Cha dượng

.

Hồi ông Thật cưới bà Hoa xảy ra lắm chuyện dở khóc dở cười. Đàn trai, đàn gái gộp lại đãi chung. Cha mẹ hai bên đã mất hết, họ hàng thì chẳng còn ai là bề trên, chỉ có mấy đứa nhỏ bà con xa mà mời ăn cưới bác, cưới dì cũng kỳ nên ông bà không gửi thiệp mời, thành ra khách khứa không nhiều.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ông định thuê dịch vụ tiệc cưới cho đỡ mất công mà bà Hoa gạt phắt vì sợ tốn kém. Bà nói còn nhiều thứ phải lo nên tiết kiệm được khoản nào đỡ khoản ấy. Rồi bà mượn mấy bà bạn hàng xóm nấu nướng.

Thành ra hôm cưới, cô dâu chú rể vừa làm lễ, vừa bưng thức ăn lên, vừa dọn chén bát không ngơi tay. Ông Thật cũng nhờ bạn chí cốt Sáu Xị làm chủ hôn, cho có đủ đầy lễ nghĩa để thưa với ông bà tổ tiên.

- Dạ! Kính thưa quan viên hai họ và quý vị quan khách! Tôi là Trần Văn Sáu, bà con hay gọi Sáu Xị, là anh em sống chết có nhau thời bom rơi lửa đạn với chú rể. Dạ! Hôm nay ngày lành tháng tốt, chúng tôi tổ chức lễ cưới cho chú rể Nguyễn Văn Thật và cô dâu Lê Thanh Hoa. Dạ! Tôi xin thay mặt hai họ, thay mặt luôn cô dâu chú rể, rất cảm ơn quý vị quan khách đã tới chung vui. Sự hiện diện của quý vị là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi. Dạ! Cuối cùng, tôi xin chúc cô dâu chú rể tình già nhưng vẫn mặn mà như son.

Bài phát biểu này được đứa cháu trai ông Sáu soạn sẵn với câu chữ chắp vá từ nhiều nơi, cứ mỗi lần lên giọng “Dạ” là ổng liếc nhìn giấy như con nít quay bài. Tuy nhiên, bài phát biểu cũng được xem là thành công, ông Sáu Xị ngạo nghễ quay về chỗ ngồi trong tiếng vỗ tay rần rần.

Con Minh trốn biệt trong tiệc cưới của ông với mẹ nó. Sợ nó đói, ông Thật bới cho nó tô cơm với đồ ăn đầy vung mà không biết nó đã ăn chưa vì cửa phòng nó vẫn đóng im ỉm.

Tàn tiệc, cô dâu chú rể xắn tay dọn rửa, phân loại bàn ghế, chén dĩa trả mấy nhà hàng xóm. Bà Hoa đập cửa phòng con Minh ầm ầm:

- Rồi mày không ra dọn dẹp nữa hả Minh? Con gái con đứa gì mà đám tiệc nằm ườn trong phòng không biết ra phụ giúp một tay!

- Đám cưới của má thì má lo đi chứ cần gì con phụ.

- Mày ăn nói với má vậy đó hả? Ra đây chưa!

Ông Thật nắm lấy tay bà:

- Để con nó nghỉ đi, anh dọn một chút là xong rồi.

- Từng này tuổi mà đã hỗn hào!

- Được rồi mình, ra coi giùm anh cái bàn này phải bên nhà chị Tám không.

Ông Thật nhìn cánh cửa phòng đóng kín, bất giác thở dài. Con Minh cũng chính là lý do khiến ông phải đắn đo rất nhiều khi đến với bà Hoa.

Gần 50 tuổi mà còn cưới hỏi đã đủ khiến người ta xì xầm to nhỏ rồi, huống gì thị phi lại còn đến từ những cái miệng xấu xí hơn. Nhiều người đồn ông cưới bà Hoa không phải vì thương bả, mà là vì con Minh.

