1. Thời Pháp thuộc (1888-1945), Tourane có 3 chi nhánh ngân hàng lớn: Ngân hàng Đông Dương (Banque de Indochine), Ngân hàng Pháp-Hoa (Banque de Franco-Chinois) và Ngân hàng Nông Tín Bình Dân (Banque de Crédit Populaire Agricole - B.C.P.A). Trong đó, Ngân hàng Đông Dương và Ngân hàng Pháp-Hoa do tư sản Pháp và tư sản người Hoa nắm giữ.
Xe chở nước trên đường Courbet (đường Bạch Đằng) năm 1912. (Ảnh tư liệu) |
Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở Tourane được thành lập ngày 24-8-1891, là chi nhánh thứ tư được thành lập ở Đông Dương - sau Chi nhánh Sài Gòn thành lập ngày 19-4-1875, Chi nhánh Hải Phòng thành lập ngày 21-5-1885 và Chi nhánh Hà Nội thành lập ngày 17-1-1886[1]. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở Tourane trong nhiều năm liền, từ trước năm 1904 đến sau năm 1929, là Charles Gravelle. Nếu như hệ thống Ngân hàng Đông Dương có nhiệm vụ chủ yếu là in tiền/phát hành tiền - banque d’émission thì Ngân hàng Pháp-Hoa kinh doanh rất nhiều lĩnh vực. Banque Franco-Chinoise à Tourane khai trương năm 1927 và trong Liste des membres adhérents de l’Association des Amis du Vieux Hué en 1928/ Danh sách thành viên liên kết của Hội Những người bạn Cố đô Huế năm 1928, đã có tên một nhà mại bản của Chi nhánh Ngân hàng Pháp-Hoa ở Tourane/Comprador de la Banque Franco-Chinoise à Tourane là Ta-Khai-Tho (âm Hán Việt là Tạ Khải/Hải Thọ).
2. Điện thắp sáng ở các công sở và các đường phố cũng là điều cổ lai chưa từng có ở Tourane đương thời. Ngày 7-6-1921, Tòa Đốc lý Tourane tổ chức đấu thầu cung cấp và phân phối điện nước cho thành phố. Công ty SIPEA, một công ty cổ phần chuyên kinh doanh điện nước của Pháp tại Đông Dương - tên gọi đầy đủ là Société Indochinoise pour les Eaux et l‘Électricité en Annam/Công ty Điện nước Đông Dương tại Trung Kỳ trúng thầu. Khu đất nằm trên đường Maréchal Joffre/đường Phan Đình Phùng (nay là trụ sở Công ty Điện lực Đà Nẵng), với diện tích khoảng 2.920m², được Công ty SIPEA chọn để xây dựng nhà máy phát điện, hoàn thành vào tháng 7-1922, và do nguồn điện chủ yếu để thắp đèn nên người dân Tourane thường gọi là Nhà đèn Đà Nẵng. Trong nửa đầu thập niên 1930, người Pháp cho xây dựng Barage An Trạch trên sông Yên. Ngoài ra, giai đoạn này ở Tourane cũng đã xuất hiện hàng chục thủy đài/château d’eau[2].
Nông nghiệp đã phát triển hàng mấy trăm năm ở vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang nhưng vẫn trồng lúa là chính. Lần đầu tiên vùng đất này hình thành những đồn điền trồng cây công nghiệp. Sau năm 1888 và thậm chí sớm hơn, người Pháp đã thành lập một số đồn điền quy mô lớn ở Phong Lệ, Nghi An, nhất là ở Phú Thượng, Tùng Sơn, An Ngãi… để trồng chè và trồng cà phê, nhưng chỉ thành công với sản phẩm chè xanh, qua đó gầy dựng được thương hiệu nổi tiếng là chè xanh Phú Thượng. Đương thời có đến 3 nhà máy lớn chế biến chè xanh Phú Thượng được xây dựng ở An Ngãi (Bàu Nghè), Tùng Sơn và Phú Thượng. Chè xanh Phú Thượng xuất khẩu sang Pháp và châu Âu thì nhà cầm quyền thuộc địa đánh thuế là 1,2 Franc trên 1kg chè. Năm 1900, tại Hội chợ triển lãm thế giới, sản phẩm chè xanh Phú Thượng của Công ty chè An Nam được huy chương vàng - phần thưởng cao nhất dành cho các loại chè của thuộc địa Pháp.
