Phúc thần Thoại Ngọc Hầu

.

Hơn 240 năm trước, một người con xứ Quảng địa linh nhân kiệt đã từ biệt nơi chôn nhau cắt rốn phiêu bạt về phương Nam rồi làm nên những kỳ tích lưu danh thiên cổ, đó là Nguyễn Văn Thoại.

Mộ Thoại Ngọc Hầu trong khuôn viên Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu ở An Giang (trái) và Cảnh vở “Phúc thần Thoại Ngọc Hầu” diễn tại Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (Đà Nẵng) năm 2016. Ảnh: V.T.L
Mộ Thoại Ngọc Hầu trong khuôn viên Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu ở An Giang (trên) và Cảnh vở “Phúc thần Thoại Ngọc Hầu” diễn tại Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (Đà Nẵng) năm 2016. Ảnh: V.T.L

Nguyễn Văn Thoại ban đầu tên là Nguyễn Văn Thụy (về sau do kỵ húy nên đọc trại thành Thoại), sinh ngày 26-11 năm Tân Tỵ (1761), nguyên quán làng An Hải thuộc xứ Bà Thân xưa, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam; nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Chuyện xưa kể rằng, ngày nọ có hai thiếu niên Nguyễn Văn Thoại và Trần Quang Diệu ở làng An Hải đang tắm sông Hàn bỗng có một quan chức địa phương đi ngang qua. Thấy điệu bộ của quan nghênh ngang, hách dịch rất đáng ghét, cậu bé Thoại không dằn lòng được, bèn tạt nước vào quan khiến y tức tối nhảy xuống đánh Thoại. Trần Quang Diệu (lớn tuổi hơn Thoại) vốn giỏi võ nghệ, liền ra tay hiệp lực cùng bạn đánh cho quan nhừ tử, nhận nước rồi lôi y bỏ lên bờ.

Cha Thoại mất sớm, mẹ là bà Nguyễn Thị Tuyết nghe con mình làm điều “dại dột” với quan, bèn cấp tốc đưa con đi trốn lánh nạn ở Cù lao Dài bên sông Cổ Chiên, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. 16 tuổi, Nguyễn Văn Thoại đầu quân chúa Nguyễn Ánh, về sau lập được nhiều chiến công, làm đến chức Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, được phong tước Thoại Ngọc Hầu. Ngoài võ công, ông còn được người đời sau nhắc đến như là một nhà hành chính, một nhà doanh điền lớn.

Năm 1818, khi ở tuổi 57, ông thiết kế và đốc suất dân binh đào kinh Đông Xuyên ở Long Xuyên (sau được gọi theo tên ông là Thoại Hà). Năm 1820, ông được lệnh vua Minh Mạng cho đào một con kinh nối Châu Đốc với Hà Tiên. Sau gần 5 năm thi công, công trình dài gần 100km này đã mang lại hiệu quả to lớn trong công tác doanh điền, thủy lợi và biên phòng không chỉ riêng miền Hậu Giang mà cho cả Tổ quốc. Vua Minh Mạng đã ban sắc cho con kinh được mang tên vợ ông là Vĩnh Tế, cho ngọn núi nhìn xuống con kinh được mang tên ông là Thoại Sơn. Năm 1836, khi cho đúc Cửu đỉnh làm quốc bảo, vua sai chạm hình kinh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh.

Do có công lớn với chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, ông được phong tước Thoại Ngọc Hầu. Cha ông được vua Minh Mạng ban tước hiệu Vệ úy, mẹ được ban mỹ hiệu Thục Nhân. Ông còn có công giúp triều Nguyễn trong việc “bảo hộ” Cao Miên, nên ông còn được gọi là Bảo hộ Thoại, như câu ca người dân An Giang tri ân công đức của ông: Nhớ ông Bảo Hộ ngày xưa/ Dựng làng, mở cõi nắng mưa dãi dầu.

Ông mất ngày 6-6 năm Kỷ Sửu (1829), an táng tại núi Sam. Ngày nay, Đền thờ ông vẫn còn bên triền núi, được nhân dân địa phương gọi là Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu. Bia Thoại Sơn và đền thờ ông ở An Giang đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ở quê nhà, ông được thờ tự ở Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, đây được xem là một trong những công trình văn hóa đặc sắc nhất của Đà Nẵng hiện nay. Di tích quốc gia này được xây dựng hoàn thành vào cuối tháng 3-2009 trong khuôn viên rộng 4.250m2 với kinh phí gần 7 tỷ đồng.

