Ngồi lựa từng chiếc chén, đĩa có họa tiết viền xanh nằm rải rác trong kho đồ cũ của cửa hàng ACB (địa chỉ 212C Lê Trọng Tấn, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ), chị Huỳnh Thị Ngọc D. cho biết, mình và người bạn dự định mở quán cơm gia đình, nên rủ nhau đến tiệm đồ cũ tìm kiếm vật dụng kinh doanh phù hợp.
Người dân đến mua sắm đồ cũ tại cửa hàng Hunter (đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu). Ảnh: H.L |
Cùng với ý tưởng “ôn cố tri tân”, tái hiện không gian bữa cơm gia đình Việt thập niên 50-60 của thế kỷ trước, chị Ngọc D. đang tìm kiếm chén, đĩa cũ sản xuất tại Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương). Những món đồ này thường được tìm thấy tại các tiệm đồ cũ, với giá rẻ hơn từ 40-60% so với mặt hàng mới bày bán trên thị trường.
1. Không thật rành về mặt hàng gốm sứ nên sau khi quyết định phong cách kinh doanh cho quán, chị Ngọc D. lên mạng tìm hiểu sản phẩm chén, đĩa viền xanh có nguồn gốc từ Lái Thiêu. Đây là những mẫu gốm trang trí hoa văn thủ công, sản xuất theo hình thức rót khuôn, nước men bóng, ngả vàng, phảng phất sự mộc mạc, đơn sơ, có giá trung bình khoảng 15.000 đồng/sản phẩm. Trong khi đó, ở điểm bán đồ cũ, những mẫu chén, đĩa tương tự có giá 7.000-9.000 đồng nên chị Ngọc D. quyết định chọn mua đồ cũ để tiết kiệm chi phí.
Sau nửa buổi lựa chọn tại cửa hàng ACB, chị Ngọc D. tìm được 74 chén, 50 đĩa, nồi nấu cơm cỡ lớn, chậu bồn rửa, giá, kệ úp… có giá gần 4 triệu đồng. Đó là cách chị tiết kiệm chi phí đầu tư kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn. Theo chị D., hiện có khá nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê thanh lý chén, đĩa, vật dụng làm bếp, là thời điểm phù hợp để người muốn kinh doanh như chị tìm được nguồn hàng chất lượng, giá rẻ.
“Không phải mặt hàng mới nên chúng tôi lựa chọn rất kỹ, bảo đảm không sứt mẻ và còn sử dụng tốt”, chị Ngọc D. nói.
Cũng tại cửa hàng đồ cũ ACB, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiền (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) xáo tới, xáo lui để lựa chọn vài món đồ. Thấy sản phẩm nào vừa ý, ông gom bỏ riêng một góc, sau đó lọc lại lần nữa mới quyết định mua.
Ông Hiền cho hay, thời gian tới con gái ông dự định mở quán ăn vỉa hè nên ông đến đây mua vài bộ đồ nấu lẩu, bếp ga mini giá thanh lý. “Các vật dụng làm bếp bán ở đây khá to, cồng kềnh, không phù hợp không gian quán ăn vỉa hè nên tôi tới lui ba bốn bận mới mua được vài bộ”, ông Hiền chia sẻ.
Quan niệm “cũ người, mới ta” giúp các cửa hàng kinh doanh đồ cũ làm ăn khấm khá. Anh Đình Long, quản lý cửa hàng đồ cũ ACB cho biết, cửa hàng thu mua tất cả bàn ghế nhà hàng, cà phê, đồ nội thất, gia dụng, điện tử, điện lạnh, văn phòng, kho xưởng, đồ cổ… Đồ cũ sau thu mua được cửa hàng làm sạch, tân trang, đánh bóng trước khi đến tay người chủ mới. Anh Long cho hay, ngày càng có nhiều khách hàng chọn mua đồ dùng đã qua sử dụng sau khi cân nhắc các yếu tố: đẹp, bền, rẻ, phù hợp.
Đặc biệt, những bạn trẻ có xu hướng thiết kế cửa hàng phong cách hoài cổ càng ra sức tìm kiếm những món đồ cũ kỹ. Ngoài ra, một số thiết bị gia đình như bếp nướng, tủ đông, lò vi sóng, máy hút bụi, tủ lạnh, bàn, ghế… cũng được nhiều khách hàng chọn mua.
2. Hơn 60 năm, các cửa hàng đồ cũ nằm rải rác trên tuyến đường Triệu Nữ Vương, Mạc Đỉnh Chi, Tăng Bạt Hổ, Đoàn Thị Điểm (quận Hải Châu) - nơi được ví là khu chợ trời của người dân Đà Nẵng - bày bán không thiếu thứ gì, từ cây đinh, ốc vít, bồn rửa tay, máy quạt, máy nổ, gương chiếu hậu, mũ bảo hiểm, máy xay sinh tố, vòi nước đến nồi cơm điện, chảo, bếp ga… Tất cả đều là hàng cũ, được chủ cửa hàng thu mua từ các tỉnh, thành trong cả nước.
Dựng xe máy sát vào vỉa hè, ông Nguyễn Văn Việt (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) rảo bước vào cửa hàng điện tử nằm ở địa chỉ 49 Đoàn Thị Điểm hỏi mua máy xay sinh tố. Người đàn ông trung niên, trang phục giản dị, nói với ông chủ: “Ông có loại máy sinh tố nào còn tốt, giá rẻ không? Tôi mua cho con gái, nó mới sinh, cần bồi bổ chút. Nếu có ông giúp tôi lựa cái tốt tốt, nhớ là còn mới chút nghe”.
