Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giúp nhiều doanh nghiệp (DN) tạo ra giá trị gia tăng, cắt giảm chi phí vận hành cũng như tăng cường sự minh bạch, hiệu quả trong hệ thống quản trị DN.
Chuyển đổi số đã giúp Công ty TNHH Giao nhận vận tải Hikari Việt Hương tăng hơn 200% khách hàng. Ảnh T.Y |
Nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của cộng đồng DN, nếu không muốn bị thụt lùi cũng như đánh mất cơ hội phát triển và tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Đa dạng giải pháp
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Viettel IDC (thuộc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel) khẳng định chuyển đổi số không còn là xu hướng, mà là việc bắt buộc nếu DN không muốn bị đào thải.
Thời gian qua, Viettel IDC cung cấp khá nhiều giải pháp công nghệ giúp DN chuyển đổi số, như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho ngành bán lẻ, tổ chức theo chuỗi cửa hàng, siêu thị. Theo ông Tuấn, ứng dụng AI ngành bán lẻ giúp DN cải thiện và mở rộng khả năng tương tác, quản lý khách hàng, thay đổi phương thức xác thực và thanh toán, tăng cường dự báo nhu cầu, giám sát an ninh thông minh tại chuỗi cửa hàng, kho bãi, giao nhận và nâng cao hoạt động dịch vụ tại cửa hàng…
Nhờ AI, DN có thể dễ dàng quản trị khách hàng, thúc đẩy lượng người truy cập, tư vấn tự động, nâng cao trải nghiệm cho khách. Đơn cử, trước đây các cửa hàng lưu lại danh tính khách hàng trên hệ thống máy tính, thì nay trí tuệ nhân tạo có khả năng định danh khuôn mặt (Face ID) khách hàng chỉ sau 1 giây.
Với công nghệ này, khi khách hàng bước vào cửa hàng, nhân viên có thể nhận ra khách hàng thân thiết hoặc khách hàng mới. Ngoài ra, những dữ liệu thu thập về hành vi, thói quen của khách cũng giúp người quản lý tối ưu hóa việc bố trí không gian cửa hàng, cải thiện dịch vụ, giảm chi phí thuê nhân viên, dự đoán sản phẩm cho nhóm mua sắm cá nhân.
“Bằng cách tối ưu hóa quy trình này, các cửa hàng không chỉ tiết kiệm và giảm tổn thất mà còn có cơ hội mở rộng kinh doanh, tăng lợi nhuận, tăng khả năng giữ chân khách hàng”, ông Nguyễn Đình Tuấn khẳng định.
Thương mại điện tử trở thành nhu cầu bức thiết của người mua và người bán trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19. Nhiều DN phải làm quen với hình thức mua sắm, thanh toán, xử lý đơn hàng trực tuyến cũng như tiếp nhận thông tin phản ánh online từ khách hàng.
Bà Phan Như Yến, Giám đốc chuỗi siêu thị Danavimart cho biết, Covid-19 khiến DN phải tìm cách thích ứng, đẩy nhanh tiến độ sử dụng công nghệ. Với Danavimart, Covid-19 tạo cơ hội tiếp cận phương thức kinh doanh mới, như tăng cường bán hàng online qua Facebook, Zalo, ứng dụng Now hay thanh toán điện tử qua thẻ visa, ví điện tử, internet banking…
“Từ năm 2020 đến nay, đơn vị duy trì mức tăng trưởng gần 500%, thu nhập nhân viên trung bình gần 7 triệu đồng/tháng (tăng 1-3 triệu đồng), nguồn khách ổn định và tăng trưởng khá”, bà Yến nói.
Trong khi đó, để bảo đảm kinh doanh thông suốt, Công ty TNHH Hải Vân Nam sử dụng phần mềm e-Office - phần mềm quản lý văn phòng có tính năng hỗ trợ giao việc, theo dõi xử lý công việc và quản trị hành chính, văn thư, lưu trữ trong công ty. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Hải Vân Nam cho hay, phần mềm e-Office hỗ trợ toàn diện công tác quản lý văn phòng, tiết kiệm thời gian tra cứu thông tin, xử lý công việc, giảm chi phí, tăng hiệu quả.
“Phần mềm này giúp tôi bao quát toàn bộ hoạt động công ty, thuận lợi trong giao việc và giám sát tiến độ thực hiện. Mỗi nhân viên công ty đều có hồ sơ cá nhân, hồ sơ công việc, mọi hoạt động của họ đều được cập nhập lên hệ thống nên khó thoái thác hoặc trễ nải. Ngoài ra, công ty cũng sử dụng phần mềm kế toán BRAVO để điều hành, quản lý công việc từ xa bằng hệ thống camera có kết nối wifi”, bà Nguyệt cho hay.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, thời gian qua, các DN đồng loạt trang bị cơ sở vật chất, vận hành giao dịch số thông qua hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, chữ ký số... Từ năm 2020, Tập đoàn Viễn thông và Công nghệ thông tin VNPT triển khai chương trình “VNPT Cloud - Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam”. VNPT Cloud giúp khách hàng thiết lập hạ tầng điện toán quy mô lớn, có thể chia sẻ hạ tầng với nhiều dịch vụ hoặc mở rộng cấu hình theo nhu cầu, trên nền tảng internet băng thông rộng của VNPT.
Để tối ưu giải pháp này, VNPT đang từng bước hoàn thiện hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, tích hợp dịch vụ công nghệ mới như Bigdata, AI, Blockchain, Cloud, DPI, có khả năng cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành trên nền tảng thiết bị di động.
