Từ khi Covid-19 xuất hiện, chồng cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển (SN 1970), Trường THPT Phan Châu Trinh triền miên xa nhà. Mọi khi anh đi công tác vài ba hôm là về, nay anh đi gần cả tháng, dù đoạn đường từ nhà đến bệnh viện chỉ mất mấy vòng xe.
Bác sĩ Trịnh Minh Thế (SN 1969) - chồng cô giáo Uyển - là Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện C Đà Nẵng. Thời gian này, anh ở suốt trong bệnh viện, bịt bùng trong bộ đồ bảo hộ. Mọi liên lạc với gia đình, vợ con giới hạn trong chiếc điện thoại và những dòng tin nhắn. Giữa lúc gian nan chống dịch, anh đã nhận được những vần thơ vợ gửi: “Có một chiều anh nói phải xa em/ Mà chưa hẹn thời gian ngày trở lại/ Cuộc chiến của đồng đội anh vẫn còn xa ngái/Em mỉm cười, nước mắt cất vào tim” (Đà Nẵng ngày bão giông), trở thành niềm động viên anh và đồng nghiệp rất nhiều.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển giữa sân Trường THPT Phan Châu Trinh. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
1. Buổi trưa cuối tháng 7-2020, sau cuộc họp khẩn tại bệnh viện, bác sĩ Trịnh Minh Thế gọi điện về cho vợ: “Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bệnh viện phong tỏa trong 14 ngày, anh phải ở lại với anh em. Em ở nhà tuân thủ những quy định phòng dịch, cố gắng chăm lo cho mẹ và các con”.
Cuộc điện thoại bất ngờ từ chồng, kèm theo thông tin dịch bệnh ngày càng phức tạp làm chị Uyển không khỏi lo lắng. Chồng vừa cúp máy, chị nhanh chóng chuẩn bị quần áo, đồ dùng cá nhân, mang đến viện cho anh. Lúc chị đến thì cổng bệnh viện đã khóa. Anh đi xuống, đứng bên trong cánh cổng sắt nhận túi đồ từ vợ, cố mỉm cười để trấn an người bạn đời.
Lâu rồi anh Thế không xa nhà nhiều ngày như vậy. Đàn ông ở lại cơ quan tập trung công tác phòng, chống dịch, chuyện ăn uống, ngủ nghỉ chưa biết sẽ thế nào. Cuộc gặp chóng vánh, không kịp chuyển hết nỗi lòng khiến chị thổn thức, bất an. Những ngày đầu anh ở lại viện, chị buồn buồn viết bài thơ Đà Nẵng ngày bão giông: “Bỗng một ngày Đà Nẵng có bão giông/ Hàng triệu trái tim nghiêng mình về nơi ấy/ Chợ Rẫy, Bạch Mai, bay vào không ngần ngại/ Cả nước một lòng chắc bão sẽ mau tan/ Có một chiều anh nói phải xa em/ Mà chưa hẹn thời gian ngày trở lại/ Cuộc chiến của đồng đội anh vẫn còn xa ngái/ Em mỉm cười, nước mắt cất vào tim”…
Bài thơ nhỏ của người vợ có chồng là bác sĩ tuyến đầu chống dịch đã chạm đến trái tim nhiều người. Chỉ một ngày sau khi chị Uyển chia sẻ lên mạng xã hội, bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu - một người bạn của gia đình - phổ nhạc. Hôm nhận ca khúc từ người bạn, bác sĩ Thế xúc động. Anh chia sẻ bài hát này với bác sĩ Nguyễn Quý Thiện, khoa Nội Tiêu hóa, người có máu văn nghệ của Bệnh viện C như món quà giải trí trong những ngày phong tỏa. Sau một hồi luyện tập, trưa 31-7-2020, tranh thủ giờ nghỉ, hai bác sĩ Thế và Thiện, người ôm đàn, người ngồi cạnh cùng hát bài Đà Nẵng ngày bão giông. Để ghi lại kỷ niệm dễ thương, cũng như nhắn gửi với mọi người bên ngoài rằng mình vẫn khỏe, bác sĩ Thế quay phim và chia sẻ lên mạng xã hội.
“Ngay từ đầu, tôi chỉ định đưa lên Facebook cho vợ vui, vậy mà nằm nghỉ trưa một tý, lên đã thấy trên ngàn lượt like (thích) với ngàn lượt share (chia sẻ). Đọc qua những bình luận, chúng tôi thật sự cảm động khi lời thơ, câu hát trở thành nguồn động viên người dân vùng dịch, đặc biệt là đội ngũ y tế tuyến đầu”, bác sĩ Thế nói.
2. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển đang trải qua những ngày “sống chậm” cùng người dân cả nước phòng, chống Covid-19. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 liên tục gia tăng. Ngôi nhà vốn quạnh quẽ vì vắng chồng, nay càng thêm yên ắng khi ngày 21-7-2021, con gái đầu của anh chị - Trịnh Minh Trân (SN 1996), công tác tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Đại học Y dược Đà Nẵng - đã tình nguyện theo chân đoàn giảng viên, sinh viên nhà trường vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch.
Chị Uyển chia sẻ, những ngày này, từ Thành phố Hồ Chí Minh, con gái chị thỉnh thoảng gọi điện về thăm hỏi gia đình. Biết chuyến đi sẽ giúp con trưởng thành, vững vàng hơn trong công việc, nhưng dịch bệnh phức tạp, mỗi ngày phát hiện mới hàng ngàn ca, sao có thể không lo.
