm lý. Tâm lý của nam và nữ hoàn toàn khác nhau. Có thể sau khi cưới, người vợ, người chồng sẽ có những thay đổi về tâm lý. Sự thay đổi ấy có thể tích cực, có thể tiêu cực mà đôi khi ngay chính họ cũng không hiểu tại sao lại như vậy nên rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu từ đối phương.

Thứ hai là đặc điểm môi trường sống, môi trường học tập, làm việc, phát triển từ trước đến nay của người vợ, người chồng. Chẳng hạn, người chồng làm về công nghệ thông tin, đặc điểm công việc là phải thường xuyên ngồi làm việc, tương tác với máy tính và phải rất tập trung thì họ khó phân tán chú ý sang việc khác. Giả sử khi đó, người vợ hỏi váy này đẹp không, tóc này hợp chưa… thì rất khó để người chồng có câu trả lời lý tưởng như vợ mong muốn. Thứ ba là thói quen. Nếu không hiểu thói quen của nhau thì rất dễ dẫn đến mâu thuẫn”.

TS. Nguyễn Thị Hằng Phương cũng khuyên các cặp đôi chuẩn bị kết hôn và cả những cặp đôi đang yêu nên tìm hiểu, tham gia các khóa học tiền hôn nhân để học cách hiểu tâm lý của đối phương và tiếp thu kiến thức về sức khỏe sinh sản. Trong trường hợp giữa hai người có mâu thuẫn và chưa biết nên giải quyết thế nào thì nên tìm đến sự trợ giúp tâm lý của các chuyên gia tâm lý hoặc những người làm về công tác xã hội.

Về vấn đề chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, bác sĩ Trương Huỳnh Trí, Khoa Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho hay: “Đối với các cặp đôi đang tính đến chuyện kết hôn, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân rất quan trọng, giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của vợ, chồng tương lai, phát hiện các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, viêm gan C, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác; đồng thời xác định các rối loạn di truyền... Cặp đôi sẽ biết mình có khả năng sinh ra đứa con khỏe mạnh hay có nguy cơ bị ảnh hưởng bệnh lý di truyền”. Theo đó, thời điểm tốt nhất để khám tiền hôn nhân là từ 3-6 tháng trước khi kết hôn. Khám tiền hôn nhân thường bao gồm khám sức khỏe tổng quát và khám sức khỏe sinh sản.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.