Trong lúc xảy ra dịch bệnh, mọi người có thói quen đếm, đếm số ca nhiễm được cập nhật mỗi ngày. Thế nhưng, mấy ai đếm được những chuyến đi vào bên trong, những chuyến đi cần thiết để mỗi người sống đầy hơn. Đó chính là những hành trình đặc biệt hướng về phía nội tâm, để mọi người thích nghi, làm quen với trạng thái “bình thường mới”. Mỗi người dần tự khám phá bản thân mình, để hiểu mình thật sự là ai, điều gì làm cho mình cảm thấy hạnh phúc.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nếu việc đi ra bên ngoài tiêu tốn của chúng ta nhiều sức lực, thời gian và chi phí thì những chuyến đi vào bên trong lại cần sự kiên định và lòng kiên trì. Chúng ta phải không ngừng đầu tư sự nhẫn nại, bởi thật ra, không phải ai, lúc nào cũng cảm thấy hào hứng, đón chờ sự mới mẻ từ những đổi thay.
Để có thể vững tâm cho trí não đi học những “kiến thức” mới, trước hết ta phải thẳng thắn công nhận và chấp nhận: Việc thay đổi chưa bao giờ là một điều thoải mái, dù thay đổi để tốt hơn. Chúng ta luôn vin vào những lề thói cũ để tìm kiếm sự an toàn. Chẳng ai muốn xáo trộn khi mọi thứ đang đầy đủ. Với những người lớn tuổi, họ lại càng giữ khoảng cách với sự đổi thay.
Đã mấy lần tôi với mẹ xảy ra bất đồng về quan điểm dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa. Thường xuyên theo dõi những video theo phong trào toàn dân dọn nhà của cô gái bé nhỏ Marie Kondo (Nhật Bản), tôi muốn thu dẹp, tháo dỡ những đồ đạc, công trình “của để dành” của mẹ. Tôi muốn “thay áo mới” cho sân vườn, bếp núc, các gian phòng để chúng thêm phần tươm tất, sạch sẽ. Những gì cần thì để lại, không cần thì mạnh dạn gửi cho người khác cần hơn hoặc loại bỏ. Thế nhưng, lần nào tôi cũng thất bại. Tôi muốn bớt, mẹ muốn thêm. Mẹ trữ từng chiếc túi nilon, từng chiếc hộp giấy, chai nhựa. Mẹ bảo sẽ có lúc cần dùng đến, thà có còn hơn không...
Tôi từng tham gia một khóa học “phong tỏa suy nghĩ stress” trên internet, cô giáo nói với tôi rằng: “Đồ đạc không đáng quý bằng chính khoảng trống mà chúng đang chiếm giữ, tâm càng dễ sáng khi ngoại cảnh, vật chất bên ngoài càng tối giản”. Cô đã dạy các học viên về khái niệm sống đầy. Sống đầy cũng như hạnh phúc, luôn đến từ những an ổn phía bên trong chứ không phải là sự giàu có từ bên ngoài. Những người sống đầy, những người bình an và hạnh phúc thật sự là những người luôn bình dị, luôn dành sự kết nối với nguồn năng lượng lặng lẽ nhưng thuận tự nhiên đến từ vũ trụ. Những người sống đầy thật sự là những người luôn có khả năng “cúi xuống”, sẵn sàng san sẻ và cho đi.
Như lần nọ, tôi đọc trên Facebook dòng trạng thái chia sẻ của một người chị đang mắc K phổi. Chị viết:
“Cả những nơi xa, gần
Từ nghịch cảnh không giống nhau
Của những con người thật khác
Nhưng trên hết thảy, bình yên vẫn là nơi chốn mà ta luôn muốn tìm về
Chúng ta đều muốn chọn hạnh phúc
Hạnh phúc luôn ở quanh ta, chỉ cần cúi xuống, bạn sẽ thấy”.
Đọc những dòng chia sẻ ấy, tôi nhận ra đôi khi những người chịu nhiều thương tổn nhất lại là những người dịu dàng nhất, những người ở phía cuối chặng đường là những người tỏa ra ánh sáng. Như chị vậy, trong khoảng 5 năm, song hành với những đợt hóa trị, xạ trị…, dù đau đớn đến rạc người, chị vẫn cùng người thân, bạn bè đều đặn tổ chức các chương trình thiện nguyện để quyên góp, hỗ trợ bệnh nhân ung thư, ủng hộ bà con nghèo và trẻ em ở những vùng khó. Khi biết mình không thể kéo dài quỹ thời gian sống như bao người, chị khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký hiến tạng lúc qua đời. Giải pháp để chị sống đầy không còn nằm ở tư duy tích trữ hay sở hữu nữa, điều chị lựa chọn là “cúi xuống” và cho đi. Yêu thương với chị không phải là thiên thu mà là khoảnh khắc.
Đại dịch bùng phát, số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng. Khi những chuyến đi bên ngoài phải dừng lại hoặc bị hạn chế, thì những chuyến đi vào bên trong sẽ dần được mở ra. Có rất nhiều người đã thật sự được “về nhà”, một ngôi nhà tâm hồn luôn mở cửa…
DIỆU THÔNG