* Trong lần du lịch về miền Tây Nam Bộ, tôi nghe câu ca dao “Gò Công anh dũng tuyệt vời/ Ông Trương Đám Lá Tối Trời đánh Tây”. Xin cho hỏi “Ông Trương Đám lá tối trời” nghĩa là gì? (Nguyễn Văn Thuần, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng)
Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định ở xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: V.T.L |
- Ông Trương là cách nói tôn kính của người Nam Bộ đối với Anh hùng dân tộc Trương Định (hay Trương Công Định, Trương Trường Định, Trương Đăng Định), một võ quan Triều Nguyễn và là thủ lĩnh chống Pháp giai đoạn 1859-1864.
Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (baotanglichsu.vn), Trương Định sinh năm 1820 ở phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 24 tuổi, ông theo cha là Trương Cầm, người giữ chức Chưởng lý Thủy sư, vào Gia Định (thời vua Thiệu Trị). Năm 1850, hưởng ứng chính sách khai hoang của triều đình, ông đã đứng ra chiêu mộ khoảng 500 dân nghèo khai hoang lập ấp ở Gò Công, Gia Định. Với công lao đó, ông được triều đình Huế phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm, nên dân chúng còn gọi ông là Quản Định.
Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông đem nghĩa binh của mình lên đóng quân ở Gia Định, lập được nhiều chiến công trên phòng tuyến từ Gò Cây Mai đến Thị Nghè và các trận đánh ở trung tâm Sài Gòn.
Đầu năm 1861, ông rút quân về Gò Công thuộc huyện Tân Hòa (Gia Định), chiêu mộ thêm binh sĩ, tích lũy lương thực, chế tạo, mua sắm vũ khí, xây dựng Gò Công thành một căn cứ kháng chiến lâu dài.
Năm 1862, triều đình Huế phong Trương Định chức phó lãnh binh tỉnh Gia Định. Phong trào khởi nghĩa của Trương Định dâng lên khắp nơi, thu hút đại bộ phận nhân dân tham gia. Ông tổ chức lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Campuchia. Ngày 5-6-1862, triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp, ra lệnh tất cả các lực lượng chống Pháp phải bãi binh. Trương Định kháng mệnh vua, rút quân về Gò Công, đóng quân tại Đám Lá Tối Trời, xưng là Trung thiên Tướng quân và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, tiếp tục đánh Pháp.
Ngày 19-8-1864, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám Lá Tối Trời thất thủ, Trương Định bị trọng thương và rút gươm tự sát vào rạng sáng ngày hôm sau. Khi ấy, ông 44 tuổi.
Nhân dân Gò Công đã xây dựng, tu sửa, tôn tạo mộ, đền thờ và dựng tượng Trương Định. Người dân Quảng Ngãi quê hương ông cũng lập đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định ở xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Đám Lá Tối Trời, theo cách giải thích của PGS.TS Lê Trung Hoa trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 10-6-2005, là một vùng hoang vu, cây cối um tùm với nhiều dã thú ở làng Gia Thuận, thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Nơi đây có một khu dừa nước rậm rạp. Vào bên trong khu này, dù là ngày nắng, người ta vẫn thấy tối om nên người dân địa phương gọi là Đám Lá Tối Trời. Lâu ngày, tên này trở thành địa danh.
Ngoài câu ca dao nói trên, tác giả Nguyễn Liên Phong - một người thân Pháp, tác giả cuốn Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca (1909) - từng ca tụng Trương Định: Tiếng đồn Đám Lá Tối Trời/ Có ông Trương Định trải phơi gan vàng/ Hiền vi cơ chưởng nan minh/ Lưỡi gươm đâm bụng liều mình như chơi/ Nên hư số hệ ở trời/ Khá đem thành bại luận người hùng anh.
ĐNCT