Ông chủ cửa hàng mỉm cười, nhanh chân đi về cuối dãy kệ, mang ra chiếc máy xay sinh tố màu đỏ, hiệu Toshiba (Nhật), nói: “May cho ông, vừa rồi có người tới gửi bán máy này, giá 600.000 đồng thôi, giá thị trường gần 2 triệu lận. Máy còn mới, mua thì tôi bảo hành cho ông 3 tháng, có vấn đề gì cứ mang ra đây, tôi sửa miễn phí cho”. Thấy máy đẹp, được giá, ông Việt gật đầu đồng ý.
Gắn bó với cửa hàng sửa chữa điện tại địa chỉ 49 Đoàn Thị Điểm hơn 30 năm, ông Nguyễn Anh Vũ nhẩm tính mình có chừng 50 “khách hàng ruột”. Từ nghề chính sửa chữa đồ điện tử, ông Vũ hợp đồng thêm với một số người thu mua đồ cũ, đồ thanh lý rồi về sửa chữa, bán lại cho ai có nhu cầu. Dần dà, cửa hàng của ông có đủ sản phẩm như lò vi sóng, máy sấy tóc, nồi cơm điện, quạt điện, máy xay sinh tố… Với mỗi sản phẩm bán ra, dù giá thành từ vài chục hay vài trăm, đều được ông Vũ tỉ mỉ viết giấy bảo hành trong thời gian 3 tháng. “Bán đồ cũ nên mình cần có trách nhiệm với hàng hóa bán ra để người dân yên tâm mua sắm”, ông Vũ chia sẻ.
Khu vực chợ trời tập trung khá nhiều điểm chuyên sửa chữa quần áo cũ. Chị Trần Thị Hồng, sửa quần áo gần góc đường Triệu Nữ Vương - Đoàn Thị Điểm cho biết, chị làm nghề này ngót ngét 10 năm, khách chủ yếu là người mua đồ ở chợ trời, sẵn tiện ghé vào quán chị nhờ chỉnh dây kéo hay nối lại vài đường may… Sau mỗi lần chỉnh sửa, khách trả cho chị từ 15.000-20.000 đồng.
Trong lúc tay thoăn thoắt chỉnh lại dây kéo cho cái áo khoác da màu đen, chị Hồng vui vẻ nói: “Nếu không có người mua đồ cũ chắc tụi tôi thất nghiệp chứ chẳng chơi. Mà đồ cũ hay lắm, có nhiều cái độc, lạ, không trùng lắp mẫu mã, kiểu dáng nên được nhiều người chọn mua, nhờ đó bọn tôi cũng có việc đều”.
Nhân viên cửa hàng đồ cũ Thiên Tiến (đường Nguyễn Khoa Chiêm, quận Cẩm Lệ) vận chuyển hàng hóa cho khách. Ảnh: H.L |
3. Phong trào trao đổi, thanh lý đồ cũ thông qua mạng xã hội facebook, zalo trở nên phổ biến vài năm qua. Nguyễn Thị Thanh Nga, sinh viên năm 3, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho hay mình là thành viên của các diễn đàn mua, bán đồ cũ trên mạng xã hội, như fanpage “Thanh lý đồ Hằng Xù mới và cũ”, “Hội thanh lý đồ mẹ và bé Đà Nẵng”, “Hội thanh lý bàn ghế và đồ dùng gia đình Đà Nẵng”… Mỗi diễn đàn hàng chục ngàn thành viên, mỗi giờ, mỗi ngày đều có thông tin mặt hàng cũ được rao bán với giá thấp hơn giá thị trường từ 40-70%.
“Nhờ thường xuyên vào các trang thanh lý đồ cũ để tham khảo, mua sắm nên dù đang đi học, tôi vẫn sắm sửa được các vật dụng nhà bếp cơ bản như tủ lạnh, máy giặt, máy xay sinh tố, lò nướng với giá khá rẻ”, Nga khẳng định.
Nga nói rằng, việc lựa mua đồ cũ giúp cô tiết kiệm chi phí, cũng như bảo đảm nhu cầu sử dụng cá nhân. Đơn cử, nhờ chiếc lò nướng mua tại “Hội thanh lý bàn ghế và đồ dùng gia đình Đà Nẵng” mà trong thời gian bị kẹt lại Đà Nẵng do Covid-19, Nga đã lên mạng mày mò, học hỏi kinh nghiệm làm bánh và chế biến được vài món bánh nướng thơm ngon. “Mình và cô bạn cùng phòng đã có thể làm được bánh sinh nhật, điều này khá thú vị, bởi sau này sinh nhật người nào thân quý, mình sẽ tự tin vào bếp làm bánh kem tặng họ”, Nga nói.
Có thể nói “săn” đồ cũ không còn là trào lưu mới. Tuy nhiên, người cẩn thận chỉ chọn mua đồ cũ sau khi tận mắt cầm, sờ, cảm nhận hoặc dùng thử, nhất là với mặt hàng điện tử, điện lạnh để tránh mua phải hàng hư hỏng, lỗi phần mềm hay hàng quá date (quá hạn sử dụng). Bởi, bên cạnh tính chất thuận mua, vừa bán, phần lớn mặt hàng cũ không được bảo hành nên khi mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng không biết kêu ai. Nhiều ý kiến cho rằng, các mặt hàng cũ chỉ thật sự rẻ với người sành mua, biết thẩm định giá và rành về máy móc, điện tử, còn với khách “cỡi ngựa xem hoa” sẽ rất dễ bị “hớ” hoặc mua phải hàng kém chất lượng, hỏng hóc hoặc không bền.
TIỂU YẾN