Sinh thời, nhà thơ Hoàng Trung Thông có một bài thơ viết vào năm 1964, được in trong tập “Đầu sóng” (1968). Bài thơ mang đầu đề hơi lạ: Bài thơ báng súng, có đoạn mở đầu: Ta lại viết bài thơ báng súng - Con lớn lên đang viết tiếp thay cha - Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống - Người hôm nay viết tiếp người hôm qua.
1. Đến thời điểm ra đời bài thơ thì khái niệm “thơ báng súng” không phải là điều mới mẻ. Khái niệm này đã ra đời từ những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, mà tác giả của nó là những chiến sĩ vệ quốc quân “Áo vải chân không/ Đi lùng giặc đánh”.
Thơ báng súng giản dị, mộc mạc như chính buổi đầu giản dị, mộc mạc của những người lính trong bức ảnh rất hiếm hoi còn lại đến hôm nay về buổi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo (tỉnh Cao Bằng). 34 chiến sĩ chân đất quần nâu áo vải, vài người đeo túi dết, tay nải, mấy khẩu súng thô sơ kiểu như súng kíp tự tạo… Đó chính là đội quân tiền thân của quân đội nhân dân hùng mạnh ngày nay.
Thơ báng súng gắn với tâm hồn những người lính đầu đội chiếc mũ nan lợp lá ngụy trang, mùa đông chỉ đơn sơ chiếc áo trấn thủ. Mỗi câu thơ báng súng cũng ngắn gọn, nhỏ bé, mộc mạc mà sâu sắc như những mũi tên tre, những khẩu súng kíp trang bị thô sơ của người lính năm xưa, khiến kẻ thù khiếp sợ, nhưng cũng là vũ khí tâm hồn tình cảm động viên người chiến sĩ trên trận tuyến chống quân thù.
Vừa đánh giặc, vừa làm thơ. Cảm hứng ra đời ngay trên đường hành quân. Làm gì có bàn giấy để ngồi yên tĩnh sáng tác. Sổ tay kê trên ba lô, mẩu giấy tì trên báng súng, cứ thế những bài thơ lần lượt ra đời. Thơ báng súng mang một phong vị riêng, một hào khí riêng. Lũ chúng tôi/ Bọn người tứ xứ/ Gặp nhau từ hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ thuở một hai/ Súng bắn chưa quen/ Quân sự mươi bài/Lòng vẫn cười vui kháng chiến (Nhớ - Hồng Nguyên).
Bên nấm mồ đồng đội hy sinh, người lính tựa lưng vào chiến hào bụi đất, báng súng làm bàn, viết nên câu thơ khóc bạn. Ở đây không gỗ ván/ Vùi anh trong tấm chăn/ Của đồng bào Cửa Ngăn/ Tặng tôi ngày phân tán/ Mai mốt bên cửa rừng/ Anh có nghe súng nổ/ Là chúng tôi đang cố/ Tiêu diệt kẻ thù chung (Viếng bạn - Hoàng Lộc). Có lẽ thơ báng súng ra đời trong những điều kiện sáng tác như vậy. Dần dần, có thể điều kiện sáng tác khá hơn, nhưng cũng với cái khí thế ấy, cái cảm hứng lạc quan vượt trên gian khổ ấy đã tạo thành một “dòng thơ báng súng”. Thơ chiến đấu giục giã lòng chiến sĩ/ Miền Nam ơi chưa thể nghỉ bàn tay/ Ta quyết liệt trên tuyến đầu chống Mỹ/ Như năm xưa anh dũng bắn đầu Tây (Bài thơ báng súng)
2. Thơ báng súng là những vần thơ viết vội. Viết vội nhưng vẫn sâu sắc, vẫn lột tả được cái hồn của cảm xúc, cái “thần” của tứ thơ. Ở chiến trường, trước mặt là kẻ thù, chung quanh là bom đạn. Người chiến sĩ hiếm khi có phút giây rảnh rỗi. Anh bộ đội chống Pháp trong thơ Hồng Nguyên có một màn đối thoại thú vị chớp nhoáng để bộc bạch hoàn cảnh trước những cô gái gặp trên đường hành quân. - Đằng nớ vợ chưa đằng nớ/ - Tớ còn chờ độc lập/ Cả lũ cười vang bên ruộng bắp/ Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu. Chỉ có thế thôi. Làm gì có thời gian để tiếp cận tỏ bày tâm sự với cô thôn nữ cuối nương dâu. Nhưng có khi, một lần gặp mà nhớ mãi trong đời.
