Cuộc sống hôn nhân khó tránh những lúc vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”. Tuy nhiên, bằng lối ứng xử tinh tế, san sẻ, quý trọng lẫn nhau, nhiều cặp đôi đã giữ được hòa khí, cùng vun vén cho cuộc hôn nhân bền vững.
1. Gần 2 năm qua, anh Đoàn Văn Hòa, Phó ban Phong trào, Phó Chủ tịch Công đoàn Hội Chữ thập đỏ thành phố tất bật với hoạt động trợ giúp bà con bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Lịch trình làm việc của anh dày đặc, khi cùng anh em cơ quan chuẩn bị hàng ngàn túi quà tặng người dân khu cách ly; khi đứng ra vận động, phối hợp tổ chức hiến máu an toàn trong mùa dịch. Nhiều buổi trưa anh theo việc không về nhà, chuyện gia đình, dạy dỗ con cái một tay vợ anh - chị Đỗ Nữ Lâm Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Tiến 1 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) quán xuyến.
Công đoàn ngành Giáo dục Đà Nẵng tuyên dương gia đình công chức tiêu biểu giai đoạn 2016-2020 trong tháng 4-2021. Ảnh: T.Y |
"Giữa cuộc sống bộn bề, nhà có bình yên thì mỗi người trong gia đình mới có động lực để làm việc và cống hiến" Ông LÊ VĂN HUẤN, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) |
Covid-19 xảy ra, cơ quan Hội Chữ thập đỏ thành phố khẩn trương tổ chức các hoạt động cứu trợ. Việc này nối tiếp việc kia khiến những ngày cuối tuần sum họp của gia đình anh trở nên hiếm hoi. Biết chồng bận việc, chị Thanh chủ động thu vén việc nhà, nấu thêm những món ăn anh thích. Chị bảo, việc nhà dẫu vất vả cũng không thấm gì so với nỗi lo lắng thường trực khi anh Hòa thường xuyên vào ra điểm nóng.
Nhiều năm nên duyên chồng vợ, anh chị luôn thống nhất quan điểm sống trách nhiệm, gương mẫu, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần. Là chồng, anh không ngại vào bếp rửa chén, nấu ăn, chăm con khi vợ bận việc chưa về kịp. Ngược lại, chị Thanh cũng tròn vai người vợ, người mẹ khi chồng bận việc cơ quan. Có thể nói, cuộc hôn nhân hạnh phúc của vợ chồng anh Hòa, chị Thanh được vun đắp từ sự yêu thương và thấu hiểu người bạn đời.
Trong khi đó, đối với chị Đặng Thị Công, Trưởng phòng Điều dưỡng, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, 2020 là năm đáng nhớ. Ngoài việc chị vinh dự nhận giải thưởng Tỏa sáng Blouse trắng năm 2020 của ngành y tế, gia đình chị là một trong 50 gia đình được Liên đoàn Lao động thành phố tôn vinh gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu giai đoạn 2016-2020. Đây là phần thưởng xứng đáng cho người phụ nữ chịu thương, chịu khó, nhẫn nại, tháo vát trong nhiều hoàn cảnh.
Được biết, khi Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang trở thành Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, chị Công bắt đầu chuỗi ngày dài xa gia đình, gò bó trong bộ đồ bảo hộ, làm việc bất kể ngày đêm. Có thời điểm chị ở lại bệnh viện suốt 2 tháng, vất vả chăm sóc bệnh nhân, động viên đồng nghiệp. Trong thời gian đó, ở nhà, chồng chị - anh Đặng Công Chiến - Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang - chu toàn mọi việc.
Công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Hòa Vang, thời điểm dịch bệnh xảy ra, anh Chiến cũng chạy như con thoi ngoài đường để kịp thời phản ánh thông tin lên sóng phát thanh. Hai vợ chồng, hai nhiệm vụ khác nhau nhưng đều bận rộn. Chị Công chia sẻ, trong thời gian chị ở lại bệnh viện chống dịch, anh Chiến âm thầm động viên vợ, gánh vác công việc nhà không chút thở than, trách móc. Chính thái độ vui vẻ của chồng giúp chị toàn tâm, toàn ý tập trung vào công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, đồng hành với bệnh nhân Covid-19.
2. Để giữ lửa hạnh phúc, nhiều gia đình đặt ra những giới hạn trong ứng xử giữa vợ chồng, con cái. Ví như, buổi tối ở nhà, từ 21 giờ trở đi không ai được sử dụng điện thoại, trừ trường hợp phải trả lời điện thoại người thân. Khi chồng/vợ dạy con thì người kia không được góp lời, không bênh vực, sau đó mới nhẹ nhàng khuyên bảo…
Tuân thủ những nguyên tắc như thế, ở tuổi 75, ông Lê Văn Huấn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) vẫn giữ sự yêu thương, kính trọng người bạn đời. Ông nói về vợ như người bạn thân thiết đã cùng ông đồng cam cộng khổ suốt mấy chục năm qua. Ông khuyến khích bà tập dưỡng sinh, gặp gỡ bạn bè, ân cần chăm sóc bà những khi trái gió trở trời. Với tính cách nhẹ nhàng, tâm lý, ông luôn mỉm cười khi nói chuyện, thích ăn cơm bà nấu, chịu khó nhắc việc vì tính bà hay quên. Sự ân cần, chu đáo mà ông Huấn dành cho vợ giúp đời sống tuổi già êm đềm trôi qua, con cái mừng vui, gia đình hòa thuận.
