Cuộc hẹn với tương lai

.

Nhiều hoa và quà gửi tặng Emma Raducanu để tỏ lòng ngưỡng mộ cô gái Anh đoạt chức quán quân Giải quần vợt Mỹ mở rộng nhưng có một thứ khiến cô gái 18 tuổi cảm kích đến không ngờ chính là thư chúc mừng của Nữ hoàng đến từ London. “Thật quý hóa! Có lẽ tôi sẽ trân trọng đóng khung và treo ở phòng riêng để mỗi ngày đọc thư như một lời nhắc nhở”, giọng Raducanu xúc động.

Emma Raducanu trở thành nhà vô địch Giải quần vợt Mỹ mở rộng 2021.  Ảnh: The Times
Emma Raducanu trở thành nhà vô địch Giải quần vợt Mỹ mở rộng 2021. Ảnh: The Times

Từ lúc lên ngôi ở Arthur Ashe bằng chiến thắng thuyết phục 2-0 trước Leylah Fernandez để trở thành tay vợt Anh đầu tiên giành Grand Slam sau 44 năm, Raducanu nhận ra nhịp sống riêng tư biến động cuốn mình theo. Nó lạ lẫm, dồn dập đến độ có lúc cô mơ được trở về với căn phòng thân quen rồi đóng chặt cửa để một mình nghiền ngẫm bao cảm xúc dâng trào. Cô muốn đọc lại từng dòng tin nhắn của bố gửi từ quê nhà, rưng rưng với từng lời âu yếm, rằng “Con đã chơi hay hơn cả điều bố hình dung”. Bố mẹ cô - thật đáng tiếc - đã không có mặt ở New York để chứng kiến hành trình thần tiên của cô con gái.

“18 tuổi, tôi hãy còn đôi cánh tự do để đi đây đó và tự mình định đoạt tương lai nên chẳng việc gì phải vội”, cô gái chợt nói thế khi ai đó hỏi liệu chiếc cúp kia có làm thay đổi hướng đi của mình. Trong thâm tâm, cô không muốn cuộc sống thường ngày vốn quen thuộc bị đảo lộn. Nhưng có khi đó chỉ là ước muốn thật thà của người vừa chạm tay vào cái đích danh giá. Bao nhiêu sức ép đang chờ phía trước với một nhân vật được ngợi ca và ví von như một Sharapova thứ hai, xuất hiện sau quãng dài chờ đợi.

Thông minh, nhạy bén và vững vàng, thiếu nữ 18 tuổi hiểu cô bắt đầu đối diện với bước ngoặt mới của sự nghiệp mà chỉ với việc đừng làm công chúng thất vọng đã là một đòi hỏi chính đáng mà mình phải vượt qua.

Cô hiểu mình đâu còn là cô bé Emma 12 tuổi năm nào giành ngôi quán quân khi tham gia Giải quốc tế Liverpool dành cho các tay vợt trẻ dưới 18 tuổi. Lần đó, với chủ trương hướng đến cuộc tranh tài làm nền tảng phát hiện tài năng trẻ, các nhà tổ chức đã ưu ái đặc cách cho cô dự giải vì theo quy định, giải đấu chỉ quy tụ các tay vợt từ 13 tuổi trở lên. Thật lạ kỳ, tay vợt nhỏ tuổi nhất ấy lại đánh bại lần lượt nhiều đối thủ hàng đầu để bước lên bục nhận danh hiệu đầu đời với dáng vẻ ngây ngô vụng về. Chính từ chiếc bục sơ sài dành cho giải đấu của tuổi thơ ấy, nhiều chuyên gia lão luyện hào hứng nhận ra bóng dáng nhiệt thành, lễ độ của ngôi sao tương lai.

Đúng 6 năm sau, ngôi sao xuất hiện, dịu dàng, đằm thắm mà mạnh mẽ và đầy tin cậy trên chiếc bục cao nhất ở Flushing Meadows. Ngôi sao ấy đi một mạch từ vòng loại đến thời khắc vinh quang của trận đấu cuối cùng sau cú giao bóng ăn điểm trực tiếp để kết thúc hành trình chinh phục US Open bằng 10 trận toàn thắng mà không đánh rơi một set nào. Vào lúc Andy Murray (nam) và Jo Konta (nữ) còn vướng bận với chấn thương, người Anh bây giờ háo hức trông chờ điều kỳ diệu đến từ Emma Raducanu, tay vợt từ thứ hạng 150 bước lên vị trí 23 sau lúc rời New York.

“Hãy mới mẻ và khỏe khoắn trước lúc bước vào sân” dường như là dặn dò của thiếu nữ này với chính mình - mới và khỏe về thể chất lẫn tinh thần. Ở US Open, cô thấy vui với cách đương đầu và ứng xử trước một đối thủ cũng giỏi giang, điêu luyện. Leylah Fernandez thì tự nhận mình thiếu may mắn, mắc nhiều lỗi không đáng có và rằng “mong sao hai đứa tôi lại gặp nhau ở các giải kế tiếp”.

Vậy là có một cuộc hẹn - cuộc hẹn giữa ít nhất hai người trẻ thấy mình cần có nhau để tiến về phía trước!

ĐÌNH XÊ

;
;
.
.
.
.
.