* Tôi biết có hai câu thơ lục bát thời xưa nói về nữ giới của Việt Nam, nhưng chỉ nhớ chính xác được mỗi câu lục “Phấn son tô điểm sơn hà”. Câu bát tiếp theo sau là gì? Hai câu thơ này ra đời trong trường nào và ảnh hưởng đối với xã hội nước ta ra sao? (Nguyễn Thị Mỹ, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng)
Chủ trương của Phụ nữ Tân văn được nêu ở trang đầu của tuần báo. (Ảnh tư liệu) |
- Đó là hai câu thơ “Phấn son tô điểm sơn hà/ Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam” được in dưới bức tranh có hình 3 phụ nữ Bắc, Trung, Nam liên tiếp xuất hiện trong nhiều năm trên tuần báo Phụ nữ Tân văn, thể hiện những đường hướng thích hợp với sự tiến bộ dân tộc: đoàn kết Nam - Trung - Bắc chống lại chính sách chia để trị của thực dân Pháp và giải phóng phụ nữ để canh tân xã hội.
Theo Wikipedia, Phụ nữ Tân văn (Hán Việt: 婦女新聞) là tờ báo phụ nữ tư nhân xuất bản tại Sài Gòn và có nhiều ảnh hưởng về văn hóa, xã hội ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Chủ trương của báo là đấu tranh cho nữ quyền, vận động mạnh mẽ cho việc học và viết chữ quốc ngữ, khuyến khích giới trẻ viết báo để rèn luyện văn quốc ngữ. Người sáng lập báo là bà Nguyễn Đức Nhuận (nhũ danh Cao Thị Khanh), chủ nhiệm báo là chồng bà, ông Nguyễn Đức Nhuận (bút danh Bút Trà).
Phụ nữ Tân văn số 1 xuất bản ngày thứ Năm, 2-5-1929, là tờ báo phụ nữ thứ hai ra đời sau tờ Nữ giới chung. Trang Văn nghệ Tiền Giang Online (vannghetiengiang.vn) cho biết, ngay từ số đầu tiên, tuần báo này đã kêu gọi “Ngay hôm nay, Phụ nữ Tân văn ra đời là non sông thêm một tay thợ điểm tô, xã hội thêm một người lo công việc, trên trường văn trận bút thêm một đội binh đàn bà, mà trong buồng khuê của chúng ta, cũng có một cơ quan để cùng nhau phấn đấu với đời...”.
Liên tiếp 14 số đầu, Phụ nữ Tân văn đã đăng những bài phỏng vấn các vị trí thức, học giả đương thời như cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Bá... Tất cả đều tán đồng chủ trương tiến bộ của tờ báo là cổ súy dân sinh dân chủ, bênh vực phụ nữ, đề cao luân lý giáo dục...
Viết cho Phụ nữ Tân văn có các nhà báo Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Vân Đài..., trong đó có cô Nguyễn Thị Kiêm (bút danh Manh Manh Nữ Sĩ, SN 1914 tại Gò Công), được cho là nhà thơ nữ tiên phong phong trào Thơ mới và là linh hồn của tờ báo. Bà nguyên là giáo viên, am tường nghệ thuật, thường đi khắp nơi diễn thuyết về các đề tài phụ nữ và thơ mới. Bà còn nổi tiếng với các phóng sự đề tài xã hội và các bài nghiên cứu.
Nhà báo Phan Khôi, trong bài “Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam” đăng trên báo Trung Lập, Sài Gòn, số 6397 ra ngày 21-3-1931 (bút danh Thông Reo), có nêu nhận định về tuần báo Phụ nữ Tân văn: “Nói cho phải thì có lẽ từ hồi có báo quốc ngữ đến nay, chưa tờ nào mà bóng vang đến xã hội một cách mạnh mẽ sâu xa như tờ Phụ nữ Tân văn ngày trước.
Phụ nữ chỉ sống trong làng báo có hơn một năm, thế mà bây giờ đây coi bộ cái chủ nghĩa của nó vẫn còn thấm tháp lưu truyền trong xã hội phụ nữ Việt Nam ta.
Chủ nghĩa Phụ nữ Tân văn là chủ nghĩa gì? - Tức là cái chủ nghĩa “Phấn son tô điểm sơn hà, làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”.
ĐNCT