Hiểu và thương

.

Một trong các câu hỏi dành cho Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2021 là cách ứng xử trước “body shaming” - miệt thị ngoại hình. Câu hỏi này thường được đặt ra trong các cuộc thi sắc đẹp lớn và uy tín những năm gầy đây, bởi đó là vấn nạn mà rất nhiều phụ nữ ở mọi nơi gặp phải. Kể cả cô gái vừa được trao danh hiệu đẹp nhất hành tinh, Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2021 cũng chia sẻ trong đêm đăng quang rằng, bản thân từng nỗ lực để vượt qua sự miệt thị hình thể gầy gò. Người đẹp nhất còn bị chê xấu, huống gì ai…

Dường như phụ nữ quá nhạy cảm với khuyết điểm cơ thể. Hỏi họ về một điểm không hài lòng, chắc cần thêm nhiều hơn một điều để liệt kê. Không chỉ tự ti về chính sắc vóc của mình, “body shaming” còn là những lời nói, cử chỉ, sự đánh giá, phán xét ác ý về ngoại hình của người khác khiến người bị chỉ trích cảm thấy xấu xí, mất niềm tin vào bản thân. Tình trạng này có thể bắt gặp ở học đường, nơi làm việc, kể cả trong gia đình và nhiều nhất có lẽ trên mạng xã hội.

Phụ nữ nào cũng có thể trở thành nạn nhân của sự miệt thị ngoại hình, thủ phạm có khi đến từ người khác, có khi lại là chính họ. Làm sao để trông đẹp hơn, đó là nỗi khát khao lẫn ám ảnh của phụ nữ. Nhưng nếu không muốn biến mình thành trò đùa của “body shaming”, liệu có thoát được không?

Cách đây vài năm, Master Kamal - người mà các yogi trên thế giới trân trọng gọi là bậc thầy - đến Đà Nẵng trong buổi hướng dẫn về năng lượng sống tích cực. Chi phí một buổi học không hề ít nhưng tôi cũng sẵn sàng tham gia với hy vọng sau chương trình có thể nhặt nhạnh được vài “bí kíp” giúp mình trông tươi trẻ và “thần thái”. Nhiều chị em cũng đến lớp không ngoài mục đích đó. Nhưng cuối cùng, không có bí quyết nào cả, tất cả chỉ xoay quanh hai chữ: Hiểu và thương.

Bài học đầu tiên vị huấn luyện viên yoga Ấn Độ này hướng dẫn là ngồi yên lắng nghe tiếng trái tim mình đập. Rồi ông bảo: Giờ bạn muốn cười hay khóc, cứ thoải mái đừng kìm nén gì. Nhiều người bỗng rơi nước mắt bởi chợt nhận ra thương quá đỗi trái tim mình.

Ơ! Khi ta sống, tim lúc nào chẳng đập, thế nên ta dường như vô tâm quên mất trái tim mình thật kiên cường, bền bỉ xuyên suốt ngày đêm và ôm ấp tất thảy những buồn vui ta mang bao ngày tháng. Ta quên mất cảm ơn trái tim đã làm việc không ngơi nghỉ để nuôi dưỡng mọi sự sống trong ta. Giờ đây, khi dành tâm trí cảm nhận, ta biết ơn thật nhiều từng nhịp đập nhịp nhàng, từng hơi thở chuyển giao.

Khi giúp người học nhận ra giá trị của nhịp sống, Master Kamal chia sẻ về thể trạng của con người. Tựu chung có 3 nhóm: gầy, vừa và béo. Vì thể trạng có yếu tố quyết định độ nhỏ, to của cơ bắp và khung xương, nên có người bồi bổ mãi không biết “da thịt đi đâu”, người chỉ cần “thở thôi cũng mập” là vì vậy.

Ông bảo, thật vô nghĩa khi mãi áp đặt bản thân phải đẹp theo chuẩn này, mẫu nọ. Điều cần làm là quay về với hiểu và thương. Hiểu cơ thể để dành tình thương tưới tắm, nuôi dưỡng, đó là cách giúp chúng ta có thể trở thành phiên bản khỏe mạnh, tươi tắn nhất của chính mình. Việc lựa chọn ăn gì, ăn sao cũng vì hiểu và thương cơ thể thay vì ép buộc đến kiệt quệ xác thân…

Hiểu và thương rồi tự khắc dấy lên lòng biết ơn sâu sắc. Ta cảm nhận sự biết ơn chân thành với tất cả những gì đang hiện diện trên con người mình. Ta biết ơn đôi chân dù không mượt mà như siêu mẫu nhưng luôn mạnh mẽ cùng ta đi khắp nẻo đường, ta biết ơn cả vết đồi mồi lặng lẽ ghé đến kể về thời gian… Nếu hỏi rằng thân thể này có thuộc về ta không?

Câu trả lời hẳn: Có. Nhưng “cắc cớ” hỏi rằng, thân thể này có không thuộc về ta không? Cũng khó khẳng định liền có hoặc không, phải không nhỉ? Bởi chúng ta đều bao lần trải nghiệm sự hao mòn, yếu ớt hay phôi phai của một phần nào đó trên thân thể này mà nhiều lúc đâu thuộc ý chí hay nguyện vọng của chính mình. Vậy những gì còn đây đều đáng quý và trân trọng biết bao.

“Thương không hết, ghét chi”! Bởi vậy, “body shaming” chưa bao giờ tạo được sự dễ chịu, nhưng khó chịu cỡ nào hay có trở thành nạn nhân của nó hay không thì sự hiểu và thương bản thân mình có thể khiến chúng ta đứng ngoài cuộc ganh đua đó. Mình có thể quyết định được điều đó, phải không cơ thể mình!

CHÍCH BÔNG

;
;
.
.
.
.
.