Những người chọn xu hướng tối giản trong sử dụng đồ đạc không hẳn vì thiếu tiền hay nhằm mục đích tiết kiệm. Ngược lại, hạn chế sở hữu vật chất là cách họ tăng chất lượng cuộc sống theo một hướng khác.
Chị Trương Nữ Minh Thi tại thị trấn màu xanh Chefchaouen, Maroc. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Sống “đơn giản” là cả quá trình học hỏi và lắng nghe nhu cầu thực sự của bản thân.
Cho bớt để giảm gánh nặng
“Mở tủ soạn quần áo chuẩn bị cho chuyến đi Maroc hồi năm 2017, mình thần người vì đồ quá trời mà cảm giác không có chi để mặc. Lúc đó mình tự hỏi: Ủa là răng hè? Mình sắm dữ lắm mà, rứa mua cho hung để làm chi?”, chị Trương Nữ Minh Thi (37 tuổi), chủ quán La’s cafe (đường Nguyễn Văn Thông, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) cười - nhớ lại thuở cô chưa… tối giản.
Minh Thi kể, cô từng rất ghiền mỹ phẩm dưỡng da, nước hoa và quần áo. Như mê muội trong thế giới mua hàng trực tuyến, cứ lướt thấy hàng mới, không đặt thì cô chịu không nổi. Thời điểm đó, Minh Thi còn đi làm ở ngân hàng và sau chuyển sang mảng y tế hỗ trợ người nghèo của một tổ chức phi chính phủ. “Mỗi sáng bước ra đường phải “phủ” đủ thứ thời trang thơm tho từ tóc, mặt, chân tay, cho đến cái ngày bỗng dưng bật lên câu hỏi ấy. Trước đó, tôi từng đọc một cuốn sách về lối sống tối giản của người Nhật nhưng thực tình chỉ đọc cho biết”, Thi kể. Sau chuyến đi Maroc, cô bắt đầu “thu xếp lại”.
Lý do cho sự thay đổi này, theo Minh Thi, đó là cô nhận ra việc mua sắm không kiểm soát không giúp lấp đầy cảm giác thiếu thốn. Ngược lại, nó khiến cô cảm thấy rối rắm và cứ mang tâm trạng: Hôm nay không biết mặc gì! Từ đó, Minh Thi quyết định… cho hết.
“Đầu tiên tôi cho tất cả áo quần, chỉ giữ lại tối thiểu nhất để sử dụng hằng ngày. Tiếp đó tôi lục lọi chén bát. Thử làm đi, bạn sẽ thấy tủ chén có quá trời thứ lộn xộn không bao giờ được dùng đến. Rồi tôi cho đồ gia dụng như máy xay, máy ép, lò nướng các kiểu”, Minh Thi liệt kê lần lượt.
Rồi Thi chuyển sang tặng sách - món đồ cô chưa từng nghĩ sẽ mang đi cho. Sách để yên là tri thức chết, cô nhớ lại câu nói này ở đâu đó và lọc cuốn nào lưu giữ, cuốn nào tặng người cần. Vậy là hàng trăm cuốn sách các thể loại đã được cho đi trong 2 đợt.
Chừng đó chưa phải là hết. Minh Thi nhận ra cần “thu xếp” cả cảm xúc nữa. Cô quyết định cắt giảm các mối quan hệ không cần thiết. Minh Thi thú nhận: “Có những cuộc vui nhưng trống rỗng, có những người không làm gì xấu nhưng chẳng mang lại năng lượng tích cực, chỉ khiến bản thân mình tự dưng sân si, nặng lòng hơn thì cắt bớt luôn”.
