Với phương châm “Mua của người chán, bán cho người cần”, các cửa hàng đồ cũ là nơi trung gian nhận đồ đã qua sử dụng, không còn giá trị với nhiều người để tu bổ, sửa chữa và mang đến đồ cũ còn giá trị sử dụng cho người cần hơn.
Anh Trần Đại Nghĩa tư vấn đồ cũ cho khách mua hàng. Ảnh: THANH TÌNH |
Ngày cuối tuần, dạo một vòng khu cửa hàng Thế giới đồ cũ Đà Nẵng tại 349 Hồ Hán Thương (quận Sơn Trà) do anh Trần Đại Nghĩa (39 tuổi) làm chủ, mặc dù thời tiết mưa nhẹ nhưng trong khuôn viên 3 tầng chất kín đồ với diện tích hơn 1.200m2, lượng khách đến tham quan, mua sắm khá đông. Theo anh Nghĩa, cửa hàng anh chuyên thu mua hàng thanh lý của các công ty, nhà hàng, quán ăn, khách sạn, đồ dùng nội thất gia đình không dùng hoặc giải thể để bán lại cho những người cần mở tiệm cà phê, trà sữa, văn phòng…
Bén duyên đồ cũ
Gần 11 năm trước, anh Trần Đại Nghĩa biết đến nghề này thông qua những lần lội chợ đồ cũ mua máy tính, điện thoại cũ khi đang xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Thấy đồ cũ nhưng còn sử dụng tốt anh Nghĩa nghĩ đến việc kinh doanh mặt hàng này. Năm 2010, khi hết hạn xuất khẩu lao động trở về Đà Nẵng, anh Nghĩa lấy số vốn dành dụm mua đất, mở một cửa hàng đồ cũ nhỏ tại quận Liên Chiểu. Đến nay, qua nhiều năm kinh doanh, anh Nghĩa hiện là chủ 2 cơ sở kinh doanh đồ cũ, 2 cơ sở kinh doanh đồ nội thất mới và 1 xưởng chuyên sản xuất, gia công, tu bổ đồ nội thất, gia dụng.
Anh Nghĩa cho biết: “Lúc đầu tôi chỉ tính kinh doanh nhỏ, sau thấy nhu cầu thị trường tăng lên, hàng hóa thu mua nhiều nên tôi mạnh dạn đầu tư kho bãi, thuê nhân công để đáp ứng. Vốn có tay nghề cơ khí, tôi mở luôn 1 xưởng cơ khí phục vụ gia công đồ cũ. Như vậy, từ khi mua đồ cũ đến khi đồ cũ đến tận tay khách hàng tôi làm trọn gói, bảo đảm người nhận hàng với đồ cũ có giá trị sử dụng khoảng 80%”.
Anh Vũ Trung Hà (30 tuổi, cựu sinh viên khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp quyết định khởi nghiệp với cửa hàng thanh lý đồ cũ Hunter (số 5 Lạc Long Quân, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu). Anh Hà cho hay, trong quá trình học, anh phát hiện mình đam mê kinh doanh.
Năm 2013, anh Hà tập tành mở dịch vụ tìm phòng trọ cho sinh viên. Một năm sau, nhận thấy giới trẻ có trào lưu khởi nghiệp với mô hình mở quán cà phê, quán ăn nhưng trong khoảng 10 người khởi nghiệp thì chỉ có khoảng 1-2 người trụ được lâu dài, anh nghĩ, với những quán ngừng kinh doanh thì số đồ dùng trong quán sẽ đi về đâu và chắc hẳn không phải ai cũng có nhiều vốn để khởi nghiệp nên đã thử sức với loại hình kinh doanh mua, bán đồ cũ. “Tại thời điểm 2014, dịch vụ mua, bán đồ cũ ở Đà Nẵng bắt đầu manh nha với sự xuất hiện một vài cửa hàng.
Tuy nhiên, các cửa hàng này đều kinh doanh theo kiểu truyền thống, các sản phẩm chất đống, trông rất bừa bộn, không có tính thẩm mỹ mà người mua cũng mất công trong việc lục kiếm món đồ. Chính vì vậy, tôi mở Hunter với mong muốn tạo ra một không gian mua sắm đồ cũ chuyên nghiệp hơn”, anh Hà chia sẻ.
Chuyên nghiệp, chất lượng, uy tín
Những năm gần đây, việc mua sắm đồ cũ không còn gắn liền với người lao động nghèo mà trở thành thói quen của cả những người dư dả về kinh tế nhưng thích những món đồ hàng hiệu, chất lượng dù đã qua sử dụng. Tuy vậy, để kinh doanh đồ cũ cũng nhiều cam go.
Về vấn đề này, anh Trần Đại Nghĩa phân tích: “Làm nghề này phải kiên trì, chịu khó vì rất vất vả. Ví như nhận thu mua một cửa hàng hay công ty ngưng hoạt động bên tôi phải có một đội chuyên tháo dỡ, bốc vác, vận chuyển sản phẩm. Rồi khi phân loại xong tôi phải thuê nhân viên sắp xếp, vệ sinh đồ đạc thường xuyên, tránh ẩm mốc, đồng thời, tu sửa giao đến tay khách hàng. Trong quá trình tháo dỡ nếu bất cẩn làm hỏng đồ có giá trị thì coi như lô hàng đó mất giá”.
Nhân viên cửa hàng thanh lý đồ cũ xử lý bàn cũ trước khi bán. Ảnh: MAI HIỀN |
Cũng theo anh Nghĩa, các cơ sở kinh doanh của anh đã tạo việc làm cho khoảng 35 lao động với mức lương trung bình khoảng 7,5 triệu đồng. Anh Nghĩa bộc bạch: “Nghề này muốn trụ lâu phải đưa tiêu chí chất lượng, uy tín lên hàng đầu. Như tôi có kho bãi, có xưởng gia công riêng nên khi sản phẩm đến tận tay khách hàng có giá vừa phải do đã cắt giảm được chi phí thuê trung gian sửa chữa. Ngoài ra, chúng tôi có chính sách bảo hành đối với các sản phẩm khi bán ra để tạo niềm tin cho khách hàng”.
Trong khi đó, tại Hunter, mỗi lô hàng cũ thu về được đội ngũ nhân viên vệ sinh sạch sẽ, xử lý trầy xước, thay thế phụ kiện, phun PU, phun sơn làm mới sản phẩm, bao bọc kỹ càng. Tất cả sản phẩm được xử lý chỉn chu trước khi giao đến tay khách hàng.
Theo anh Hà, cái khó để vận hành mô hình kinh doanh đồ cũ là phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa các bộ phận với nhau. Hàng hóa đa dạng nên đòi hỏi phải am hiểu rộng để có thể tư vấn, định giá hợp lý cũng như xử lý khi sản phẩm gặp sự cố ngoài ý muốn.
Vượt qua những định kiến về hàng đã qua sử dụng, các cửa hàng kinh doanh đồ cũ tại Đà Nẵng đang trở thành điểm mua sắm ưa thích của người tiêu dùng. Và để tồn tại, người bán đồ cũ cần trung thực, minh bạch các thông tin về sản phẩm cũng như tư vấn kỹ và cách làm việc chuyên nghiệp nếu không sẽ mất khách.
THANH TÌNH - MAI HIỀN