Đã lâu lắm rồi trên đường phố Đà Nẵng không còn hình ảnh những chiếc xe lambro (xe lam ba bánh) rong ruổi nữa. Loại phương tiện giao thông đơn sơ, giản dị này một thời gắn bó với bao người lao động nhọc nhằn, lam lũ sớm tối.
Xe lam nay vắng bóng trên đường phố Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu) |
1. Xe lam ba bánh không còn xuất hiện ở Đà Nẵng vì nó đã hoàn thành sứ mệnh giao thông của một giai đoạn lịch sử nhất định. Đây là loại xe do Ý sản xuất, có mặt tại miền Nam Việt Nam từ thập niên 60 của thế kỷ trước, có tải trọng 550kg, sử dụng số, côn ngay tại ghi-đông phía bên trái, ga phía bên phải, không vô lăng, lái như xe máy. Đà Nẵng trước năm 1975 là thành phố liên hợp quân sự của địch, đô thị lớn thứ hai của miền Nam nên có rất nhiều xe lam bởi nó phù hợp với đường sá thị thành lúc bấy giờ.
Sau ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975), Bến xe lam chợ Cồn vẫn đặt tại khoảng đất rộng gần ngã tư đường Lý Thái Tổ - Ông Ích Khiêm (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê ngày nay). Ở các hành lang ngoài rìa bến xe là những dãy ki-ốt, chen chúc từng mái nhà dù của các tiểu thương buôn bán cà phê, giải khát. Chếch về hướng đông bến xe là chợ Vĩnh Trung sầm uất, nhộn nhịp với nhiều loại hàng hóa mà những chuyến xe lam ở đây thường vận chuyển đi các chợ khác trong và ngoài thành phố. Xe lam không đi quá xa, chỉ giới hạn 20-30km với tốc độ tối đa 60km/giờ. Ngoài bến chính tại chợ Cồn, còn có khá nhiều bến phụ ở các địa điểm khác.
Theo thông số kỹ thuật, máy của chiếc xe lam 198cc, thùng có hai băng ghế, mỗi băng từ 4-5 người cùng 2 người ngồi chung với bác tài ở buồng lái và vô số hàng hóa chất giữa thùng, trên trần cao ngất ngưởng mà xe vẫn cứ đêm ngày rong ruổi khắp các ngả đường. Thuở nhỏ, tôi chỉ ngồi trên lưng trâu ở miền quê rơm rạ; khi ra Đà Nẵng, lần đầu được leo lên xe lam, thành ra cái cảm giác thích thú, lạ lẫm ấy không thể nào tả hết. Do quen vắt vẻo trên lưng trâu với những bước chân thong dong, chậm chạp từ đồng cỏ, sườn đồi trở về chuồng trại mỗi khi chiều tím buông trôi, bỗng dưng được ngồi trong xe lam nổ phành phạch lao nhanh giữa phố xá náo nức, thênh thang nên lòng ngập tràn vui sướng. Mỗi khi bác tài lom khom trong buồng lái đạp nổ máy, luồng khói trắng đục phun ra từ ống xả phía sau, đám con nít chúng tôi lại ùa tới để hít mùi thơm lạ lùng của xăng cháy chứ chẳng có ai khuyên phải tránh xa cái chất
thải từ nhiên liệu độc hại như thời bây giờ.
2. Đà Nẵng có nhiều bến đỗ, đợi của xe lam. Tôi nhớ nhất các điểm chợ Mai (phường Thọ Quang), chợ Chiều (phường Mân Thái), đều ở quận Ba ngày ấy (tức quận Sơn Trà ngày nay), hay ở đôi bờ đông, tây phà An Hải. Xe lam tại các điểm này thường chộn rộn từ lúc 4 giờ sáng để vận chuyển các bà, các chị buôn thúng bán bưng tỏa đi nhiều nơi cho kịp buổi chợ. Các chuyến xe lam ở phía quận Ba thường chở các rổ cá còn tươi rói vừa được đánh bắt mang vào và những gánh hoa, gánh rau xanh mướt còn đẫm sương đêm của các làng An Đồn, An Cư, Phước Mỹ, Mân Quang về bến Cây Đa, phà An Hải. Quang gánh, thúng mủng, cá tôm, rau quả được chuyển xuống phà sang phía quận Nhất (quận Hải Châu ngày nay), rồi lục tục chất lên các chiếc xe lam đã đợi sẵn từ khuya để tới chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Tam Giác và cả chợ Mới Ba Xã… Vào khoảng thời gian này, phà ngang sông Hàn chủ yếu là nơi trung chuyển người và hàng hóa của các chuyến xe lam đôi bờ tới các chợ. Những ai nhà ở các tuyến đường Ngô Quyền, Nguyễn Công Trứ (quận Ba); Bạch Đằng, Đống Đa, Ông Ích Khiêm, Trưng Nữ Vương, đường xuống bến cá Thuận Phước (quận Nhất) hồi ấy chắc khó quên tiếng động cơ của xe lam. Tiếng máy nổ quá lớn từ đặc trưng của dòng xe Lambreta, lại hoạt động vào khung giờ mọi người còn ngủ nên ai có say giấc đến mấy cũng phải choàng tỉnh mỗi khi có chuyến xe lam lướt qua.
3. Những chuyến xe lam oằn mình lầm lũi từ rất sớm trong bóng đêm hiu hắt ngày ấy chính là biểu tượng của sự cần mẫn, là những giọt mồ hôi, công sức thức khuya, dậy sớm của bao số phận từ lái xe đến hành khách, bởi đa số những người đi trên những chuyến xe ấy đều kiếm kế mưu sinh từ đôi bàn tay chai sần chân chính. Ngoài ra, xe lam còn chở khách có nhu cầu đi lại từ nơi này tới nơi khác. Những người chọn xe lam đều là tầng lớp bình dân; thỉnh thoảng cũng không thiếu từng nhóm các tà áo trắng rủ nhau lên xe, cười đùa rúc rích sau hồi trống tan trường. Rồi những chuyến xe lam đơn sơ, mộc mạc ấy cũng làm nảy nở và chở theo bao nhớ nhung, lưu luyến như lời bài hát “Chuyến xe lam chiều” của nhạc sĩ Vinh Sử: “Trên chuyến xe lam đông người chiều nao/ Xui mình không quen mà ngồi bên nhau/ Trời mang nhiều trớ trêu chi/ Người chưa hề quen biết gì/ Sao ngồi gần như tình si…”.
Những chuyến xe lam lúc nửa đêm hay hừng sáng không lãng mạn, xao xuyến như “Chuyến xe lam chiều” của Vinh Sử, song những chuyến xe của những tháng ngày đã qua sẽ còn mãi trong ký ức của bao người, dù phố phường Đà thành từ lâu đã vắng bóng xe lam.
THÁI MỸ