Con nhỏ mới 16 tuổi mà đã ra dáng thiếu nữ phổng phao, da trắng môi hồng. Lần đầu nghe phong thanh tin đồn ấy, ông giận run người. Thời trai trẻ cống hiến cho đất nước, trở về từ chiến tranh với chân trái bị tật, ông ở vậy đến nay vì sợ làm khổ con gái người ta. Ông đâu phải hạng người đồi bại đó mà giờ lại chịu miệng đời cay nghiệt. Nếu ông nói rằng, ông thương bà Hoa chỉ vì một đêm mưa gió bà dẫn chiếc xe đạp thủng bánh đến nhờ ông vá, tóc tai ướt mẹp mà vẫn cười tươi vì hôm đó bán hết được mớ rau, chắc không ai tin. Cuộc sống thực dụng làm người ta thường nghi ngờ mọi lý do tốt đẹp phía sau lòng tử tế, huống gì ở tuổi đầu hai ba thứ tóc như ông.

Cuối cùng, ông vẫn quyết định cưới bà Hoa, chịu ấm ức một chút thì có sá gì với việc nhìn người đàn bà ông thương quá sức lam lũ, cực nhọc. Mà người ta đâu thể nào sống khi cứ mãi nhìn vào đời người khác, chỉ cần mình không thẹn với lòng là được.

Về con Minh, ban đầu nó gọi ông là chú, nhưng kể từ khi biết ông qua lại với bà Hoa và cả sau khi ông bà cưới nhau, nó không gọi ông là cha, cũng không kêu là dượng mà nói chuyện trống không. Giả dụ như bà Hoa biểu nó mời ông ăn cơm, nó sẽ gân cổ “Ăn cơm!”; bắt nó thưa gởi, nó sẽ vừa bước ra cửa, vừa nói “Đi học đây!”. Bà Hoa thương con nhưng lại nóng tính, hay dạy con bằng roi vọt, nhất là những lúc nó hỗn với ông. Ông chỉ có thể khuyên vợ, con đang tuổi ẩm ương, bướng bỉnh xíu là chuyện thường.

Huống gì, tự dưng từ đâu xuất hiện thêm một ông dượng, chắc nó lo phải chia sẻ tình thương của mẹ, hoặc là, nó nhớ cha ruột nó. Mà ông nào muốn chiếm vị trí cha trong lòng nó đâu. Mỗi bận thấy nó lặng lẽ thắp nhang lên bàn thờ cha rồi khấn một lúc lâu, ông thương con bé vô cùng. Nó hẳn cô đơn lắm sau vỏ bọc xù xì gai nhím bên ngoài, mấy chục năm đằng đẵng một mình, ông hiểu.

Nhưng bất chấp nỗ lực của ông, con Minh khước từ mọi sự quan tâm của ông một cách quyết liệt. Nó miễn cưỡng nhận những món quà từ ông và rồi bỏ xó. Trong khi ông dặn lòng phải kiên nhẫn hơn với con bé thì xảy ra chuyện động trời.

Con Minh có bầu!

Nó không nói với ai, kể cả bà Hoa. Chỉ đến khi con nhỏ hay nôn ọe trước mấy món thịt, cá dù trước đây nó rất thích, bà sinh nghi và bắt nó đến bệnh viện kiểm tra. Nhưng mặc cho bà tra khảo đủ kiểu, nó vẫn không nói cha đứa bé là ai.

- Đồ con gái hư! Tao làm lụng lo cho mày ăn học mà bây giờ mày hư thân mất nết. Mày còn không chịu nói thằng đó là thằng nào hả?

Con nhỏ đưa mặt nhìn mẹ, mắt nó ầng ậc nước. Ông Thật đứng giữa hai mẹ con, tránh để bà quất roi trúng con Minh:

- Mình từ từ để con nó nói.

- Giờ phút này mà còn từ từ gì nữa. Mày không chịu nói nó là ai thì mày bỏ cái thai này. Mày có biết chửa hoang là đời mày coi như bỏ không?

- Má là đồ độc ác.

Con Minh hét lên rồi chạy vụt vào phòng khóa trái, mặc kệ bà Hoa ở bên ngoài đập cửa và khóc tức tưởi tới mệt lả.

Sau khi dìu vợ vào nghỉ, ông Thật đứng trước cửa phòng con nhỏ, ông hỏi:

- Con không muốn bỏ em bé phải không?
Im lặng… Ông tiếp:

- Nếu bây giờ sinh con, con phải nghỉ học, rồi con phải chăm em bé, vất vả lắm con biết không? Con nghĩ kỹ chưa? Nếu con thật sự không muốn bỏ, con nói với dượng, dượng sẽ khuyên má con.

