Kể từ khi vở kịch “Chén thuốc độc” được ra mắt công chúng tại Nhà hát Lớn Hà Nội cách đây đúng 100 năm, kịch Việt Nam đã chuyên nghiệp, bác học, hoàn thiện, hiện đại, nhưng cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Làm gì để xứng đáng với lịch sử 100 năm, đó là điều những người làm sân khấu kịch nói hôm nay trăn trở.
Cảnh trong vở “Chén thuốc độc” (tác giả Vũ Đình Long, đạo diễn Bùi Như Lai). (Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam cung cấp) |
Hoạt động đáng chú ý nhất ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát là chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021). Theo đó, từ ngày 21 đến 27-10, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong khuôn khổ hoạt động, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam công diễn vở “Chén thuốc độc” (tác giả: Vũ Đình Long, đạo diễn: Bùi Như Lai); Nhà hát Kịch Việt Nam với vở “Người tốt nhà số 5” (tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn NSƯT Tạ Minh Tuấn); Nhà hát Tuổi trẻ vở “Ai là thủ phạm” (tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn: NSƯT Chí Trung); Sân khấu Lucteam vở “Bạch đàn liễu” (tác giả: Xuân Trình, đạo diễn: NSƯT Trần Lực); Nhà hát kịch Hà Nội vở “Phải có ba đồng” (tác giả: Bùi Vũ Minh; đạo diễn: NSND Lê Hùng).
Đáng chú ý, trong khuôn khổ tuần lễ kỷ niệm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”.
Một thời vang bóng
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, kịch nói Việt Nam hình thành từ sự kết hợp giữa sân khấu truyền thống và sân khấu phương Tây từ Pháp du nhập vào nước ta cách đây đúng 100 năm và trải qua nhiều bước thăng trầm. Nửa đầu thế kỷ XX, kịch nói tồn tại với sự tài tử, nghiệp dư ở mọi phương diện như: Kịch bản, dàn dựng, diễn xuất, thưởng thức.
Sự tài tử này chỉ chấm dứt sau năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt tay ngay vào việc chuyên nghiệp hóa thể loại kịch Việt Nam, cử người đi học để được đào tạo chính quy. Sân khấu Việt Nam hiện đại vì thế trở thành nền sân khấu được chuyên nghiệp hóa. Những năm 1970-1980, loại hình này phát triển hoàng kim với nhiều tác phẩm sáng giá, thu hút khán giả, sân khấu sáng đèn hằng đêm, người xem chật kín rạp.
Thời hoàng kim của sân khấu kịch nói có thể nhắc tới là khi xuất hiện những kịch tác gia tên tuổi như Lưu Quang Vũ, Xuân Trình; đạo diễn Thế Lữ, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng...
Trong khi đó, PGS.TS Trần Trí Trắc nhấn mạnh: “Nghệ thuật kịch Việt Nam, 100 năm đã qua, đã trưởng thành từ không đến có, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, từ thô sơ đến hiện đại, từ tài tử chơi vui đến “soi đường cho quốc dân đi”, “phò chính trừ tà”. Nó sinh ra bằng tiếp biến văn hóa với phương Tây và thành “chiến sĩ cách mạng”, gắn với con người làm nên lịch sử Việt Nam hiện đại và gắn kết với sân khấu truyền thống một cách sâu đậm, mang hồn cốt dân tộc Việt Nam”.
Kịch bản và đạo diễn: Vẫn yếu và thiếu
Trải qua một thế kỷ hình thành và phát triển, nền sân khấu kịch nói Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, tạo dấu ấn trong lòng công chúng, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, thẩm mỹ, nhân cách người Việt Nam. Nghệ thuật kịch Việt Nam đã phát triển thành nền kịch chuyên nghiệp, hoàn thiện, hiện đại, hữu ích, có tính dân tộc, khoa học và đại chúng; có sự phong phú về đề tài, chủ đề, thể tài với nhiều hình thái sinh động như: Sân khấu lớn, sân khấu nhỏ, sân khấu Nhà nước, sân khấu xã hội hóa…
Tuy nhiên, ở thời kỳ này, ngay từ khi chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, sân khấu kịch nói Việt Nam đã đứng trước những khó khăn và thách thức. Đó là sân khấu kịch phải cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật khác, và ngày càng thưa vắng khán giả.
