Truyện ngắn

Mùa sóng non

.

1. Mẹ nói Kỳ chẳng bao giờ hiểu được biển. Những con sóng luôn phủ bạc mái đầu của dân làng chài. Xứ này, thiếu gì những người mới ngoài bốn mươi mà tóc đã trắng dã ra. Thêm vài đứa trẻ nheo nhóc lăng xăng với lưới với thúng. Đời họ quẩn quanh chỉ có vậy. Xứ này người ta ngó biển mà sống, người ta ngóng lặng mà thương và rồi nhìn động mà sợ. Người làng mình, khổ không khổ, sướng thì chẳng sướng. Bởi còn biển thì cứ sống. Nhưng mà có một điều, hễ là người của làng thì phải biết cô đơn. Cô đơn như biển vậy đó.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đó là năm Kỳ mười tám, mẹ nói vậy sau ngày ba mất hút. Ba chọn cách rời làng khi không chịu nổi những nhọc nhằn cuộc mưu sinh rủi may theo từng con sóng. Câu chuyện của ba hệt như biết bao câu chuyện người đi kẻ chờ hằng năm xưa xa. Có chăng là nó làm dày thêm phế tích của một biên niên sử về làng Cô Đơn. Có người ra đi rồi nằm lại đâu đó giữa trùng khơi trắng xóa. Có người ra đi ngược về phía phố để tìm thứ lấp lánh phù hoa. Duy chỉ có kẻ ở lại là chung một nỗi chờ. Chẳng có lý do nào khác hơn cả.

Thiên hạ trên thành phố vẫn hay gọi cái làng chài ven biển này như thế. Tựa hồ qua bao biến thiên thời cuộc, vật đổi sao dời thì làng vẫn vẹn nguyên tên gọi. Chả ai nhớ cái tên Hải Thanh đẹp đẽ thuở sơ khai dựng làng. Người ta chỉ nhớ từ trung tâm thành phố rẽ phải, đi mải miết, đến tận cùng của thành thị sẽ là đoạn đường đất chưa tráng nhựa um tùm dương, rì rào gió. Dương như rừng, mọc ven hai bên đường. Gió như truông, lồng lộng dẫn lối. Cứ vậy mà chạy, chạy như lạc vào một miền đất cũ kỹ bạc thếch. Miền thời gian lãng quên. Hết cái truông gió, cạn cái hàng dương là gặp những nóc nhà chênh chao màu cát. Cái màu kem đùng đục lạnh tanh mắt nhìn.

Mắt Kỳ đỏ hoe một chiều ghềnh đá tím thẫm chân mây. Mẹ vẫn ngồi ngoài hiên nhà mông lung về phía đêm đen kịt. Biển thốc gió. Gió thốc cát. Cát bám rít vào da thịt. Tựa như cái cô đơn khổ cực luôn bám vào làng.

2. Hạo về khi dịch vẫn diễn ra phức tạp ở thành phố nhưng công tác kiểm dịch đã tốt hơn rất nhiều. Những chuyến xe liên tỉnh được nối lại ra vào cửa ngõ thành phố bình thường. Các chuyến bay được cất cánh và hạ cánh, miễn là tuân thủ đầy đủ quy định phòng, chống dịch. Hạo nhẩm tính khi ngồi trên máy bay. Là mười lăm năm, thể như một cái chớp mắt. Đời người ngắn hay thời gian vốn dĩ trôi nhanh. Hạo chẳng biết, chỉ biết tỉnh dậy sau khi con virus hoành thành trong cơ thể, đầu óc bắt đầu biết suy nghĩ, dẫu là đang trong lớp máy trợ thở oxy. Hạo biết mình phải về. Ít ra đi qua sinh tử, con người ta biết đâu là nơi chốn để mình có thể dung dưỡng cuộc đời. Nơi nào cũng có thể là nhà ở, để sống. Nhưng chỉ có một nơi là xứ mình, để về.

Hạo bỏ lại tất cả những thứ mình tạo dựng được sau ngần ấy năm. Căn nhà nhanh chóng gửi vào một dịch vụ bất động sản để bán. Đơn từ nhiệm gửi thẳng cho hội sở công ty. Chẳng có gì luyến lưu nơi miền đất nắng ấm phương Nam. Đêm cuối cùng Hạo lang thang trên phố, ngoảnh nhìn Sài Gòn như một lời cảm tạ đã cưu mang Hạo cả quãng đời nhọc nhằn này. Những ngày Sài Gòn ở đỉnh dịch, trong Hạo đầy ắp những nghĩ suy. Thoảng trong những cơn mê sảng của giấc ngủ mỏi mòn sau cơn đau đầu như búa bổ, Hạo thấy mình chạy dài trên bờ cát màu kem đục. Hạo thấy từng con sóng non của đêm biển lặng. Hạo thấy cái nắm tay rụt rè với một ai đó của thuở thiếu thời. Hạo thấy mình cứ ngồi ngóng biển từ ô cửa sổ của căn chung cư cao cấp. Hạo chợt tỉnh giấc bất giác gọi một cái tên của muôn năm cũ. Chỉ vậy thôi là Hạo biết đời mình còn nợ xứ ấy một lần quay về.