Từ trong phòng vọng ra tiếng rất nhỏ:

- Không bỏ.

Sau một ngày than trách, bà Hoa như bị rút cạn sinh lực, bà chỉ nằm trên giường và khóc.

- Con không muốn phá thai, mình à. Dù biết là muốn tốt cho con, nhưng mình không ép con vậy được.

Huống gì, đó cũng là một mạng người, cũng là máu mủ của mình.

- Em cực khổ lo cho nó ăn học, chỉ sợ rồi đời nó lam lũ như em. Vậy mà…

- Thôi mình, chuyện đã vậy, giờ mình dằn vặt con cũng đâu được gì.

- Mà nó còn không chịu nói thằng kia là con nhà ai. Mình có biết, người ta đồn cái bầu trong bụng con Minh là của… là của…

Rồi bà Hoa ôm vai chồng khóc nghẹn. Ông Thật vỗ vỗ lưng vợ:

- Làm sao mà quản hết được miệng thiên hạ hả mình? Người ta thích cứ để người ta nói, nói mãi cũng chán. Mình cây ngay không sợ chết đứng.

- Em ấm ức cho mình. Mình lo cho mẹ con em vậy mà… Em xin lỗi mình.

- Nghe anh, bây giờ mình phải bình tĩnh, nhất là với con. Nó ương ngạnh, cứng đầu nhưng không phải là đứa không biết nghĩ, chắc là mình rõ hơn anh. Mình phải bên cạnh con lúc này mình à, con đang cần mình lắm.

Con Minh sinh được con trai đầu lòng. Nó đặt tên con là Trần Minh Khôi, theo họ mẹ, tới giờ phút này nó vẫn không hé răng nửa lời về cha thằng nhỏ, mà bà Hoa cũng không gặng hỏi nữa. Từ ngày có bé Khôi, nhà rộn ràng hẳn lên. Ông Thật đi đâu cũng mua quần áo, đồ chơi cho thằng nhỏ, đến mức bà Hoa phải cằn nhằn, nhưng ông chỉ cười hì hì, con nít mà, quần áo với đồ chơi nhiều xíu cũng có sao đâu. Thằng nhỏ có vẻ quý ông ngoại hơn cả bà và má nó, ông ôm vào lòng là cười toe toét.

Bé Khôi được 1 tuổi thì nhà bên kia tới đòi cháu. Một năm ông chịu tiếng oan, một năm bà Hoa hầu như đêm nào cũng khóc vì thương con, thương chồng, một năm con Minh phải bỏ học, thui thủi một mình, sinh nở chăm con khi còn đang tuổi mê chơi mê ngủ. Vậy mà bên đó chỉ nói nhẹ hửng:

- Thằng nhỏ là cháu tôi, nay tôi qua đón cháu về.

Bà Hoa không chịu, nhưng con Minh nằng nặc đòi về nhà chồng. Ông Thật nhìn thằng con rể mặt vênh lên, tay đầy hình xăm cũng tặc lưỡi, nhưng nghĩ con Minh có quyền tự quyết cho đời nó, nhà có mẹ có cha thì vẫn tốt hơn cho bé Khôi. Nghĩ tới nghĩ lui, ông bà đồng ý nhưng buộc nhà bên kia phải làm lễ cưới đàng hoàng, ông bà không đòi sính lễ, chỉ muốn con gái được gả theo đúng lễ nghi. Đám cưới diễn ra chóng vánh, bà Hoa ôm con khóc, biểu nó rảnh rỗi nhớ về thăm má.

Nhưng con Minh đi bẵng gần năm trời mà không ghé về nhà một lần. Ông bà cứ ra vô ngóng, nhà cửa bỗng trở nên trống huơ trống hoác vì thiếu tiếng trẻ con khóc cười. Mỗi bận nhìn cái nôi bé Khôi để lại, bà Hoa lại khóc vì nhớ cháu. Khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt, con rể qua, nói bà sang chăm con gái:

- Con Minh sắp đẻ, bác sĩ dự sinh tháng sau.