3. Nền giáo dục và đào tạo phi Hán học ở vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang trong giai đoạn này được đánh dấu bằng sự ra đời của một ngôi trường công lập trên đường Galliéni/Yên Bái. Đó là École Franco-Annamite de Tourane/Trường Pháp - Việt Tourane dành cho học sinh là con em người Pháp và một số người Việt, thành lập theo quyết định ngày 27-5-1890 của Khâm sứ Trung Kỳ Séraphin Hector. Một thời gian sau, trường được nâng cấp thành École de plein d΄exercices de Tourane/Trường Toàn cấp Tourane. Năm 1928, trường tách số nữ sinh cùng học trò Pháp vào một trường mới mang tên École des Jeunes Filles/Trường Con Gái Tourane (nay là cơ sở II của Trường Trung học phổ thông Phan Châu Trinh) và đổi tên trường thành École des Garcons de Tourane/Trường Con Trai Tourane - nhà thơ Tố Hữu từng học chung lớp với nhà báo Đoàn Bá Từ ở Trường Con Trai Tourane.
Đương thời còn có một số trường tổng công lập ở huyện Hòa Vang như École Cantonale d’An Luu/Trường tổng An Lưu thành lập năm 1922 trên cơ sở nâng cấp Trường dân lập Lỗ Giáng. École Cantonale d’An Phuoc/Trường tổng An Phước thành lập năm 1926 trên cơ sở nâng cấp Trường dân lập Cẩm Toại, mà tiền thân là Nghĩa thục An Phước trong Phong trào Duy tân đất Quảng đầu thế kỷ XX; đến năm 1932 trường đổi tên thành Ecole Elémentaire d’An Phuoc/Trường Sơ học An Phước; đến năm 1939 lại đổi thành Ecole Primaire Complémentaire d’An Phuoc/Trường Tiểu học An Phước…
Ở vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang đương thời cũng có một số trường tư thục, nổi bật như Institution Primaire complémentaire thường gọi là Trường Tiểu học bổ túc Thành Chung trên đường Castelneau/Thái Phiên thành lập năm 1937 chuyên bổ túc kiến thức cho những học sinh vừa tốt nghiệp tiểu học để năm sau thi vào trường trung học ở Huế, Vinh, Quy Nhơn hoặc Hà Nội, Sài Gòn; nhưng chỉ mấy sau thì bị đóng cửa vì nhiều thầy giáo và học sinh của trường tham gia hoạt động chính trị. Năm 1940, con trai nhà cách mạng Phan Thành Tài là Phan Bá Lân từ Sài Gòn về Tourane mở tại địa điểm trường cũ Thành Chung một ngôi trường mới đặt tên là Trung học tư thục Chấn Thanh - trường duy nhất ở miền Trung tuyển sinh nam và nữ học chung, quy tụ được nhiều thầy giáo từng dạy trường Thành Chung và một số thầy giáo tài hoa như Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Phan Khoang... Ngoài ra, còn có một số trường tư thục như Trường Cự Tùng trên đường Cimetière/Trần Bình Trọng gần Ngã Năm (nay không còn) do thương gia Cự Tùng/Nguyễn Văn Tùng thành lập vào năm 1920 và được xem là trường tư dạy chữ quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ - cũng là nơi ra đời của Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thuộc Tỉnh bộ Quảng Nam vào năm 1927 do Đỗ Quang làm Bí thư; như Trường Phú Quốc do Nguyễn Bội Liên và Võ Bá Huân thành lập ở Nại Hiên Tây (nay cũng không còn); hay như Trường Thanh Huy ở Thanh Khê...
4. Năm 1901, trên tờ Revue Indochinoise/ Tạp chí Đông Dương, Hauser - một nhà hành chánh ở Tourane đã rất lạc quan về tình hình an ninh chính trị của Trung Kỳ nói chung và của vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang nói riêng dưới sự trực trị/bảo hộ của người Pháp. 7 năm sau đó nổ ra sự kiện Trung Kỳ dân biến - một trong những cách gọi cuộc biểu tình kháng thuế cự sưu vào năm 1908 khởi đầu từ Đất Quảng - cụ thể là khởi đầu từ Đại Lộc nhưng lại bùng phát ở ngay Faifo/Hội An là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam hồi đầu thế kỷ XX - và nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh Trung Kỳ.
