Hai chữ “Tiêm chưa?” trở thành lời xã giao hot nhất hiện nay thì phải. Nhắn thăm nhau kiểu gì đầu tiên tôi cũng được hỏi: “Tiêm chưa?”. Và mọi người đều vui khi nghe tôi nói: Tiêm rồi! Dẫu sao trong giai đoạn vắc-xin phòng Covid-19 chưa thể được tiêm rộng rãi, việc người nhà, người thân của mình có một mũi hoặc đủ hai mũi đều là điều đáng mừng không chỉ cho bản thân người tiêm mà cho cả người quen của họ. Nhưng cũng có lúc sau câu “mừng hỉ”, lại có người nói thiệt là bản thân thấy “nóng ruột”, thậm chí “bực à nghen” vì chưa tới lượt mình.
Mang mấy câu chuyện sốt ruột này đi hỏi các cán bộ làm công tác tiêm chủng ở Đà Nẵng, phản ứng tôi nhận được là sự đồng cảm. “Virus không chừa người nào nên ai cũng có thể mắc bệnh, người dân nôn nóng được tiêm vắc-xin cũng là điều dễ hiểu. Đó là nhu cầu chính đáng”, một cán bộ y tế nói.
Anh chia sẻ thêm: Tất cả mọi người đều được tiêm là công bằng hoàn hảo nhất, nhưng điều đó quá lý tưởng so với thực tế. Trong tình hình vắc-xin đang được phân bổ theo thứ tự ưu tiên do nguồn cung còn hạn chế thì người tiêm rồi, người chưa tiêm thật ra lại là một dạng công bằng. Một khu vực, địa phương nóng dịch bệnh sẽ được ưu tiên mọi nguồn lực dập dịch, trong đó có vắc-xin. Một tỉnh, thành có dịch, các quận/huyện, phường/xã cũng được yêu cầu tiêm theo phương pháp cuốn chiếu, tập trung tạo “vùng xanh” chứ không thể làm tràn lan, đại trà.
Và những người có nguy cơ cao trong những người có nguy cơ thì được tiêm trước. Chuyện ưu ái này chẳng phải thiên vị cho bên nào mà là giải pháp công bằng dựa trên hoàn cảnh. Thương nhau trong dịch giã cũng thể hiện ở sự nhường nhịn này. Và đó còn là cách vì nhau nữa, bởi bớt điểm nóng, thêm nhiều người khỏe ở một bộ phận, một nơi nào đó, cộng đồng chung cũng khỏe theo.
Nói tới chuyện thương nhau, chợt nhớ hôm bữa bỗng dưng bà chị trong nhà chùng giọng kiểu tự sự sau khi lướt điện thoại coi mạng: “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tha thiết kêu gọi nhường vắc-xin cho Thành phố Hồ Chí Minh, thấy cảm động”. Bà chị chưa được tiêm và soi vô mười mấy nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định của Bộ Y tế, chị chắc còn đợi lâu, nhưng cái sự rưng rưng hôm ấy như một cách bày tỏ rằng, nếu phải chờ vì nhường thì cũng... không sao!
Mới đây, lại nghe cụ ông 70 tuổi nhận cuộc gọi của con trai ở Thành phố Hồ Chí Minh kể hai vợ chồng đã tiêm xong vắc-xin phòng Covid-19 và hỏi thăm ba tình hình tiêm chủng. Cụ bảo: “Ba đăng ký rồi mà chưa thấy gọi. Nhưng không răng đâu con, nhường trong đó tiêm trước”. Cụ nói ngắn gọn thôi, nhưng con cụ hiểu, ba tiêm hay con tiêm đều mừng, còn nếu phải nhường cho nơi có gia đình nhỏ của con đang căng mình chống dịch, ba thấy đáng mà…
Đà Nẵng những ngày này đang dần triển khai các hoạt động tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Mới chỉ thực hiện theo từng đợt do phụ thuộc số lượng vắc-xin phân bổ về nhưng đây đã là chiến dịch tiêm chủng bức thiết và quy mô nhất từ trước đến nay. Tính đến ngày 13-8, Đà Nẵng nhận tổng cộng 163.920 liều vắc-xin phòng Covid-19 (gồm Astra Zeneca: 119.250; Moderna: 33.600; Pfizer: 11.070 liều).