Bà Hoa vừa mừng vừa lo, hỏi sao không chở con Minh về nhà bà chăm thì nó bảo bên đây nhà cửa ẩm thấp, không tốt cho bà bầu con nít. Ông Thật hối vợ thu dọn đồ đạc qua phụ vợ chồng nó, ai mà chăm con gái hơn mẹ ruột, nhà cửa ông lo được. Rồi cuối tuần nào ông cũng đạp xe mười mấy cây số qua nhà chồng con Minh, ông cũng nhớ con, nhớ cháu thắt ruột. Thằng Khôi đã chập chững biết đi và nói bô lô ba la, nó vẫn thích chơi với ông dù ban đầu còn lạ lẫm nhưng bà sui vẫn thường viện cớ này nọ để ẵm đi khuất tầm mắt ông.

Sau khi con Minh đẻ con gái được tầm một tháng thì bà Hoa lót cót về nhà. Ông Thật hỏi sao không ở thêm một hai tháng, con Minh đang ở cữ còn chưa mạnh. Bà Hoa chép miệng:

- Định là vậy, mà nhà chồng con Minh tệ quá, nhất là má chồng nó cứ bóng gió này nọ. Thôi thì về cho xong, để chướng mắt người ta.

Từ dạo đó, bà Hoa tự ái không sang nhà sui gia nữa dù vẫn ra vô thở dài vì nhớ cháu. Riêng ông Thật vẫn đều đặn hai tuần một lần đạp xe qua nhà chồng con Minh, hỏi han coi mẹ con nó có cần gì không. Cho đến một ngày ông sang, đứng ngoài cửa bấm chuông mãi không ai ra mở cửa dù trong nhà có người.

Rồi con Minh về nhà, tay ẵm đứa nhỏ, tay dắt đứa lớn.

Bà Hoa nhìn mặt mũi con nhỏ bầm tím, hỏi thì nó vẫn im re như 3 năm về trước. Bà Hoa cũng chẳng còn hơi sức mà la mắng, đánh đòn, bà xót con thương cháu nhiều hơn. Sáng con Minh về thì chiều chồng nó chở má tới.

- Con gái nhà anh chị làm dâu làm vợ không ra hồn. Nó bỏ nhà đi tôi không cản, nhưng cháu tôi thì tôi phải đem về.

- Con là con tôi, mấy người không có quyền mang đi! - Con Minh ôm con ré lên.

- A con này láo! - Anh chồng sấn tới túm lấy tóc con Minh.

Ông Thật vung tay đẩy hắn ra xa:

- Vậy ra là anh đánh con nhỏ bầm mình bầm mẩy như vậy hả?

- Tại con ông nó láo, nó dám nói má tôi không được xem thường hạng khố rách áo ôm như ông bà. Nó không biết mở mắt mà coi ai là người cho nó ăn ngon mặc đẹp. Tôi nói cho ông biết, hạng con gái hư thân mất nết nhà ông, có tôi rước về thì mấy người nên biết ơn đi.

Hắn chưa nói dứt lời đã bị ông Thật đấm vào mặt choáng váng.

- Ông dám… - Mẹ chồng con Minh rít qua kẽ răng - Tôi sẽ kiện bỏ tù mọt gông ông.

- Mấy người có giỏi thì kiện đi. Còn bây giờ cút ra khỏi nhà tôi. Tôi có nghèo cũng lo được cho con tôi, cháu tôi chứ không cần mấy đồng bạc của mẹ con bà mà phải sống hèn, sống lỗi. Còn chuyện anh đánh đập con tôi thì không yên với tôi đâu.

Ông vơ cái ghế gỗ, rượt hai mẹ con chạy ra cửa. Đến khi ông vào nhà thì bà Hoa ôm đứa nhỏ hối hả đi ra:

- Mình canh nhà để em chạy ra phòng khám ngoài này, con nhỏ bị sốt.

Con Minh vẫn đang ngồi khóc rấm rứt. Con nhỏ vốn lì lợm, ngày trước má nó dù đánh đau hay la mắng cũng có thấy nó rớt giọt nước mắt nào đâu. Cầm lòng không đặng, ông Thật nói:

- Con nít nó hay bệnh đau lặt vặt, má con ẵm đi khám với uống thuốc là hết à. Còn con cứ ở đây, đừng có sống ở bển mà chịu tủi nhục một mình.

Con Minh nghe xong càng khóc tợn hơn, giữa những tiếng oa oa tu tu, ông nghe nó nói “Con xin lỗi cha”.

THANH LAM

;
;
.
.
.
.
.