Mặc dù rời quê nhà từ lúc thiếu thời nhưng trong lòng ông luôn hướng về quê cha đất tổ. Trên bước đường công vụ của mình, ông nhiều lần quay lại nơi chôn nhau cắt rốn để cùng các họ tộc nơi này chăm lo đời sống người dân như mở chợ Hà Thân, lập chùa An Phước, dựng đình An Hải, xây nhà thờ Tiền hiền... Tấm lòng nặng nghĩa tình với quê hương của ông còn thể hiện ở chỗ, khi đứng ra lập 5 đội quân, ông không quên lấy tên làng An Hải quê hương thứ nhất của mình đặt tên cho các đội quân cùng với tên Châu Đốc quê hương thứ hai. Đặc biệt, ông còn tuyển các diễn viên hát tuồng xứ Quảng cho lập thành gánh hát để ông được sống với các điệu hò câu hát quê hương.

Với Đà Nẵng, tháng 12-2001, trong kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 240 năm ngày sinh của danh thần Nguyễn Văn Thoại, thành phố chính thức cử một đoàn đại biểu về An Giang, viếng Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu và tham quan một số danh thắng gắn liền với sự nghiệp của ông.

Cuối tháng 12 năm đó, một hội thảo khoa học về con người được xem là khai sáng vùng đất An Giang này đã được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng với sự tham gia của các nhà nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu Dương Ai Dân công tác ở Bảo tàng An Giang, nghĩ về ông: “Ngày nay, đứng nhìn dòng Thoại Hà êm trôi, kinh Vĩnh Tế ghe xuồng qua lại thuận tiện ở Châu Đốc, các làng xã mang tên Vĩnh Tế, Vĩnh Ngươn, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia... dọc theo kênh Vĩnh Tế và vùng đất Thoại Sơn trù phú, cư dân sung túc, người An Giang nghĩ về ông, một vị khai quốc công thần Nhà Nguyễn quê hương xứ Quảng, được cử vào trấn giữ vùng đất An Giang đạo từ năm 1817, một võ quan phong kiến nhưng có tầm nhìn xa trông rộng, luôn đặt hết tâm trí cho lợi ích quốc gia và dân tộc...”.

Nhà nghiên cứu Châu Yến Loan (Đà Nẵng) cho rằng, mặc dù Thoại Ngọc Hầu lập được nhiều công trạng, là tướng lĩnh có tài, là nhà ngoại giao lão luyện, là doanh điền sứ bản lĩnh, được đánh giá là nhân vật hữu ích của vương triều đương thời, nhưng ông vẫn bị đối xử bất công, bị vu cáo, biết rằng không có tội, ông vẫn bị kết tội, biết rằng bị oan, ông vẫn không được giải oan. Thế nhưng, nhân dân đã nhìn nhận ông một cách khác, họ lập đền thờ phụng ông khói hương nghi ngút, truyền cho nhau những câu hát nặng nghĩa tình: “Nước kinh Vĩnh Tế lờ đờ/ Nhớ ông Bảo hộ cắm cờ chiêu an” để tưởng nhớ công lao của ông.

5 năm trước, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dựng vở “Phúc thần Thoại Ngọc Hầu” thể hiện sinh động cuộc đời và sự nghiệp người con ưu tú của làng An Hải -  người đã làm nên những kỳ tích khi đất nước mở cõi về phương Nam. Sau khi biểu diễn trích đoạn tại lễ kỷ niệm 187 năm Ngày mất danh thần Nguyễn Văn Thoại (1829-2016) tại Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, vở diễn tham gia và đạt huy chương Bạc cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016.

Thoại Ngọc Hầu quả là một vị phúc thần như khẳng định của nhà nghiên cứu Châu Yến Loan: “Công đức của ông đối với dân chúng Hậu Giang quá lớn, họ sùng bái ông như một vị thần, nên dù không muốn thì cuối cùng các vua Khải Định, Bảo Đại cũng phải giải oan và ban sắc phong thần cho ông, xếp ông vào hạng những tôn thần hộ quốc tý dân”.

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.