Trong cuộc trò chuyện mới nhất với truyền thông, tân Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã nói về những thử thách khắc nghiệt của “ghế nóng” mà bà gọi là “nhiệm vụ bất khả thi”, nhất là trước những yêu cầu cải cách tổ chức này.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala cam kết mang đến luồng gió mới cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ảnh: AP |
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, người phụ nữ đầu tiên và cũng là người châu Phi đầu tiên trở thành Tổng Giám đốc WTO, vừa trả lời phỏng vấn về nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến tổ chức quốc tế được thành lập năm 1995 trong chương trình “Axios on HBO”. Đây là cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình trực tiếp đầu tiên của bà kể từ khi nhậm chức Tổng Giám đốc WTO hồi tháng 3 năm nay.
Giai đoạn đặc biệt khó khăn
Tiến sĩ Ngozi Okonjo-Iweala đảm nhiệm cương vị lãnh đạo WTO ở giai đoạn đặc biệt khó khăn khi tổ chức này bị chỉ trích không hoàn thành sứ mệnh trên nhiều mặt trận, trong đó có việc không thể xúc tiến các cuộc đàm phán thương mại mới, cũng như không thể thực hiện cơ chế kiểm soát những hành xử thương mại bất công từ một số thành viên nước lớn trong tổ chức. Nhà kinh tế học từng được đào tạo tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) trải lòng về một “công việc gần như không thể” và những trải nghiệm lớn lao đã kinh qua.
“Tôi nhìn thấy khả năng cải tổ một tổ chức thực sự có thể đem lại lợi ích cho mọi người để nó có thể xứng với những kỳ vọng được gửi gắm. Có lẽ tôi là người ưa thử thách, và tôi thích những thách thức”, bà Ngozi nói.
Vị chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Nigeria thừa nhận, việc vực dậy WTO là “nhiệm vụ gần như bất khả thi”. Tổ chức được trao sứ mệnh điều hành các nguyên tắc thương mại toàn cầu này đã đổ vỡ nặng nề trong những năm qua. Hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận, mọi quyết sách của WTO phải được sự đồng ý của tất cả 164 quốc gia thành viên. Muốn thực thi những vấn đề cải tổ lớn, WTO phải nhận được sự đồng thuận quan trọng này.
Hơn 20 năm qua, WTO chưa thể kết thúc được một vòng đàm phán thương mại thành công nào. Tuy thế, không thể phủ nhận WTO vẫn là trở ngại về mặt định chế duy nhất để ngăn chặn các cuộc chiến tranh thương mại không thể kiểm soát có thể leo thang thành các cuộc xung đột nguy hiểm hơn.
Hướng tới một nền thương mại tự do hơn
Cũng trong cuộc trao đổi, Tổng Giám đốc WTO thừa nhận: “Khi tổ chức này [WTO] được thiết lập, tôi nghĩ đã có một số sai lầm nghiêm trọng trong cách thức thiết kế vận hành. Những sai lầm đó khiến các nước có thể tự mô tả tình trạng theo cách họ muốn” để nhận được các cơ chế ưu đãi về thương mại quốc tế”.
Bà Ngozi nhắc tới những sai lầm này khi được hỏi về việc Trung Quốc vẫn đang tự xác định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là “nước đang phát triển” để nhận được các cơ chế ứng xử đặc biệt từ WTO. Cuối cuộc phỏng vấn, bà Ngozi gửi thông điệp kêu gọi tha thiết và trực tiếp đến hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, rằng “hãy cho WTO một cơ hội”.
Bà Ngozi nói đến xu hướng dịch chuyển về phía chủ nghĩa bảo hộ của nước Mỹ dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump cũng như đương kim Tổng thống Joe Biden.
“Tôi rất hy vọng rằng các nước Mỹ và Trung Quốc sẽ rời bỏ quan điểm đó, không sa vào tâm lý chủ nghĩa bảo hộ, vì đó chính là lý do ban đầu để tổ chức này [tức WTO - PV] ra đời, tạo ra các “luật chơi” nhằm hướng tới một nền thương mại tự do hơn”, bà Ngozi nói.
Một lần nữa, trở lại vấn đề miễn trừ bản quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin ngừa Covid-19, khi được hỏi liệu việc này có đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng phân phối vắc-xin hiện nay không, bà Ngozi nói “không” tới 4 lần và khẳng định: “Tôi đã nói rất rõ… Tôi đã nói là không đủ”.
Tại một cuộc họp báo hồi đầu tháng 6, bà Ngozi nêu 4 điểm “nghẽn” chính trong sản xuất và cung ứng vắc-xin toàn cầu gồm: hạn chế về năng lực sản xuất, nguồn cung cấp nguyên liệu, kỹ năng chuyên môn trong sản xuất vắc-xin và tình trạng quan liêu ở một số quốc gia.
Trước đó, trong diễn văn nhậm chức Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi bày tỏ quyết tâm nỗ lực làm việc với các nước thành viên WTO để giải quyết các vấn đề y tế do đại dịch Covid-19 gây ra và “vực dậy nền kinh tế toàn cầu”.
Theo giới quan sát, vai trò của tân Tổng giám đốc WTO chủ yếu giúp khôi phục lòng tin và hình ảnh của WTO, vượt qua sự xáo trộn lớn trong thương mại quốc tế do đại dịch Covid-19, đồng thời nối lại các hội nghị cấp bộ trưởng của WTO, khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ, sửa chữa hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO...
Bà Ngozi Okonjo-Iweala sinh trưởng tại Nigeria trong giai đoạn nội chiến vào cuối những năm 1960 ở nước này. Bà di cư sang Mỹ, sau đó học tập tại Đại học Harvard, nhận bằng tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts. Các đồng nghiệp thường gọi bà là “tiến sĩ Ngozi”. Bà Ngozi Okonjo-Iweala đã lần lượt trải qua nhiều cấp bậc chức vụ tại Ngân hàng Thế giới (WB). Bà về Nigeria vào năm 2003 làm Bộ trưởng Tài chính và có thời gian ngắn làm Ngoại trưởng vào năm 2006 trước khi giữ chức Bộ trưởng Tài chính một lần nữa vào năm 2011-2015. |
TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Reuters, AFP)