Ông Huấn tâm sự, đã là vợ chồng thì sống với nhau phải có chữ tình, không quá khắt khe nhưng không được suồng sã. Mọi thứ đều có giới hạn mà mỗi người cần tự răn mình không được vượt qua. Sự nghiêm túc, thấu đáo của người này được người kia trân quý và cùng góp sức, chung tay để gia đình êm ấm. “Chúng tôi luôn cố gắng nuôi dạy con từ chính cách đối nhân xử thế của người lớn trong nhà. Làm sao con trẻ nghe lời nếu người lớn thường xuyên to tiếng, vung tay múa chân, phản bác lẫn nhau. Giữa cuộc sống bộn bề, nhà có bình yên thì mỗi người trong gia đình mới có động lực để làm việc và cống hiến”, ông Huấn nói.
Tại xã Hòa Tiến, bà Tô Thị Minh Tuấn về làm dâu tộc Nguyễn Đình được dòng họ yêu thương, quý trọng. Ngoài nữ công gia chánh, một tay bà chu toàn từ giỗ to đến giỗ nhỏ, từ đình đám đến hội hè. Có nhiều năm, chạp mã tộc Nguyễn Đình tổ chức trang trọng, con cháu về dự ngồi kín 70 mâm cỗ. Là dâu trưởng, bà Tuấn một tay lên thực đơn, chuẩn bị lương thực, mua hương đèn, hoa quả, nấu nướng. Bà Tuấn nói rằng mình không làm vì trách nhiệm, mà bằng lòng biết ơn khi được về làm dâu trong một gia đình gia giáo, nhân văn.
Sự hiền thục, chịu thương chịu khó của bà Tuấn được chồng, con ghi nhận. Bà bảo cuộc đời bà luôn vui khi được sống trong sự bao dung, yêu thương, tôn trọng của gia đình. Ngoài nếp nhà hòa thuận, 4 người con của bà Tuấn đều tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Sau khi nghỉ hưu, vợ chồng bà có thêm thời gian chăm sóc vườn cây để cuối tuần đón con, cháu về chơi. “Vợ chồng tôi đều công tác trong ngành giáo dục, lấy lễ giáo dạy con nên trong giao tiếp luôn kính trên, nhường dưới, phu thê tương kính như tân. Nhờ vậy, các con khi trưởng thành cũng lấy cách ứng xử ôn hòa, tôn trọng người bạn đời để giữ gìn hạnh phúc”, bà Tuấn tâm sự.
Công việc Hội Chữ thập đỏ bận rộn nhưng anh Đoàn Văn Hòa luôn nhận được sự đồng hành, tiếp sức của vợ. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
3. Xây dựng gia đình đã khó, giữ được càng khó hơn. Một người quen của tôi khi biết chồng “say nắng” người khác nhưng vẫn một dạ, hai thưa, dịu dàng bao dung mong anh hồi tâm chuyển ý. Người ngoài biết chuyện, bảo chị nhu nhược khi biết rõ mười mươi chồng có lỗi với mình. Dù vậy, chị quyết định đặt ra giới hạn 2 năm chờ anh quay về, nếu không sẽ chọn chia tay chứ không để con cái tổn thương vì những lời nói sắc như dao cứa của ba, mẹ trong - lúc - tức - giận dành cho nhau.
Chị nói mình không thể dễ dàng từ bỏ cuộc hôn nhân hơn 30 năm gầy dựng. Bởi, họ từng có một gia đình hạnh phúc. Con cái lớn lên, tự lập, ngoan hiền, luôn ý tứ tạo ra những cơ hội đặc biệt để ba mẹ gần nhau. “Phát hiện chồng mình có người khác, nhưng tôi chưa vội trách chồng mà dành thời gian xem lại cuộc hôn nhân của mình. Thời gian này tôi cố gắng lấp đầy những khoảng trống giữa vợ chồng, lắng nghe anh nhiều hơn, bớt nhăn nhó, mặt nặng mày nhẹ mỗi khi có điều không vừa ý”, chị nói.
Gốc rễ của hạnh phúc gia đình là sự yêu thương và tôn trọng. Lòng vị tha có thể chuyển hóa mâu thuẫn, xung khắc thành ngọn lửa ấm áp, trọng tình. Do đó, song song với công tác phòng, chống bạo lực gia đình, năm 2021 các cấp, ngành ở Đà Nẵng đã ghi nhận, tôn vinh hàng trăm gia đình công nhân, viên chức, người lao động tiêu biểu. Họ là những tấm gương ứng xử văn minh, tôn trọng, một lòng chia ngọt, sẻ bùi với người bạn đời, có nhiều đóng góp cho hoạt động xã hội.
Tại Hội nghị biểu dương 50 gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu giai đoạn 2016-2020 diễn ra tháng 4-2021, ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố xúc động nói, mỗi gia đình hạnh phúc sẽ tạo nên một xã hội hạnh phúc, từ đó trẻ em được nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường lành mạnh, giàu lòng nhân ái. Đây cũng là nền tảng cho sự tiến bộ xã hội, dựa trên lối ứng xử văn minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
TIỂU YẾN