Lý giải vì sao sân khấu kịch nói hôm nay không còn hấp dẫn như những giai đoạn huy hoàng trước đây, NSƯT Trần Lực cho rằng, không nên đổ lỗi cho khán giả, vì khán giả vẫn còn yêu sân khấu. “Vấn đề là sản phẩm của chúng ta thế nào và chúng ta có hiểu được khán giả đang muốn gì? Tôi cho rằng sân khấu kịch lạc hậu, tụt dốc là do nhận thức về sáng tạo của nghệ sĩ”, nghệ sĩ Trần Lực tâm sự.
“Với nghệ thuật, dấu ấn sáng tạo cá nhân là vô cùng quan trọng, nhưng lại chính là điều chúng ta đang thiếu. Chưa kể, từ tác giả cho tới người quản lý các đơn vị nghệ thuật cũng đang tự tạo ra ranh giới và tự kiểm duyệt cho mình bằng cách né tránh những đề tài thời sự được cho là nhạy cảm”, nghệ sĩ Trần Lực nói thêm.
Một số đạo diễn, người làm sân khấu kịch thẳng thắn chỉ ra, sân khấu kịch nói đang “thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay”. Nói cách khác, sân khấu kịch đang vắng những tác giả kịch bản xuất sắc. Đây là mấu chốt, vì đạo diễn dẫu có tài năng cũng khó xoay xở khi thiếu kịch bản tốt. NSND, đạo diễn Trần Minh Ngọc nhấn mạnh: Kịch nói đang thiếu những dấu ấn và phong cách sáng tạo riêng, thiếu tính đối thoại, phản biện từ cuộc sống.
“Giải pháp chính vẫn là kịch bản và đạo diễn. Kịch hôm nay không thể nói những điều công chúng đã biết”, NSND Trần Minh Ngọc nói, đồng thời dẫn chứng, chẳng hạn như việc ca ngợi, tôn vinh lực lượng tuyến đầu cực khổ, vất vả thì người dân đều biết, đều cảm nhận qua báo chí, truyền hình mỗi ngày. Thay vào đó, sân khấu phải chạm đến góc khuất của những tấm gương hy sinh vì cộng đồng và dự báo một cuộc sống trong điều kiện bình thường mới người dân phải thích ứng như thế nào.
Thiếu những cá nhân xuất chúng cũng khiến sân khấu kịch nói không đủ sức hút để kéo khán giả đến rạp. Đơn cử như đợt kỷ niệm 100 năm này, kịch bản “Chén thuốc độc” của nhà viết kịch Vũ Đình Long (1896 -1960) được ví là “cột cây số 1 trên chặng đường lịch sử kịch nói Việt Nam” đã được các đạo diễn, biên tập, họa sĩ, diễn viên đương đại dựng lại nhưng không đáp ứng được kỳ vọng của công chúng lẫn rất nhiều người am hiểu sân khấu kịch. Điều đó phần nào nói lên một “lỗ hổng” của sân khấu kịch đương đại, mà nếu không sớm lấp đầy, sẽ rất khó để xứng đáng tiếp nối với bề dày trăm năm mà nhiều thế hệ đã góp công xây dựng.
PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng, cần có sự phối hợp giữa Bộ VH,TT&DL với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có kế hoạch đào tạo khán giả tiềm năng; đào tạo tác giả, mở trại sáng tác theo hình thức mới hiệu quả hơn; đẩy mạnh giao lưu sân khấu quốc tế, nhất là với các nước theo cơ chế thị trường để học tập, rút kinh nghiệm; đào tạo đạo diễn, diễn viên ở các nước có nền nghệ thuật sân khấu tiên tiến; xây dựng cơ chế đặc thù cho nghệ thuật sân khấu nói chung, kịch nói nói riêng…
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, thời gian tới, sân khấu kịch nói nói riêng và sân khấu nói chung phải chú trọng áp dụng những kỹ thuật mới không chỉ về công nghệ ánh sáng, âm thanh mà còn là cách thức tiếp cận, dàn dựng để có những tác phẩm mang hơi thở thời đại.
Công tác hợp tác quốc tế, phối hợp các đơn vị nghệ thuật nước ngoài cần được đẩy mạnh để tạo cơ hội cọ xát, giao lưu và học hỏi những điểm mới, hoàn thiện hơn kỹ năng sáng tạo nghệ thuật; tăng cường xã hội hóa sân khấu để tập trung được nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí nhằm đầu tư các tác phẩm sân khấu chất lượng.
THƯ HOÀNG