Góc nhớ

Mơ một tiếng gà

.

Em thức dậy sau một giấc mơ. Tiếng gà nhảy ổ như rơi ra khỏi chiêm bao, rải đầy góc phòng lóng lánh những vụn nắng hanh vàng. Nhắm mắt lại, em thấy mình như đang trôi trên những vạt đồi vi vút lá dương, những quãng đồng thênh thang bên đầm nước ngăn ngắt xanh, miền quê xứ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Xóm trọ mùa này vắng những lao xao. Chỉ có gió là không giãn cách, vô tư vờn đùa trong những bụi dừa nước um tùm, mấp mé dọc dòng kênh nhỏ. Một dòng kênh tím nao nao lục bình, bẽn lẽn uốn mình ngang qua thành phố, nhìn cứ ngỡ như góc quê quen thuộc.

Xóm trọ đa phần là công nhân, những con người bứt mình ra khỏi chốn quê nghèo để tìm đường vào phố. Một buổi chiều Sài Gòn, già trẻ xôn xao vì loài virus đã âm thầm tràn đến xóm trọ. Lúc hay tin tờ danh sách F0 có tên mình, người đầu tiên em nhớ tới là má. Trong khoảnh khắc dáng má vò võ một mình hiện ra trước mắt, giữa những ngổn ngang, em chợt bâng quơ nghĩ ngày mai, nếu như em không còn được thức dậy… Tiếng tí tách ngoài mái hiên mang em ra khỏi vùng ý nghĩ ngột ngạt, em vội vàng xóa hết vào cơn mưa đầu mùa vừa ghé qua.

Những ngày tự điều trị và cách ly, em bỗng thèm nghe một tiếng gà quê kiểng. Em nhớ tiếng gà trống ung dung vỗ cánh, giương cổ cất cao giọng gáy vang ngân. Cả tiếng gà mái khi vừa đẻ trứng, cục tác xôn xao buổi trưa hè. Em thèm được tiếng gà đánh thức vào mỗi sớm mai, để xốn xang biết mình có thêm một ngày trái tim được yêu thương, và hơi thở còn đượm nồng hy vọng. Như những tinh mơ em từng đi qua, khi tiếng gà lảnh lót vén lớp sương mù, gọi em thức dậy cùng má ra bến cá. Gió từ phía biển gặp cơn mưa về sáng, hun hút tràn qua áo em những làn hơi se sắt lạnh.

Mưa rơi lướt thướt, đường đất lầy lội dưới chân, đôi gióng lấm vảy cá chênh chao cùng dáng đi tất tả của má. Gánh cá theo má rong ruổi đường xa ngõ gần, tiếng gà trễ nải đâu đó sau những ngôi nhà còn mơ màng khép cửa. Mùa mưa về, kẽ chân của má nứt nẻ, loang lổ vết bong tróc giấu cùng tiếng thở dài thật khẽ trong đêm.

Nhưng mùa này, ngay giữa lòng thành phố, đến tiếng người cũng trở nên thưa vắng, em biết tìm đâu một tiếng gà?

Ngày đầu tiên, mở nắp hũ mắm, em không còn nhận ra mùi thơm đậm đà vốn dĩ, mớ cá khô kho quẹt sao lợt lạt lạ lùng. Nhận ra sự hiện hữu của loài virus ấy trong em đang rõ dần, em tần ngần cố nhớ những mùi vị quê xứ đã ngấm vào em từ thuở lọt lòng. Đặt mình nằm xuống giữa những chòng chành khác lạ, nhận ra mùi biển từ ký ức như vẫn tan vào từng hơi thở, và vị gió nam mặn mòi ướp vào tóc má ngày nào như còn đẫm nơi đầu lưỡi của em. Cả mùi khói lá dương ẩm mục mùa mưa cũng mơ hồ dậy lên trong tiềm thức. Cái mùi nồng nồng khó tả ám vào góc bếp chất chồng tháng năm của má, khêu lại trong em nỗi ấm áp vô ngần.

Làm sao em biết được có một ngày, lòng khao khát được nghe những huyên náo thường nhật đến thế. Hồi tưởng những hoàng hôn chưa xa, em đã bỏ mặc biết bao xao động quanh mình. Những thanh âm từ xe hủ tiếu gõ của đôi vợ chồng già cuối hẻm, từ đàn em thơ tan học ríu rít, người chị đồng hương quày quả đi chợ về… Em tự hỏi mình làm gì giữa những lúc ấy. Mải mê lướt trên màn hình điện thoại mà chẳng biết lòng chờ đợi điều chi, hay mỏi mệt chuẩn bị vào ca tối? Có trễ không khi đến bây giờ em mới thấm thía nỗi cô đơn của má. Hình dung những chiều tàn má loay hoay một mình với bầy gà, vườn rau, đôi dép em để lại nơi góc nhà đã đóng bụi, mâm cơm chỉ có má với tiếng cuốc kêu thắt thẻo. Em nhận ra mình bỏ lỡ quá nhiều. Và nước mắt đôi khi bắt đầu từ những lặng im.

Em gọi cho má trong chiều le lói nắng. Giữa những hồi chuông kéo dài, em tự dặn lòng về những chuyện không nên kể, trước khi nghe giọng má phía bên kia. Mùa này, mình đã không lo được cho má, sao đành để má phải lo cho mình. Chỉ là em thấy nhớ giọng nói nhỏ nhẹ như tiếng lau sậy mùa gió lộng của má. Và biết đâu, buổi chiều quê ở đầu bên kia cuộc gọi sẽ vang lên tiếng gà thân thuộc, lao xao giữa những lời má tỉ tê.

Tiếng gà mở ra trong em một ngày về…

TRẦN VĂN THIÊN

;
;
.
.
.
.
.