Bạn bè bảo có điên mà về lại nơi ấy. Đang đủ đầy những vật chất, đang ở vị trí ngon lành, giờ buông bỏ tất cả. Cái xứ nghèo đó chẳng có tiền thì cũng cạp đất mà ăn thôi. Hạo chỉ lặng lẽ quay gót, chẳng trả lời như cái tính trầm mộc kiệm nói của mình. Đời ai cũng có những trầm tích giấu tận tâm khảm. Đời ai cũng có những những thứ mà chẳng thể dùng tiền để bán mua đổi chác. Cạn cùng một cuộc đời, tái sinh từ cơn mê sảng đôi khi người ta mới hạnh ngộ thứ mình mưu cầu. Thể như ngày Hạo bỏ làng chài của mình mà đi, tuổi trẻ khi đó làm sao Hạo hiểu hết biển vẫn hát những lời thiên thu vẫy gọi.

3 .Bữa Kỳ về sau chuyến đi biển có ghé ngang căn nhà đó, nhác thấy bóng dáng quen. Căn nhà được sửa chữa gọn gàng, đèn được thắp sáng. Hồi căn nhà bị hoang phế rồi sập mất đi một bên, chính tay Kỳ dựng lại. Thoảng khi sau chuyến đi biển, Kỳ cũng hay ghé qua để quét dọn. Những dịp Tết nhứt hay ngày lễ làng, Kỳ cũng tự tay cúng kiếng, quét mạng nhện, chống mối mọt. Mười lăm năm rồi mới thấy căn nhà có người. Nhưng Kỳ không vào. Ngập ngừng ngoài cửa rồi đi về. Gió biển mùa này thổi lạnh quay quắt. Gió chẳng thốc nhưng mắt Kỳ cay xè.

Khê cúp máy điện thoại sau câu chuyện kể của Kỳ, chạy một mạch từ ngoài thành phố về. Lòng mênh mang nhiều nỗi. Ánh hoàng hôn dát vàng lên biển. Khê đến căn nhà cũ. Ai đó đã đặt bó hoa cúc trắng lên bàn thờ mà thường chỉ có Kỳ hay Khê làm điều đó. Mùi nhang trầm theo gió quyện vào ký ức. Khê một mình đi về phía ghềnh đá kỷ niệm, nơi ngày xưa những đứa bạn hay hẹn nhau ngóng biển.
Giữa những khoảng mong chờ, Kỳ hay bảo thời gian rồi sẽ trả lời mọi câu hỏi trong cuộc đời. Những thứ mà năm mười tám tuổi chúng ta chẳng thể nào tìm nổi một đáp án. Khi đã quăng quật mình vào cuộc đời này, năm bảy năm sau, rồi chục năm nữa, lại có riêng cho mình câu trả lời. Càng đi sâu với cuộc đời, ngộ là con người ta lại học được bài học thấu hiểu từ những thứ rất giản đơn.

Hôm Khê nghe Kỳ nói vậy, Khê chợt bâng quơ hỏi Kỳ đã hiểu biển chưa? Kỳ thở dài thườn thượt. Cho đến ngày mẹ mất, mẹ cũng đâu có hiểu hết biển. Mẹ chỉ nắm lấy tay Kỳ, mẹ rớt nước mắt, rồi về với biển. Kỳ chẳng thể hiểu biển, như bao người làng chài Cô Đơn này, mấy ai hiểu được biển. Kể như Kỳ chọn biển, ngày đi không dám hẹn buổi về. Chừng thấy chân mình đạp lên cát mới biết bình an. Vậy mà cứ vài hôm ở làng lại theo tàu ra biển. Ai cũng bỏ biển thì làm sao hiểu biển? Nhưng càng gần biển lại càng biết mình thương biển hơn tất cả. Đôi khi người ta thương một thứ gì đó, đâu cần tìm lý do.

