Hạnh phúc là mục đích sống hay là hiệu ứng phụ nảy sinh khi ta tìm thấy ý nghĩa thực chất của cuộc sống? Mỗi người trong chúng ta sẽ có những câu trả lời riêng cho mình. Vậy những nhà khoa học “nói có sách, mách có chứng”, những người tôn sùng sự chính xác, trả lời câu hỏi này thế nào?
“Điều bí ẩn của hạnh phúc không nằm ở sự chờ đợi, mà ở sự biết tận hưởng khi nó đến” - nhà văn người Anh Charles Dicken đã nhắn nhủ với hậu bối như vậy từ thế kỷ 19. Nhưng không phải ai cũng tự xác định được thời điểm cập bến của hạnh phúc, bởi quá trình này ở mỗi người sẽ khác nhau.
Tháng 3-2021, Tổ chức nghiên cứu kinh tế xã hội New Economics Foundation (NEF) công bố bảng xếp hạng Chỉ số hạnh phúc (HPI), xếp thứ nhất trong số 140 quốc gia/vùng lãnh thổ là Costa Rica; tiếp theo lần lượt là Mexico, Colombia, Vanuatu, Việt Nam... TRONG ẢNH: Cầu Vàng ở Đà Nẵng - một điểm đến thu hút du khách. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM |
Hạnh phúc dưới góc nhìn tâm lý học
Con người luôn mưu cầu hạnh phúc và mỗi người sẽ có cho mình một hình dung cụ thể về hạnh phúc. Ngành khoa học tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi “Làm thế nào để cuộc sống được hạnh phúc?”, “Ai được coi là người hạnh phúc” có tên gọi là “Tâm lý học tích cực”. Trong khuôn khổ định hướng nghiên cứu của mình, các nhà tâm lý học có cơ hội theo dõi những quy luật thú vị liên quan đến cảm giác hạnh phúc của con người. Họ phát hiện có 3 nhóm yếu tố chính ảnh hưởng đến việc chúng ta cảm thấy hạnh phúc và đủ đầy trong cuộc sống.
Nhóm yếu tố đầu tiên là những đặc điểm về tâm lý nhân cách ở con người. Nhóm yếu tố này đa phần là bẩm sinh, cụ thể là những người hướng ngoại, lạc quan sẽ cảm thấy hạnh phúc và hài lòng hơn những người hướng nội, bi quan. Trong các cuộc khảo sát đánh giá cảm nhận của người được hỏi, yếu tố này sẽ quyết định 50% câu trả lời.
Nhóm yếu tố thứ hai liên quan đến điều kiện bên ngoài của cuộc sống. Nhiều người nghĩ đây là nhóm yếu tố có tính quyết định cao. Nhưng khảo sát cho thấy nhóm yếu tố này chỉ ảnh hưởng khoảng 10-15% cảm giác giác hạnh phúc của con người. Đạt được điều kiện sống đủ đầy bên ngoài không ảnh hưởng mạnh đến cảm nhận hạnh phúc bên trong của con người.
Nhóm yếu tố thứ ba liên quan đến trạng thái tự chủ của cuộc sống con người. Chúng ta có làm được những điều chúng ta muốn không, có thể thay đổi những gì chúng ta không thích không? Nhóm yếu tố này sẽ ảnh hưởng khoảng 40% đến việc chúng ta có cảm thấy hạnh phúc hay không.
Những bài tập hạnh phúc
Tổng hợp cả 3 nhóm yếu tố trên, các nhà nghiên cứu tâm lý học tích cực đã đề xuất nhiều phương pháp giúp cải thiện cảm giác hạnh phúc ở mỗi người. Một trong các bài tập được đề xuất được gọi là “phát triển cảm giác biết ơn”. Mỗi ngày bạn sẽ ghi lại 3 điều khiến bạn cảm thấy biết ơn cuộc đời. Sau một khoảng thời gian, bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống của mình.