8 năm sau nữa - năm 1916 - tiếp tục nổ ra cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung Kỳ cũng khởi đầu từ Đất Quảng và lan rộng khắp các tỉnh Trung Kỳ. Lần này, vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang trở thành một trong những “điểm nóng”. Cuộc họp mặt các nhà yêu nước Trung Kỳ tại Tourane do Thái Phiên chủ trì vào tháng 3-1914 được xem là mốc chuẩn bị quan trọng của cuộc vận động khởi nghĩa. Hàng ngàn lính mộ đã được tập luyện kỹ thuật chiến đấu tại Tourane từ tháng 7-1915 và tập kết ở cửa Hàn chờ xuống tàu sang Pháp tham gia Thế chiến thứ nhất đang trở thành đối tượng binh vận của Thái Phiên và nhất là của Lê Đình Dương; rồi đỉnh Hải Vân sẽtrở thành nơi báo hiệu giờ khởi nghĩa bắt đầu...
Giai đoạn từ năm 1888-1945, báo chí ở Tourane hầu như không có gì đáng kể. Những người Tourane có năng lực làm báo thì hoặc là tìm đến các trung tâm báo chí như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Huế… trực tiếp tác nghiệp hoặc là vẫn ở Tourane để cộng tác từ xa. Năm 1927, Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thuộc Tỉnh bộ Quảng Nam được thành lập ở Trường Cự Tùng. Đến năm 1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Tourane ra đời theo quyết định của Xứ ủy Trung Kỳ và lần đầu tiên thành phố này có tòa soạn của một tờ báo nhưng đương nhiên vẫn phải hoạt động bí mật - đó là báo Còi Nhà Máy do Bí thư Thị ủy Tourane Hồ Sĩ Thiều khởi xướng và trực tiếp tác nghiệp. Tuy không phải là nơi báo Lưỡi Cày - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam - đặt tòa soạn nhưng Tourane lại là một trong những đầu mối chủ yếu để phát hành Lưỡi Cày, đồng thời là nơi cung cấp giấy mực để in ấn tờ báo cách mạng này.
Dư âm của Trung Kỳ dân biến năm 1908 và cuộc vận động khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân năm 1916; hoạt động của Nhà sách Trung Tân trên đường Marc Pourpe/Phan Châu Trinh và của Nhà sách Việt Quảng trên đường Quai Courbet/Bạch Đằng cùng hậu thân là Nhà sách Việt Quang trên đường Verdun/Trần Hưng Đạo; nỗ lực của nhiều thầy giáo tâm huyết ở các trường học trên địa bàn trong việc giáo dục học sinh lòng yêu nước và ý thức dân tộc; sức lan tỏa của báo chí cách mạng Tourane và phát hành tại Tourane, tất cả đã cùng kích hoạt hiệu quả tinh thần sẵn sàng dấn thân vì đại cuộc của thế hệ trẻ Đà Nẵng/Hòa Vang. Do vậy, khi Mặt trận Việt Minh thành phố Thái Phiên và Mặt trận Việt Minh huyện Hòa Vang ra lời kêu gọi khởi nghĩa, đông đảo người dân Đà Nẵng/Hòa Vang - nhất là giới trẻ - đã đồng tình hưởng ứng, nhanh chóng giành được chính quyền từ tay người Nhật và chính quyền thân Nhật, góp phần mang lại thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang.
BÙI VĂN TIẾNG
[1] Đỗ Thị Mỹ Hiền, Sự ra đời và việc độc quyền phát hành tiền của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 2 năm 2016.
[2] Hai château d’eau lớn nằm trên đường Ngô Gia Tự và Nguyễn Tri Phương có tuổi thọ cả 100 năm đã được triệt hạ từ năm 2010 đến năm 2013; hiện còn một château d’eau không sử dụng ở đường Yết Kiêu.