Việc lựa chọn đối tượng tiêm căn cứ theo quy định chung của Chính phủ và Bộ Y tế. So với con số khoảng 800.000 người cần tiêm chủng của toàn thành phố, trong đó có 300.000 người cần được tiêm trước, số lượng vắc-xin trên vẫn chưa thể gọi là lớn. Để công bằng trong việc phân bổ vắc-xin, ngành y tế thành phố đã đưa ra quy trình không có mũi nào nghiễm nhiên được tiêm mà chưa qua đăng ký trước.
Chẳng hạn một đơn vị thuộc nhóm ưu tiên có 30 người đi tiêm, nhưng 1 người đến nơi lại không thể tiêm vì vấn đề sức khỏe thì liều thuốc ấy sẽ được dành lại cho chính đơn vị đó. Trong trường hợp đơn vị này không còn người bổ sung thì phần thuốc dôi ra sẽ được báo cáo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, Sở Y tế và UBND thành phố… Kiểu vậy, không thể có chuyện “dư một liều dành cho người quen”. Kể cả những cán bộ, nhân viên y tế hiện nay cũng chưa có chế độ người nhà của họ được ưu tiên dù nguy cơ họ lây nhiễm cho gia đình không hề nhỏ.
Dự kiến Đà Nẵng sẽ tiêm đủ cho 95% dân số trưởng thành toàn thành phố (dân số trưởng thành là người từ 18 tuổi trở lên, lực lượng này ở Đà Nẵng khoảng 831.551 người). Với hệ thống tiêm chủng tốt của thành phố thể hiện qua tỷ lệ tiêm tất cả các loại vắc-xin chưa bao giờ đạt dưới 80%, con số này được cho là khả thi. Vấn đề còn lại là vắc-xin phòng Covid-19 về lúc nào, số lượng bao nhiêu mỗi đợt, mà điều này phải dựa vào tình hình chung của cả nước nữa.
Thôi thì trong bối cảnh này, nếu chưa được ưu tiên tiêm, hãy bình tĩnh, bởi chúng ta tin rằng mỗi liều thuốc đều được chắt chiu lựa chọn, không vì vài câu chuyện tiêu cực ở đâu đó mà sầu cả ruột. Còn nếu được tiêm, chúng ta hãy đón nhận sự may mắn,bởi cơ hội phòng bệnh đến sớm và còn vì một điều nhiều lúc mình không nhận ra, đó là ở cùng một điểm tiêm chủng, nhưng nếu việc của chúng ta là thong dong ngồi đợi thì đang có không ít những con người lặng lẽ làm gấp đôi sức lực của họ vì nhiệm vụ chung.
Bắt chuyện với một thiếu tá của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tại một điểm tiêm chủng phòng Covid-19, anh tâm sự từ ngày 3-5 đến nay chưa về thăm nhà dù nhà anh chỉ ở ngay quận Cẩm Lệ đây thôi. Làm công tác tiếp đón công dân về nước và đợt này được tăng cường giúp giữ trật tự ở khu vực tiêm chủng, anh phải gác lại nỗi lo cha mẹ già hơn 80 tuổi, 2 đứa con nhỏ, người vợ làm ăn xa do giãn cách đang không thể ở Đà Nẵng lúc này. Anh cũng đôi lần thầm nhớ những ngày thứ bảy, chủ nhật thảnh thơi để rồi nhủ lòng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chưa biết ngày về.
Thấy mình may mắn để không cáu gắt điểm tiêm này nóng nực, khâu này phải đợi hơi lâu, hay xúm tụm bất chấp quy định giãn cách… cũng là một cách ứng xử công bằng vậy.
CHÍCH BÔNG