Tăng tốc hành động chống biến đổi khí hậu

.

Các nhà khoa học nhận định biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình thời tiết cực đoan. Theo báo The New York Times, toàn thế giới phải cắt giảm một nửa lượng khí thải trước năm 2030. Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng thêm 1 độ C kể từ năm 1880 và lượng khí thải tiếp tục tăng.

Thăm thị trấn Schuld, bang Rhin-Palatinate, nơi chịu thiệt hại nặng nề vì lũ lụt, Thủ tướng Đức Angela Merkel (bìa trái) nói rằng “không thể mô tả được sự tàn phá này bằng ngôn ngữ Đức”.  Ảnh: EPA-EFE
Thăm thị trấn Schuld, bang Rhin-Palatinate, nơi chịu thiệt hại nặng nề vì lũ lụt, Thủ tướng Đức Angela Merkel (bìa trái) nói rằng “không thể mô tả được sự tàn phá này bằng ngôn ngữ Đức”. Ảnh: EPA-EFE

Đợt nắng nóng với nhiệt độ lên tới 49 độ C tại Mỹ và Canada vào tháng 6-2021, lũ lụt kinh hoàng do mưa lớn gây ra ở hàng loạt nước châu Âu và một số nước châu Á trong những ngày qua, đã khiến hàng trăm người chết và nhiều người mất tích. Nghiên cứu do Viện Khoa học và Công nghệ Thủy sản Liên bang Thụy Sĩ (Eawag) công bố ngày 19-7 cũng cho hay, biến đổi khí hậu làm thay đổi đáng kể cảnh quan dãy núi Alps của Thụy Sĩ với tốc độ nhanh hơn dự báo khi các sông băng tan chảy đã tạo ra hơn 1.000 hồ nước mới trên núi.

Thảm họa “kinh hoàng”

Tính đến ngày 19-7, số người chết trong đợt lũ lụt ở châu Âu trong những ngày qua lên đến 188 người. Riêng ở Đức - quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất - có ít nhất 157 người chết. Đây là thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất ở Đức trong gần 6 thập niên. Thủ tướng Angela Merkel bị sốc và nói rằng “không thể mô tả được sự tàn phá này bằng ngôn ngữ Đức”. Bà Merkel hối thúc chính phủ các nước phải hành động nhanh chóng và quyết liệt hơn nữa để giải quyết tác động của biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho hay, chính phủ sẵn sàng phê duyệt gói cứu trợ khẩn cấp trị giá hơn 354 triệu USD cùng hàng tỷ euro để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Không chỉ Đức, mà Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Áo và Thụy Sĩ cũng chịu tác động tương tự do mưa lớn. Bỉ ghi nhận ít nhất 30 người thiệt mạng và hơn 160 người mất tích.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cảnh báo, thời tiết cực đoan mà các nước châu Âu đang chứng kiến có thể tái diễn với tần suất nhiều hơn trong tương lai và mức độ tàn phá nghiêm trọng hơn so với dự đoán. Giới khoa học đang đi tìm bằng chứng thuyết phục nhằm củng cố mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và mức độ tàn phá của thảm họa thiên nhiên. Tờ The Independent của Anh dẫn lời ông Friederike Otto, chuyên gia của Viện Biến đổi Môi trường ở Đại học Oxford (Anh) cho biết: “Lượng mưa lớn khắp châu Âu trong những ngày qua cho thấy biến đổi khí hậu khiến thời tiết cực đoan trở nên trầm trọng. Điều này có thể tiếp diễn khi khí hậu ngày càng nóng hơn”. Trong khi đó, nhà khí tượng học Johannes Quaas tại Đại học Leipzig ở Tây Đức kết luận: “Nếu chúng ta tiếp thục thải CO2, mưa lớn sẽ tiếp diễn”.

Hiện thực hóa các cam kết tham vọng

Năm 2021 là thời điểm quan trọng để tăng tốc hành động ngăn chặn những hậu quả thảm khốc do biến đổi khí hậu gây ra trước khi mọi thứ trở nên quá muộn. Cộng đồng quốc tế đang mong chờ những động thái mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn trong việc cắt giảm khí thải toàn cầu. Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ kế hoạch tham vọng nhất từ trước tới nay, trong đó tập trung hiện thực hóa “các mục tiêu xanh” ngay trong thập niên này, qua đó đưa khối gồm 27 thành viên trở thành hình mẫu tiên phong cho các nền kinh tế lớn khác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo đó, EU phấn đấu đến năm 2030 giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ròng so với mức của năm 1990 và tiến tới trung hòa khí thải carbon đến năm 2050. Kế hoạch đang vấp phải những tranh cãi từ chính 27 quốc gia thành viên với trình độ phát triển kinh tế không đồng đều. Song, giới quan sát kỳ vọng các tổ chức chính trị - xã hội trên khắp châu lục này sẽ gây sức ép tối đa để kế hoạch đi vào thực tế.

Trước đó, các nền kinh tế lớn đã cam kết cắt giảm phát thải khí CO2 nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Trung Quốc cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Vương quốc Anh đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Mỹ công bố mục tiêu cắt giảm 50-52% lượng khí thải so với mức năm 2005.

Liên Hợp Quốc (LHQ) vẫn tiếp tục kêu gọi các nước nhanh chóng tháo gỡ mọi bất đồng và hoàn thành các cam kết trong vài tháng tới để bảo đảm đạt được tiến bộ cao nhất trước thềm hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra tại thành phố Glasgow (Scotland) vào tháng 11-2021. COP26 sẽ tập trung thảo luận các giải pháp khả thi nhất để đạt cam kết đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, thành công của sự kiện sắp tới phụ thuộc rất nhiều vào “sự đột phá của thích ứng biến đổi khí hậu và nguồn tài chính”. Theo đó, ông Guterres kêu gọi các nước phát triển cung cấp tổng cộng 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng sạch và đối phó với các tác động của khí hậu như hạn hán, lũ lụt, mực nước biển dâng cao.

THƯ LÊ (theo The Jerusalem Post, The Independent)

;
;
.
.
.
.
.