Không ngừng yêu thương

.

Những ngày này, do ảnh hưởng Covid-19, các thành viên trong gia đình tôi chạm mặt hầu như cả ngày. Hai vợ chồng làm việc online, các con cũng nghỉ hè, không đến nhà trẻ nữa. Để không bị quấy rầy bởi tiếng ồn và những màn “kiện cáo” hết sức phiền phức của hai đứa nhỏ một lên 3 và một lên 6, vợ chồng tôi tách các con ra hai phòng khác nhau, cấp phát cho mỗi bạn một món đồ chơi phù hợp. Chúng tôi dự định vài tiếng sẽ đổi đồ chơi một lần để các con đỡ nhàm chán. Vậy mà kế hoạch bất thành, hai bạn nhỏ dù tị nạnh nhau suốt ngày, lúc thì đứa nhỏ cấu má đứa lớn, lúc thì đứa lớn bức xô quá hét lên trước mặt đứa nhỏ, nhưng hai chị em không chịu tách riêng. Cô chị bảo: “Con sẽ nhường, không bực em nữa”; cậu em lịch bịch đến vòng tay trước mặt chị: “Em xin lỗi”.

Có lẽ vợ chồng tôi vì quá chú trọng công việc nên đã thiếu quan sát, cảm nhận, từ đó không nhận ra những mặt trưởng thành trong cách ứng xử của các con. Vì bận rộn, vì muốn tiện ích cho công việc của mình nên chúng tôi chỉ kỳ vọng ở các con sự hòa hợp, tĩnh yên. Chúng tôi quên mất những bài học tương tác mà các con cần phải tự mình trải nghiệm để lớn lên. Chúng tôi cũng không nhìn thấy ngoài những lúc bất đồng thì các con còn rất nhiều khoảnh khắc đoàn kết, tương hỗ lẫn nhau. Hai con bằng mối quan hệ anh em đã tượng trưng cho hình ảnh một gia đình thu nhỏ, có lúc bất hòa, có lúc hào hứng, có lúc mâu thuẫn, có lúc êm vui nhưng cuối cùng vẫn luôn cần nhau, bên nhau.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Để làm cha, làm mẹ, để “kiến tạo” nên những niềm hạnh phúc gắn kết gia đình, tôi và chồng không chỉ nhìn vào các con mà còn soi chiếu vào cách hành xử của bố mẹ mình. Còn nhớ, lúc mới về sống chung, vợ chồng tôi đã nhiều lần cãi nhau, thậm chí đòi ly thân một thời gian vì ai cũng ít nhiều “vỡ mộng” về đối phương. Chúng tôi chỉ thấy lỗ hổng mà không thấy động lực, chỉ cảm nhận được thiệt thòi của bản thân mà không chịu bỏ công thấu hiểu bạn đời.

Bố tôi biết chuyện nhưng không nôn nóng tìm cách hàn gắn. Người cha với thâm niên nghề cơ khí đã kể câu chuyện về những chiếc bánh răng. Ông bảo, trên thị trường có rất nhiều kiểu bánh răng khác nhau, nhưng tựu chung lại cấu trúc của một bánh răng hoàn chỉnh không thể thiếu hai chi tiết cơ bản là bánh răng và vòng răng. Tùy vào cấu trúc và cách lắp đặt, các bánh răng có thể giúp điều hướng, giảm tốc, hoặc truyền tải động năng cho cỗ máy.

Tuy nhiên, có một nguyên tắc quan trọng, động cơ chỉ có thể vận hành khi chúng ta tôn trọng thiết kế của các chi tiết, các bánh răng phải khuyết để các vòng răng có chỗ lấp vào. Bất kỳ một lỗi nhỏ kỹ thuật nào đều mang đến rắc rối. Gia đình cũng là một cỗ máy gồm nhiều bánh răng hành tinh. Để vận hành cùng nhau, trước hết mỗi thành viên hãy dành thêm thời gian để tự khám phá về điểm lồi, điểm lõm của bản thân, sau đó hãy tìm cách bồi đắp, níu giữ lấy nhau. Cuối câu chuyện, ông nói thêm, không có ai trở thành bản sao tuyệt đối như người kia mong muốn, không có cá nhân nào hoàn hảo. Và nếu có thì người đó chỉ có thể lăn tròn hoặc trượt dài, không thể giảm tốc, trì níu hay tạo ra một nguồn động lực thực tế nào.

“Ý nghĩa của món quà không nằm ở giá trị mà phụ thuộc vào cách ta mở nó”, gia đình chính là một món quà mang đến những niềm hạnh phúc và nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để cuộc sống này được tiếp tục. Hãy cùng nhau tận hưởng những khoảnh khắc hân hoan nho nhỏ như cùng nhau đọc truyện, chơi đùa cùng con, cùng nghe mưa rơi trong đêm, ăn một món ngon vào chiều tối muộn…

Hãy cùng nhau trải nghiệm và học cách để lớn lên, bởi người chồng không phải lúc nào cũng khởi nghiệp thành công, người vợ không phải lúc nào cũng chỉn chu, tràn đầy sức sống… Hãy chậm lại, để trân trọng những giây phút êm ấm đoàn viên, và bao dung cả những khoảng thời gian mà gia đình rơi vào khó khăn, khủng hoảng...

Hạnh phúc không phải là đích đến mà là ở hành trình. Và hành trình ấy sẽ càng ý nghĩa nếu chúng ta không ngừng yêu thương.

MINH THI

;
;
.
.
.
.
.