Cơ hội nhiều, thách thức lớn
Ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty TNHH Giao nhận vận tải Hikari Việt Hương cho biết, chuyển đổi số đã giúp DN tăng hơn 200% khách hàng, tiết kiệm hơn 850 giờ cho việc lên kế hoạch, điều phối, báo cáo mỗi năm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp DN giảm từ 10-30% chi phí và thời gian cho hoạt động logistics, tăng doanh thu trong kinh doanh thương mại và tối ưu hóa dịch vụ xuất nhập khẩu, tăng thu nhập, thay đổi thói quen làm việc, hệ thống lại nguồn dữ liệu, minh bạch doanh thu và nhanh chóng đưa ra những quyết định mang tính thời điểm.
Trong vòng 2 năm, Công ty TNHH Giao nhận vận tải Hikari Việt Hương đầu tư khoảng 1 tỷ đồng cho chuyển đổi số. Đây là mức đầu tư cần thiết để công ty quản lý tốt đội ngũ nhân sự hơn 500 người, 7 văn phòng đại diện và hàng chục điểm bán lẻ trên cả nước, cũng như tăng sức cạnh tranh của DN.
Ông Nguyễn Trung Trực khẳng định, chuyển đổi số thay đổi hoàn toàn hệ thống quản trị DN. Các DN buộc phải thường xuyên xây dựng lại toàn bộ quy trình, từ chuẩn bị dữ liệu đến lựa chọn nền tảng công nghệ đến số hóa nhân sự, số hóa chính sách bán hàng, xây dựng hệ thống báo cáo doanh số, tài chính…, nhưng không phải DN nào cũng hiểu rõ chuyển đổi số là gì.
“Trong lúc các DN siêu nhỏ còn rất mơ hồ về khái niệm chuyển đổi số thì các DN quy mô vừa và nhỏ cũng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các ứng dụng công nghệ kinh doanh hiệu quả. Không ít DN cho rằng nguồn lực tài chính dành cho đầu tư chuyển đổi số là bài toán khó, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức tài chính, tín dụng. Tùy theo quy mô DN, quá trình chuyển đổi số có chi phí từ 200 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Đây là mức chi phí khá cao đối với những DN quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ ở Việt Nam”, ông Trực nói.
Theo nhận định của ông Trực, hiện nay hầu hết các DN logistics là DN trong nước, chưa đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài, nguyên nhân bắt nguồn từ tiềm lực tài chính yếu, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn lực chất lượng cao, thiếu kỹ năng quản trị, bộ máy cồng kềnh…
“Nhiều DN trong nước đang đối mặt với thách thức và sự cạnh tranh gay gắt từ DN nước ngoài có khả năng cung cấp dịch vụ và tiềm lực tài chính tốt hơn. Để cải thiện vấn đề này, các DN trong nước cần thúc đẩy chuyển đổi số. Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tính cần thiết trong chuyển đổi số; có chính sách cho vay ưu đãi, tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ; phát huy vai trò chuyển đổi số giữa cơ quan Nhà nước với các tổ chức, hiệp hội DN, làm theo lộ trình và khả năng tài chính của DN. Ngoài ra, các DN phải thấy rằng chuyển đổi số là tất yếu nếu không muốn bị đào thải nhằm đem lại chuỗi cung ứng rộng hơn, hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Trung Trực nói thêm.
Một trong những rào cản của chuyển đổi số còn nằm ở yếu tố con người. Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đánh giá một trong những thách thức lớn nhất khi chuyển đổi số là thay đổi văn hóa DN, thậm chí DN phải vượt qua được những rào cản về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin. Làm thế nào để tất cả mọi người đều có thể tham gia chuyển đổi số và cùng hưởng lợi từ chuyển đổi số. Thay vì chọn giải pháp thuê mới lao động am hiểu công nghệ, các DN cần có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nhân viên hiện tại để tiết kiệm chi phí, tạo tâm lý an tâm cho người lao động.
Ông Trần Ngọc Thạch khẳng định, thành phố đang đồng hành với DN trong chuyển đổi số, thông qua nỗ lực xây dựng kho dữ liệu chung để các DN có thể sử dụng thông tin phục vụ mục đích nghiên cứu, phân tích thị trường, phát triển nguồn khách.
“Ban Chấp hành Đảng bộ Đà Nẵng vừa ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số. Cụ thể, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và doanh nghiệp công nghệ số; triển khai hiệu quả Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ theo Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Ở lĩnh vực du lịch sẽ triển khai thẻ du lịch thông minh, gắn với nền tảng du lịch thông minh, tạo ra hệ sinh thái cho người dùng, nhà cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý, số hóa các bảo tàng, di tích, điểm tham quan. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải và logistics, triển khai các ứng dụng thông minh hỗ trợ người dân, du khách tìm kiếm, sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng như số hóa hạ tầng giao thông, hình thành các trung tâm kho bãi, tự động dựa trên công nghệ số phục vụ logistics. Để chuyển đổi số thành công, DN cần lựa chọn những giải pháp công nghệ phù hợp, tiết kiệm và mang lại hiệu quả, trên nền tảng phân tích, đánh giá lại toàn bộ hồ sơ năng lực hiện có”, ông Thạch cho biết.
* Ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Viettel IDC: * Ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty TNHH Giao nhận vận tải Hikari Việt Hương: |
TIỂU YẾN