4. Ngoài chợ cá người ta bảo ba Kỳ dụ bà bán cá rồi về phố. Họ chẳng về đây nữa đâu. Cái nắng cái gió, cái sống cái chết của làng chài mỏng manh lắm. Ai mà không thương mảnh đất này, không coi nghề đi biển như là nghiệp dĩ phận mình thì sẽ bỏ ngang. Ở đời ai lại chẳng mong mình giàu sang, đẹp đẽ. Phụ nữ làng chài da sần, mặt sạm. Mùi tanh cá quanh năm nồng khắm quấn cơ thể. Vậy nên ba Kỳ với bà bán cá chỉ chờ đủ tiền mà rời khỏi đây để xây dựng cuộc đời mới. Chuyện chẳng lạ của làng chài. Chỉ là góp vui xôm tụ cho bữa xuống hàng sáng sớm thêm huyên náo năm bảy bữa rồi cũng thôi. Kỳ đứng nghe mà tim đập thình thịch. Cắm đầu chạy về phía làng một mạch.

Hạo trút cơn giận của mình vào đống ngổn ngang trong căn nhà. Tại ba mầy đó. Người ta nói mẹ tao dùng tiền để đi giành chồng. Tao thành mồ côi rồi. Mẹ tao lụm ngoài đình làng về nuôi. Người ta nói tao không phải dân làng. Giờ tao biết sống sao?

Kỳ đứng trân mình mặc cho Hạo lên cơn điên cuồng, cào cấu vào người Kỳ. Khê giữ Hạo lại. Ba đứa bạn ngày nào còn tíu tít bên nhau, nay lòng không dưng nổi sóng dữ dội. Khê bảo dù gì thì cả ba tụi mình cũng là bạn nhau mà. Hạo cứ ở đây. Nhà này của Hạo. Tụi mình nắm tay nhau đi. Rồi sẽ vượt qua tất cả mà. Nhưng Hạo không nắm tay. Hạo vẫn đi. Một đêm lặng lẽ. Ngược về phía làng là ra thành phố. Hạo theo chuyến xe tìm về nơi phương Nam sầm uất.

Bao ngày biển động, bao mùa sóng non đi qua, Kỳ vẫn đi về phía biển. Khê lặng lẽ lên thành phố học ngành y với ước mong người làng chài không còn bệnh tật. Mỗi mình Hạo bặt tin. Cho đến khi dịch bùng lên. Người làng co cụm lại. Cũng may làng xa thị thành nên dịch vẫn chưa lan đến. Một mùa sóng non của mười lăm năm, khi đã đi qua nửa cuộc đời, Hạo lại về.

5.Cái ghềnh đá vẫn vẹn nguyên nơi đó. Như mớ ký ức vẫn tồn tại trong lòng của ba đứa trẻ. Một chiều gió ngọt như mùa sắp Tết. Gió lặng. Sóng non. Ba đứa trẻ ngày xưa tình cờ gặp lại nhau. Chẳng hẹn nhưng có lẽ thứ tình cảm thân gần và thấu hiểu luôn cho những đứa trẻ một cảm giác chính xác về nhau.

Ba đứa trẻ của năm ấy giờ đi quá nửa đời người. Một chiều nghe sóng nhẹ dạt dào vỗ bờ. Bình yên. Nếu ai sinh ra ở làng chài đều biết, những con sóng của tháng mười hai đều dịu dàng như là đang hát. Mẹ hay nói đó là sóng non. Biển cho sóng non để con người ta còn về nhà đón Tết.

Ba đứa trẻ vẫn chẳng nói gì. Kỳ đen đúa vạm vỡ. Hạo trắng trẻo gầy guộc. Khê đầy đặn chắc người. Mấy đứa trẻ của nửa đời người nhìn nhau. Khê vẫn là đứa con gái mít ướt không dưng lại rớt nước mắt. Hạo quay sang nhìn Kỳ. Hóa ra biển chẳng có gì khó hiểu. Lòng biển rộng không chỉ chứa những nỗi đau, chứa luôn cả những phận người, mà còn chứa đựng những bao dung. Trăm con sóng rồi cũng về biển cả. Người làng chài có đi đâu thì cạn cùng cuộc đời cũng sẽ về với biển mà thôi.

Gió ngọt. Biển hát. Chiều vàng. Kỳ dắt tay Hạo chạy dọc bờ cát. Khê dáo dác phía sau. Thể như hồi nhỏ hai thằng con trai ưa nghịch nước vào đứa con gái. Ơ tụi bây chạy đâu nhanh thế. Gió thoảng câu trả lời vừa đủ Khê nghe: Đi tìm sóng non.

ÂN ĐIỀN

;
;
.
.
.
.
.