Đà Nẵng sắp vào thu. Chưa bao giờ nắng đẹp như những ngày này, trời trong veo, gió biển như người mẹ chăm con, ban phát sự mát lành vốn là báu vật của đất trời dành riêng cho người xứ này. Nhưng tất cả trở nên không tưởng. Có cái gì đó ngột ngạt và lo sợ, dĩ nhiên không giống như thời chiến tranh, nhưng sự bồn chồn thì có lẽ không khác mấy. Đường phố như rộng dài và vắng vẻ hơn. Lặng yên nhưng không bình yên. Nắng như người lạ ven đường, nhắc ta thời gian đang làm công việc khắc nghiệt nhất: đến giờ thông báo mỗi sáng, mỗi chiều số người mắc SARS-CoV-2.
Cả thành phố, cả nước thấp thỏm lo âu khi chờ tin từ Thành phố Hồ Chí Minh - nơi mà sự bao dung, rộng rãi luôn có chút nghĩa hiệp và chân tình, cũng là nơi mà những người thân, bạn bè, đồng nghiệp của tôi từng học tập, sinh sống và trưởng thành từ đây.
Dịch làm ngưng đọng tất cả, ai cũng biết sợ. Nỗi sợ cụ thể, rất gần, bởi ai cũng có thể bị lây nhiễm hoặc gieo rắc mầm bệnh. Khoảng cách hai thước, bốn thước không chỉ là không gian của sự bảo đảm cách ly từng người, mà còn là thông tin cần cho sự khai báo y tế.
Cả thành phố trở nên lặng lẽ. Người già lo âu với câu hỏi mà một đời chưa gặp. Người trẻ vốn năng động, vậy mà tất cả các quán cà phê giống như các lớp học mẫu giáo giữa hè, bàn ghế yên ắng với lời tự hỏi, bao giờ tiếng nhạc kia dìu ai trở lại những sôi động từng ngày…
Những năm trước, chỉ riêng trong tháng 5 có mấy chục ngàn người đến vui chơi trong biển mát, trăng thanh, theo cáp treo về chốn bồng lai, hay thong dong trong hoài niệm phố cổ sông Hoài… Vậy mà bỗng chốc đứng khựng. Cái tấm biển “hải sản tươi sống” tự nhiên hóa xa lạ và mong manh.
Nhà tôi gần biển, gần con đường vào loại tấp nập du khách nhất, hôm nay lặng ngắt. Cổng mọi nhà đều khép, mọi cửa hàng đều đóng lại. Hàng trăm khách sạn, ngày thường tấp nập đông tây, giờ lặng yên như tờ. Rồng thôi phun lửa, cầu Sông Hàn ngừng quay, học sinh chuẩn bị khai giảng mà lòng dạ đâu để nhớ “hằng năm cứ vào cuối thu…”. Nắng vẫn hồn nhiên và rất đẹp, nhưng tất cả đều lặng yên. Thành phố mỗi ngày đón hàng trăm ngàn du khách, giờ không một bóng người lai vãng.
N. - cô em nhỏ bán bánh mì ở gần nhà tôi - bình thường mỗi ngày bán được hơn 300 ổ. Mùi thịt nướng và cách chiều khách của N. khiến chiếc xe bánh mì ở ngã ba đường trở thành thương hiệu. Vì vậy, một mình em nuôi được 6 miệng ăn, trong đó người mẹ ốm liệt nằm một chỗ mấy năm rồi. Giờ đây, em ngồi nhìn thùng gạo mỗi ngày vơi đi mà canh cánh nỗi lo.
Mấy người thợ xây thuê chỗ trọ gần nhà tôi, quê xa nên sắm xoong nồi tự lo cơm nước, gần 2 tuần nay bó gối nhìn công trình dang dở, chợ gần thì bị phong tỏa, chợ xa thì không quen đường, về thì không thể vì những ràng buộc cách ly...
Năm rồi kinh tế thành phố âm gần 10%. Chính quyền nỗ lực lo toan trăm bề. Tưởng đâu, qua cơn bĩ cực sẽ từ từ gượng lại. Dĩ nhiên người dân cũng chẳng mấy ai quan tâm đến cái con số âm dương kia, với họ là áp lực cuộc sống, là từng ngày chạy ăn, là học hành của con, là việc làm của hàng ngàn người từ khắp các vùng tụ lại, là tiếng thở dài mỗi khi phải ra chợ…
Tất cả âm thầm chịu đựng. Không ai đánh mà đau, không ai khiến mà lòng từng ngày như lửa đốt. Bạn bè của tôi ngày đếm việc mà lòng như kim chích. Trong nén nhang thơm đêm rằm, có lẽ lời khấn bình an mong qua mùa đại dịch là lời nguyện cầu thống thiết nhất.
Người ta nói đại nạn Covid-19 làm đứt gãy toàn bộ nền kinh tế thế giới, là sự suy thoái toàn diện cả mấy chục năm mới diễn ra. Chuyện lớn tôi không dám nghĩ, chỉ mong cuộc sống không bị đứt gãy thêm. Năm rồi, cứ mỗi lần đọc từng tin nhắn, mỗi khi nghe từng cuộc gọi động viên, sẻ chia của bạn bè, đồng nghiệp xa gần mà ấm lòng biết bao những ân tình trong mùa dịch. Nay nghe nhiều tỉnh, thành - nhất là Thành phố Hồ Chí Minh - đang phải thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà thương quá. Rồi nơi này phải phong tỏa cứng, nơi kia cách ly.
Trong thời điểm cả nước căng mình chống dịch, từng đoàn xe chở các y, bác sĩ, chở hàng hóa viện trợ với tất cả tình cảm yêu thương vẫn tiến vào miền Nam. Các địa phương đón công dân của mình từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về, san sẻ nỗi lo với thành phố lớn nhất nước đang “trở bệnh”. Dịch bệnh có thể làm phong tỏa nhiều thứ, nhưng nào ai phong tỏa chính trái tim mình.
TRẦN THU THỦY