Một mình đi qua một số quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ, châu Âu, châu Á, Minh Thi cảm nhận rõ ràng, khi càng gọn nhẹ, càng rảnh rang khám phá thế giới thênh thang. Thay vì bỏ tiền vào đồ đạc, Thi đầu tư cho những chuyến trải nghiệm. Một kỷ niệm đáng nhớ là lúc ở Hà Lan, thấy những gia đình ở đây bày biện bữa ăn tinh giản nhưng họ vẫn khỏe mạnh, cô nghĩ về mâm cơm luôn phải chuẩn bị cầu kỳ của nhà mình bao lâu nay, và biết rằng tối giản không chỉ giúp bản thân mà cả mẹ cũng khỏe theo biết mấy…
Lựa chọn những giá trị thiết thực
Ngược với Trương Nữ Minh Thi, anh Lê Nguyên Cường (40 tuổi, trú đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu) nhiều năm qua hạn chế mua sắm hết cỡ và cũng không bỏ món đồ nào dù chúng lỗi thời, hết mốt. Làm công việc văn phòng, anh Nguyên Cường cho biết, bạn bè, đồng nghiệp cùng trang lứa thường đổi máy tính, điện thoại liên tục để trông hiện đại, tiện nghi hơn. Riêng anh, chiếc máy tính xách tay vẫn được dùng suốt 12 năm qua, điện thoại cũng đã mua khoảng 7 năm trước đến mức bị nhiều người trêu “thanh niên quê kiểng”.
“Nhưng tôi thấy không sao cả. Nếu vứt đi, tôi như có lỗi với món đồ đó. Kể cả một chiếc túi nilon tôi cũng không bỏ khi chỉ mới dùng qua một lần mà để tái sử dụng đỡ mua bao rác”, anh Nguyên Cường cho hay và chia sẻ thêm: “Với tôi, mỗi món đồ còn chất chứa những kỷ niệm và hành trình chúng gắn bó với mình nên không thể dễ dàng dẹp bỏ. Có lẽ vì vậy, tôi sử dụng rất cẩn thận và chẳng phải mua thêm làm gì cho đầy nhà lãng phí”. Lần sinh nhật gần đây nhất, anh mặc chiếc áo sơ mi còn khá mới nhưng thú vị là facebook nhắc lại cũng chiếc áo ấy anh đã mặc trong bữa tiệc như thế này 6 năm trước.
Ngôi nhà nhỏ và những vật dụng bình thường xung quanh nhiều năm nay không mấy đổi khác, chừng đó đủ khiến anh Nguyên Cường cảm thấy thoải mái thân thuộc. Đỡ lăn tăn chuyện đồ đạc, anh có thể dành thời gian cho những niềm vui như tham gia nhiều khóa học, thăm thú họ hàng các nơi. “Tôi thấy không ít người, nhất là giới trẻ bỏ công sức làm thiệt nhiều để kiếm tiền tận hưởng cuộc sống bằng cách thưởng cho bản thân những món đồ xa xỉ và xem kết quả mua sắm là động lực để lao động nhiều hơn. Thật ra, mỗi người có sự lựa chọn riêng nên không thể đánh giá như thế nào mới là sống đúng. Tuy nhiên, nếu như vậy sẽ khó thoát áp lực kiếm tiền. Tôi muốn tiêu dùng nhẹ nhàng phù hợp với khả năng và hoàn cảnh”, anh Cường chia sẻ.
Nếu Minh Thi từng mua sắm không ngơi tay thì anh Nguyên Cường vốn chẳng thiết tha chuyện sắm soạn; nếu Minh Thi chọn cho bớt để giảm gánh nặng thì anh Nguyên Cường luôn giữ lại để tận dụng mọi thứ, nhưng bằng cách này hay cách khác, họ đều đang hướng đến một kiểu sống giảm phụ thuộc vật chất để tăng sự thoải mái thực sự trong cuộc sống cá nhân.
5 năm chọn cách sống giản đơn hơn trước đây, Minh Thi vẫn ngại nếu nói cô đang có xu hướng tối giản, nhưng chính Thi cũng nhận ra mình thay đổi tích cực, đồ đạc ít song chất lượng, mua sắm có cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng hơn. Ngoài ra, cô đều đặn cho hết những món đồ mà trong vòng 6 tháng chúng không được dùng đến. Trong khi đó, anh Nguyên Cường nhận thấy cách sống bình thường của mình ngày càng trở nên hợp thời khi nhiều người trẻ đang quay về lối sống lựa chọn những giá trị thiết thực thay vì chạy theo trào lưu hình thức.
TOÀN VÂN