Anh bộ đội thời chống Mỹ trong thơ Phạm Tiến Duật cũng có những cảnh huống đáng yêu như vậy. Trên đường hành quân gặp một đội nữ thanh niên xung phong đang làm đường cho xe qua, giữa đêm tối mịt mù. Tranh thủ có ánh sáng đèn dù/ Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt/ Mọi người cũng tò mò nhìn anh/ Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối/ Em ơi em hãy cho anh hỏi/ Xong đoạn đường này các em làm đâu... Một đoạn đối thoại bâng khuâng thương cảm trong cái gấp gáp của chiến tranh. Tất cả đều gấp vội. Tất cả dồn sức lực và tình cảm cho mặt trận, tất cả đều đi vào trận tuyến, dẫu người lính có “tìm em rất lâu rất lâu” cũng không biết bao giờ gặp lại được...
Thơ báng súng tuy viết vội, viết hóm hỉnh, có lúc vui đùa, nhưng không thiếu những khoảnh khắc tâm trạng đầy cảm xúc, nhất là cảm xúc về tình quân dân. Bài thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Duy được viết trong đêm ngủ ổ rơm trong ngôi nhà người mẹ nghèo trong chiến tranh, đó là một đêm khó ngủ được nhà thơ ghi lại: Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm/ Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng/ Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm/ Của những cọng rơm xơ xác gầy gò (Hơi ấm ổ rơm - Nguyễn Duy).
3. Một đặc điểm lớn của thơ báng súng là luôn mang âm điệu lạc quan yêu đời, kiểu lạc quan đầy “chất lính”. Ở chiến trường, chuyện thiếu gạo đói cơm, lạnh giá đêm đông là thường xuyên. Có khi gạo hết tiền vơi/ Ổi xanh hái xuống đành xơi no lòng/ Có đêm gió bấc lạnh lùng/ Áo quần rách nát lá dùng che thân/ Có phen đau ốm muôn phần/ Lấy đâu đủ thuốc mặc dần bệnh nguôi (Thôi Hữu).
Thơ báng súng thời kháng chiến chống Pháp, kể cả thời chống Mỹ là những vần thơ lạc quan, cái lạc quan át đi gian khổ. Anh bộ đội chống Pháp: Ba người một cái chăn bông/ Nằm thẳng cũng khổ nằm cong cũng phiền/ Đắp dọc thì hở hai bên/ Đắp ngang thì “lạnh như tiền” cái chân... Trong tình thế ấy, 3 chàng vệ quốc nghĩ ra sáng kiến: Thằng nghiêng nằm giữa thằng co/ Ba thằng quặp chặt gió lùa vào đâu.
Thời chống Mỹ điều kiện có thuận lợi hơn. Thỉnh thoảng hành quân tải đạn tải gạo cũng có xe cơ giới. Nhưng đó là “những tiểu đội xe không kính”. Bài thơ ngắn chắc được Phạm Tiến Duật kê sổ tay trên thùng xe để viết, có thế mới kịp thời tả được cái tư thế lạc quan, cái phong thái hơi “ngang tàng” của anh lái xe Trường Sơn bất chấp khó khăn gian khổ: Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng... Không có kính, ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha… Ngay cả khi nói về cái chết có thể đến lúc nào, vậy mà thơ lính vẫn quên đi những nguy hiểm đang rình rập để lạc quan bình tĩnh sống: Mấy mùa chiến dịch dẻo dai/ Xem gương sờ mũi sờ tai vẫn còn/ Râu hầm mới mọc lun phun/ Còn như hàm én không tròn thì vuông (Thơ chiến sĩ).
Nhưng giá trị cao cả nhất của dòng thơ báng súng, đó là những vần thơ ghi lại khoảnh khắc hào hùng của người lính xông trận. Những ngày này, chúng ta nhớ tới Lê Anh Xuân. Sau lần rời căn cứ đề tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, anh không trở về cơ quan được nữa, bởi anh đã ngã xuống trong tư thế của một nhà thơ - chiến sĩ.
Chắc chắn bài thơ Dáng đứng Việt Nam của anh cũng được viết vội ngay tại chiến trường - một bài thơ báng súng đúng nghĩa của nó. Và cũng chính vì được viết ngay tại chiến dịch nên hình tượng người chiến sĩ giải phóng quân được khắc họa thật sống động, thật dũng mãnh, tươi ròng khí thế tiến công: Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt/ Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và Anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng./ Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng/ Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn/ Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm/ Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công.
Ngày nay, điều kiện sáng tác của các nhà văn nhà thơ đã tân tiến, hiện đại. Tuy nhiên, sức sống của những bài thơ báng súng vẫn lan tỏa trong đời sống chiến sĩ và những người yêu thơ. Vẫn còn những người lính nơi biên cương, trên những chòi canh hải đảo xa, những trắc thủ radar canh trời…, cả những chiến sĩ áo xanh trong đội quân nơi tuyến đầu chống Covid 19… Và như vậy, biết bao tâm trạng, biết bao cảm xúc lạc quan yêu đời vẫn còn cần được thể hiện bằng những vần thơ mộc mạc, giản dị, trong sáng, mang đầy hơi thở cuộc sống người chiến sĩ hôm nay.
BÙI CÔNG MINH