Nỗi niềm trên không gian ảo - một chút sẻ chia

.

Những ngày dịch bệnh hoành hành, nhà nhà đóng cửa im lìm thực hiện giãn cách toàn xã hội, chiếc điện thoại thông minh đã trở thành… bạn thân của bao người. Mở mắt là lướt mạng xem có thông tin gì mới không. Cứ thế, suốt ngày mê mải nghe ngóng, “còm” rồi “like”... Cảm giác nối kết sống động với không gian bên ngoài, chưa bao giờ trở nên thú vị và hữu ích đến thế với chúng tôi.

Nhưng cũng nhờ mấy tháng ở nhà trải nghiệm nhiều hơn với không gian mạng xã hội, tôi đã mơ hồ nhận ra những oái oăm, vô lý đến khó hiểu trong cách giao tiếp, ứng xử của người dùng. Các biểu tượng nút “like”, thả tim, phẫn nộ hay ngạc nhiên, buồn hình như không đủ dung chứa và truyền tải hết những xúc cảm phức tạp mà con người mang lại cho nhau qua không gian mạng. Kết nối ảo, nhưng cảm xúc thực. Vì vậy, những dư vị để lại sau mỗi nút bấm tương tác hoặc sau câu “còm” cũng thật đáng suy ngẫm.

Chị bạn tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong suốt mấy tháng phải ở nhà vì dịch bệnh bỗng có thói quen mới - đăng bài lên trang cá nhân đều đặn mỗi ngày. Khi thì tấm ảnh chị đi du lịch  mấy năm trước, video tập thể dục với chia sẻ về mong muốn cân bằng năng lượng tích cực, lúc livestream cảnh ăn trưa với một bữa ngon hiếm hoi nhờ mấy bó rau xanh được hỗ trợ từ hội từ thiện… Chị cũng tương tác rất nhiệt tình với mỗi phần bình luận khen, hỏi thăm, chia vui, chúc mừng của bạn bè. Tôi vui vì biết bạn mình vẫn bình an.

Cách đây chừng nửa tháng, trang cá nhân của chị bỗng im ắng hẳn. Nóng ruột, gọi điện hỏi thăm, nghe giọng chị chùng xuống: “Chị thấy phức tạp quá nên không chơi facebook nữa”. “Phức tạp” vì chị phải nghe hàng xóm nhỏ to chuyện mình “khoe” nhà đẹp con ngoan, dáng xinh da sáng, “khoe” những bữa ăn ngon khi ngoài phố còn bao người chật vật với miếng cơm mỗi bữa. “Phức tạp” vì một vài người bạn thân bỗng dưng xa cách, thi thoảng nói xa nói gần về sự “sung sướng” của chị… Lần trò chuyện đó, tôi chẳng còn được nghe nụ cười sảng khoái vốn được xem là “thương hiệu” của chị nữa!

Thật kỳ khôi! Giao tiếp gián tiếp trên không gian ảo đang tác động mạnh mẽ đến các mối quan hệ xã hội trực tiếp của chúng ta. Nếu nó chỉ là những tác động nhân văn tích cực, vun xới niềm vui, lan tỏa tình yêu, nối dài sẻ chia, thật đáng quý đến nhường nào! Mạng xã hội và quan điểm, văn hóa sử dụng mạng xã hội của người Việt còn đọng lại bao nhiêu trăn trở.

Câu chuyện sử dụng facebook của chị bạn tôi không phải là trường hợp cá biệt. Tôi từng đọc được thông tin về một công trình nghiên cứu của người Đức, “Envy on facebook: A Hidden Threat  to Users’ Life Satisfaction” (Sự ghen tị trên facebook: mối đe dọa tiềm ẩn tới sự hài lòng với cuộc sống). Theo đó, cứ ba người tham gia khảo sát thì có một người cảm thấy chán, thất vọng sau khi truy cập facebook bởi họ dễ rơi vào cảm giác ghen tị khi mở bảng tin ra chỉ thấy hình ảnh bạn mình bên những món ăn ngon, được chồng cưng chiều, được check - in nhiều địa điểm du lịch…

Căn nguyên của nỗi ganh tị không lời là sự khống chế của cảm thức so sánh: tại sao mình không được như người ta, mình chẳng được ai quan tâm, công việc của mình thật chán… Họ đã quên mất một điều gần như tất yếu, hầu như mọi người đều có xu hướng lựa chọn những gì đẹp nhất trong cuộc sống cá nhân để chia sẻ trên mạng xã hội!

Trên hành trình nhiều ngã rẽ của cuộc sống, khi khát vọng khẳng định bản thân và mong muốn chính đáng được tận hưởng hạnh phúc luôn trú ẩn thật hợp lý trong mỗi người, tôi nghĩ, biểu hiện tâm lý như vậy ở người dùng facebook nói riêng, mạng xã hội nói chung, cũng là điều dễ hiểu!

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, là góc nhìn của người sử dụng mạng xã hội. Nhận thức về mục đích, quan điểm sử dụng, bản lĩnh mỗi người trên không gian ảo… là những yếu tố cần thiết tạo nên tâm lý thoải mái của mỗi người, nền tảng bồi đắp văn hóa ứng xử mạng xã hội.

Khi thấy ai đó không “like” trạng thái hay hình ảnh của mình, hãy nghĩ đơn giản rằng họ đang bận, hoặc họ ít truy cập nên không kịp thời chia sẻ. Khi thấy bạn bè đăng những khoảnh khắc hạnh phúc, nếu được, hãy nhẹ nhàng bấm biểu tượng trái tim chia vui, rồi lặng lẽ quay trở về thực tại… kiếm tìm và tận hưởng hạnh phúc có thật của mình. Là vì ta đang sống bằng xương bằng thịt! Không gian số có lung linh đến mấy, chắc chắn cũng không sống động bằng xúc cảm, trải nghiệm, quan hệ thực của chúng ta trong cuộc đời hữu hạn này.

TRẦN THỊ HỒNG VÂN

;
;
.
.
.
.
.