Có một quan niệm phổ biến trong dân gian là càng nhiều tiền thì con người sẽ càng hạnh phúc. Các nhà khoa học khẳng định, quan niệm này có cơ sở, nhưng chỉ đến một giới hạn nhất định. Thu nhập 15.000 USD/năm được coi là ngưỡng hạnh phúc vật chất của con người. Qua ngưỡng này, con người sẽ ngừng cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống vật chất.
Một đặc tính quan trọng nữa của hạnh phúc mà chúng ta không thể bỏ qua - đó là các mối quan hệ thân thiết. Nhà tâm thần học người Mỹ Robert Waldinger đã khẳng định: “Những mối quan hệ thân thiết và lâu dài sẽ giúp con người sống hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Khi bạn có một người đủ tin tưởng để dựa vào, hệ thống thần kinh của bạn sẽ hoạt động ổn định hơn, não cũng khỏe mạnh hơn, và những nỗi đau cảm xúc sẽ giảm đi nhiều”.
Tình yêu và hạnh phúc
Vai trò của tình yêu với hạnh phúc nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà nghiên cứu. Trong một nghiên cứu của nhà tâm lý học Dinera và Saligman, 10% số người cho mình là hạnh phúc nhất trong cuộc khảo sát đều có chung đặc điểm: tại thời điểm đó, họ đang có những mối quan hệ lãng mạn. Nghiên cứu tiến hành trên 17 nhóm chủng tộc khác nhau này cũng chỉ ra: 40% số người có gia đình trả lời rằng mình hạnh phúc, trong khi con số này ở nhóm độc thân chỉ là 23%. Điều đó có nghĩa, hôn nhân làm chúng ta hạnh phúc hơn.
Tuy vậy, điều thú vị mà chúng ta không nên bỏ qua, trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã so sánh mức độ hạnh phúc của 4 nhóm: nhóm kết hôn yên ổn, nhóm độc thân, nhóm ly hôn và nhóm kết hôn gặp vấn đề. Nhóm kết hôn “thuận vợ thuận chồng” đương nhiên chiếm vị trí số 1 về mức độ hạnh phúc. Nhưng vị trí cuối bảng lại không phải là nhóm độc thân hay ly hôn, mà là nhóm hôn nhân trắc trở. Không quan trọng là vì nguyên nhân nào, cuộc hôn nhân “cơm không lành, canh không ngọt” sẽ triệt tiêu đáng kể cảm giác hạnh phúc của chúng ta.
Chỉ số hạnh phúc
Bên cạnh tình yêu và các mối quan hệ, sự tự do lựa chọn cũng ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc chủ quan của con người. Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi sống trong môi trường bảo đảm về kinh tế - xã hội và được lựa chọn cách xây dựng cuộc sống. Vì vậy, nhiều quốc gia đã lập ra “Bộ Hạnh phúc” như một cơ quan Chính phủ để chăm lo cho dân chúng. “Bộ Hạnh phúc” có ở Bhutan, Venezuela, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ecuador.
Năm 2012, Bhutan đề xuất kỷ niệm Ngày quốc tế hạnh phúc lên Liên Hợp Quốc và ý tưởng này được đại đa số các thành viên ủng hộ. Theo đó, ngày 20-3 hằng năm là Ngày quốc tế hạnh phúc. Hạnh phúc trở thành ý tưởng quốc gia ở vương quốc nhỏ bé Bhutan và họ cũng xây dựng cho mình bộ tiêu chí đánh giá phát triển kinh tế - xã hội mà không dùng chỉ số GDP (tổng sản phẩm nội địa). Lãnh đạo Bhutan đề xuất mô hình phát triển quan tâm đến “cái giá phải trả để phát triển kinh tế”, những thay đổi xảy ra trong lĩnh vực xã hội, chăm sóc sức khỏe. Trong mỗi cuộc điều tra dân số sẽ có thêm câu hỏi: “Bạn có hạnh phúc không?”.