Có thể nói, hành trang lần này của cô con gái còn mang theo tấm lòng của vợ chồng chị Uyển hướng về Thành phố Hồ Chí Minh. Như lời bài thơ Sài Gòn ơi, có mệt lắm không? chị viết vội trong buổi sáng nghe tin Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19: “Sài Gòn ơi, có mệt lắm không?/ Nước mắt, mồ hôi, nối giọt thành dòng/ Sông Sài Gòn bỗng dưng cuộn sóng/ Nếu mệt rồi, ngủ chút nhé, Sài Gòn ơi… Rồi thành phố sẽ vươn mình mạnh mẽ/ Thương lắm Sài Gòn, yêu lắm Sài Gòn ơi”.
Chị Uyển chia sẻ, chị sinh ra tại Quảng Nam, lập nghiệp ở Đà Nẵng nhưng Thành phố Hồ Chí Minh là nơi cưu mang nhiều người thân của chị. Thường mỗi năm chị vào Thành phố Hồ Chí Minh vài ba bận, khi đưa học sinh đi thi, khi giỗ chạp, khi thăm gia đình em trai. Nay thành phố náo nhiệt bỗng lặng lẽ gam trầm khi dịch bệnh hoành hành, đẩy nhiều gia đình vào cảnh cơ cực. Ở xa, chị đành gửi những tâm tư, tình cảm của mình vào mấy dòng thơ.
“Tôi bàng hoàng khi thấy Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện quá nhiều ca lây nhiễm. Dịch bệnh ảnh hưởng biết bao gia đình, bao số phận. Nghĩ thế mà thương, mà muốn viết đôi dòng thăm hỏi, động viên: Sài Gòn ơi, có mệt lắm không?”, chị Uyển chia sẻ.
3. Lời thơ của cô giáo Ngọc Uyển như được chắp thêm đôi cánh qua những giai điệu, giọng hò. Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh nói rằng, lúc tình cờ đọc bài thơ Sài Gòn ơi, có mệt lắm không? của cô giáo Uyển, ông cảm nhận được giai điệu đan xen giữa ngôn từ chân thành, mộc mạc, như tấm lòng người dân miền Trung hướng về Sài Gòn. Để không lỡ dòng cảm xúc này, ông đóng cửa phòng, bỏ không xem trận bán kết Giải vô địch bóng đá châu Âu 2020, quyết tâm phổ nhạc cho bài thơ.
Ca khúc được phổ xong, nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh chia sẻ với ca sĩ Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương. Yêu mến những câu từ giản dị, gần gũi trong Sài Gòn ơi, có mệt lắm không?, Quang Hào ôm đàn nghêu ngao hát trong một lần livestream (phát sóng trực tiếp) trên Facebook cá nhân. Giai điệu guitar dìu dặt hòa lẫn trong giọng ca ngọt ngào của Quang Hào đã chạm đến trái tim nhiều người.
Ca sĩ Quang Hào chia sẻ: “Tôi nhận bản phổ ca khúc này đúng lúc Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nghĩ thương và muốn hát mấy lời động viên người dân Sài Gòn. Do đó, khi hát Sài Gòn ơi, có mệt lắm không?, tôi thấy như đang động viên chính mình và cho cả Sài Gòn”.
Chưa bao giờ cô giáo Uyển nghĩ mình sẽ nổi tiếng nhờ những bài thơ này. Chị bảo chính chị cũng cảm thấy bất ngờ khi bài thơ chân phương của mình được nhiều người đón nhận. Ngoài phổ nhạc, không ít người yêu thơ đã diễn ngâm, “hát chay” qua livestream, từ đó lan tỏa nguồn năng lượng tích cực trong những ngày cả nước căng mình chống dịch.
“Điều tôi mong mỏi nhất là được góp một tiếng nói, một tấm lòng, một sự chia sẻ đối với tuyến đầu chống dịch, với người dân đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và mong bình an đến với mọi nhà”, chị Uyển chia sẻ.
Ngoài những vần thơ, sự bình dị, chân thành, cộng tinh thần lạc quan của gia đình cô giáo Uyển khiến nhiều người cảm động. Dịch bệnh tách họ ra, nhưng không ngăn được tình yêu, sự quan tâm của từng thành viên dành cho nhau. Chị Uyển nói, có một điều chị cảm thấy ấm áp nhất lúc này, là cậu con trai của họ tiếp tục nối nghiệp ba, trở thành sinh viên Trường Đại học Y dược - Đại học Huế.
"Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển cũng là tác giả bài thơ Đêm Rào Trăng 3, viết về vụ sạt lở kinh hoàng tại Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) khiến hàng chục người mất tích vào tháng 10-2020. “Có một đêm không trăng, không sao/ Anh đi về nơi ấy/ Đêm Rào Trăng dậy sóng lấm lem bùn/ Giữa đại ngàn tiếng thét run run/ Anh gọi ai: mẹ cha, vợ con hay đồng đội?/ Phút kinh hoàng sụp đổ dưới chân anh/ Phép màu mong manh, nỗi đau tuôn lệ/ Anh đi rồi cả nước vẫn dõi theo/ Sông Bồ ơi, có bao nhiêu thủy điện?/ Rào Trăng 3 sao thảng thốt nghẹn ngào/ Người nằm xuống, xé lòng người ở lại/ Biết bao giờ nỗi nhớ sẽ phôi phai?/ Mai anh không về, mai anh không về nữa/ Cả nước gọi anh, những chiến sĩ kiên cường/ Rồi cũng qua hết những tai ương/ An lòng nhé, xin người yên giấc”. |
TIỂU YẾN