VÙNG XANH

Nới lỏng dần với "Thẻ xanh Covid"

.

“Thẻ xanh Covid” được xem là một hình thức công nhận cho người đã có miễn dịch để bảo vệ cơ thể trước SARS-CoV-2 nhờ đã tiêm vắc-xin hoặc mắc Covid-19 đã khỏi và hoàn thành thời gian cách ly. Phương pháp này có thể mang lại nhiều tác động tích cực đến đời sống người dân trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Theo các chuyên gia y tế, việc thực hiện áp dụng “Thẻ xanh Covid” cho phép các địa phương đã tiêm ngừa rộng rãi dần dần mở cửa trở lại, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội; khuyến khích người dân đồng thuận tiêm vắc-xin để có “thẻ xanh” nhằm thuận lợi hơn trong việc đi lại.

Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu áp dụng “Thẻ xanh Covid”. Điều kiện để có “Thẻ xanh Covid” là đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin (đối với loại vắc-xin phải tiêm 2 mũi) và ở thời điểm ít nhất 2 tuần sau tiêm hoặc đã mắc Covid-19 và có giấy công nhận. Tuy nhiên, người có “Thẻ xanh Covid” vẫn phải tuân thủ 5K và làm xét nghiệm định kỳ theo quy định của Bộ Y tế. Tần suất xét nghiệm tùy thuộc vào mức độ nguy cơ lây nhiễm của các lĩnh vực, ngành nghề mà người dân hoạt động.

Để tạo thuận lợi cho người dân khi cần khai báo đã tiêm vắc-xin, cùng với tích hợp kết quả xét nghiệm và khai báo y tế, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị chỉ dùng một thuật ngữ “Thẻ xanh Covid” và sẽ được tích hợp trên ứng dụng “Y tế HCM”. Trên ứng dụng này sẽ hiển thị rõ người dân đã tiêm 1 mũi hay đã tiêm 2 mũi vắc-xin. Các trường hợp tự làm xét nghiệm, tự cách ly tại nhà và được trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc tổ trưởng tổ dân phố, nhân dân hoặc các tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà do các trường đại học y khoa hoặc các tổ chức thiện nguyện đảm trách xác nhận là đúng thì được xem như đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà. Còn các trường hợp khác không được tổ chức hoặc cá nhân xác nhận thì cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để được cấp “Thẻ xanh Covid”.

Trên thực tế, việc phân loại theo màu này đã được tiến hành tại Trung Quốc từ năm ngoái. Những người mang mã QR màu xanh có thể đi lại mà không bị hạn chế, những người mang màu vàng có thể được yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày. Nhiều nước châu Âu như: Áo, Bỉ, Cộng hòa Cyprus, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha...) sử dụng các cơ chế tương tự cho việc đi lại xuyên biên giới.

Tuy nhiên, mô hình này cũng gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Đó là dữ liệu tiêm chủng của người dân hiện vẫn chưa được lưu đầy đủ, vẫn còn nhiều người đã tiêm vắc-xin nhưng chưa được đồng bộ hóa trên hệ thống quản lý điện tử. Bên cạnh đó, việc áp dụng “Thẻ xanh Covid” nếu triển khai không hợp lý sẽ làm nảy sinh tình trạng lạm quyền, làm khó người dân, phát sinh thêm nhiều thủ tục rườm rà, tạo thêm cơ chế xin - cho, chạy chọt mới. Bên cạnh đó, người có “Thẻ xanh Covid” không đồng nghĩa với xác nhận cá nhân sẽ không lây nhiễm virus cho người khác, dễ gây tâm lý chủ quan trong công tác phòng ngừa Covid-19.

Mục tiêu của công tác phòng, chống Covid-19 hiện nay là sẽ bao phủ vắc-xin tối đa để đạt miễn dịch cộng đồng hoặc luôn kiểm soát được số ca nhập viện trong khả năng năng lực của hệ thống y tế. Việc thực hiện áp dụng “Thẻ xanh Covid” chỉ có hiệu quả ngắn hạn trong lúc chưa bao phủ đủ rộng vắc-xin trong cộng đồng. Do đó, các địa phương cần thảo luận kỹ trước khi triển khai nhân rộng, để phát huy hiệu quả về lâu dài, tránh lãng phí công sức, thời gian và tiền của trong việc hoàn thiện dữ liệu cho việc áp dụng mô hình này.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.