Năm 2006, Quỹ Nghiên cứu Kinh tế Anh quốc đã tiến hành tính toán chỉ số Hạnh phúc Toàn cầu. Điều thú vị của cách tính này là chỉ số GDP không được tính đến, đúng như cách nói hạnh phúc không nằm ở việc giàu hay nghèo. Các chuyên gia của quỹ này chỉ xem xét các chỉ số như: sự hài lòng của dân chúng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình và mức độ ảnh hưởng của con người với môi trường. Trong nghiên cứu gần đây nhất vào năm 2016, Quốc đảo Costa Rica đứng vị trí số 1, Việt Nam cũng nằm trong top 5 các quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất.
Song song với “chỉ số hạnh phúc” của Quỹ nghiên cứu Kinh tế Anh quốc, một tổ chức mang tên “Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc” cũng đã đưa ra “Báo cáo hạnh phúc thế giới” dựa trên kết quả thăm dò của Gallup bắt đầu từ năm 2012. Các tác giả của nghiên cứu đã không bỏ qua các chỉ số kinh tế và cố gắng tính đến nhiều thứ như: GDP bình quân đầu người, tuổi thọ, hỗ trợ xã hội, quyền tự do lựa chọn trong cuộc sống, sự hào phóng và lòng tin (mức độ tham nhũng) khi nghiên cứu các quốc gia. Tổng cộng 156 quốc gia được đưa vào bảng xếp hạng và trong vài năm gần đây, các vị trí dẫn đầu thường thuộc về các quốc gia Bắc Âu như: Phần Lan, Thụy Sĩ, Na Uy…
Niềm vui có đến từ những con số?
Việc xây dựng được một chỉ số chung để đo lường những điều riêng tư như hạnh phúc gây nhiều tranh cãi trong giới kinh tế học. Nhà kinh tế học Vladimir Kilmanov cho biết: “GDP như một chỉ số phổ quát đặc trưng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đã bị chỉ trích trong một thời gian dài, nhưng vẫn chưa có phương án thay thế thích hợp nào được phát minh”. Chúng ta có thể tính thêm các chỉ số khác như tuổi thọ, trình độ học vấn, đi vào các chỉ sổ phát triển con người, nhưng những đánh giá này sẽ chỉ phản ánh khách quan sự phát triển của từng cá nhân.
Theo Vladimir Kilmanov, việc xây dựng một chỉ số dựa trên các đặc điểm chủ quan gắn liền với sự tồn tại của con người luôn bị chỉ trích; các thống kê luôn mang tính chủ quan và không phản ánh hiện thực khách quan. Nhà kinh tế học này dẫn chứng: Các quốc gia bán đảo Scandinavia luôn đứng đầu bảng chỉ số hạnh phúc, nhưng tỷ lệ tự tử ở các quốc gia này lại cao nhất thế giới. Các cuộc khảo sát toàn dân luôn nhiều câu trả lời “có” cho câu hỏi “Bạn có hạnh phúc không?”. Khoan nói đến tính đại diện, bản thân việc “nhiều người xung quanh đang hạnh phúc” cũng gây áp lực không nhỏ đến thiểu số đang cảm thấy không hạnh phúc. Họ sẽ cảm thấy lạc loài, thấy bị bỏ rơi và dẫn đến hành động cực đoan.
Nữ văn sĩ người Mỹ Helen Keller từng nói: “Khi một cánh cửa hạnh phúc đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra. Vấn đề là chúng ta mải nhìn tiếc nuối cánh cửa đã đóng, mà không chú ý đến cánh cửa đã mở ra cho chúng ta”.
Các nhà khoa học nghiên cứu về hạnh phúc chắc cũng sẽ phải đồng ý với bà về bí ẩn của cảm giác hạnh phúc trong con người. Và làm thế nào để nhìn được cánh cửa hạnh phúc đang mở sẽ tiếp tục là đề tài suy ngẫm của nhân loại trong thế kỷ 21. Hơn 1.200 học viên đã đăng ký khóa học dạy về hạnh phúc của Đại học Yale (Mỹ) - một kỷ lục về số học viên của khóa ngắn hạn. Đối mặt với những thách thức toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu và căng thẳng chiến sự, con người sẽ càng khát khao hơn, trân trọng hơn giá trị của bình yên và hạnh phúc.
TS.TRẦN DUY