Để xây dựng Nông thôn mới và Nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều cái cũ đã được chắt lọc đổi thay; nhưng vẫn còn những giá trị từ cổ xưa mà dẫu cuộc sống có tiến tới đổi mới, hiện đại cỡ nào, bà con cũng càng cố gìn giữ.
Nghĩa tình xóm làng kể cả đến lúc nhắm mắt xuôi tay luôn được bà con gìn giữ. TRONG ẢNH: Xe tang miễn phí của thôn Lệ Sơn Bắc, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Ảnh: T.V |
Đó là tình làng nghĩa xóm qua tương trợ nghĩa tử nghĩa tận rất thiết thực và nồng ấm tình người. Đây được coi là bản sắc văn hóa, là thứ “đặc sản” không lẫn vào đâu giữa làng quê yên ả trong cuộc đô thị hóa không ngừng.
Giữ truyền thống tương thântương ái
Là thôn được xã Hòa Phước chọn thực hiện thí điểm mô hình kiểu mẫu Nông thôn mới và đến nay đã được công nhận danh hiệu này, thôn Trà Kiểm, theo mô tả của nhiều người là đang “thay da đổi thịt” rõ nét về cơ sở hạ tầng, công trình dân sinh, đến áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào hoạt động sản xuất… Nhưng điều khiến người dân nơi đây tự hào nhất vẫn là trong quá trình phát triển với bao đổi thay ấy, bà con luôn nỗ lực gìn giữ nếp sống đoàn kết qua nhiều thế hệ.
“Mọi người gắn bó với nhau lắm, tối lửa tắt đèn có nhau là truyền thống vùng này rồi, huống chi chuyện nghĩa tử nghĩa tận”, chị Nguyễn Thị Như Hiền (SN 1973, trú tổ 1), Trưởng nhóm trợ tang của thôn Trà Kiểm chia sẻ lý do vì sao việc hỗ trợ của các chị càng ngày càng trở nên nền nếp, thuần thục và hiệu quả. Không dừng ở cách trợ giúp đơn lẻ như trước đây, nhóm trợ tang của thôn Trà Kiểm vài năm nay hoạt động chuyên nghiệp với số lượng thường trực 20 chị em, có đồng phục áo bà ba đen và phân công rất cụ thể.
Đang làm dở đồng áng, chị Hiền tỏ ra bẽn lẽn khi nói về công việc của nhóm, bởi với các chị - những người phụ nữ chủ yếu quanh năm gắn với ruộng đồng và chăn nuôi tại nhà, việc sắp xếp để sang nhà hàng xóm hỗ trợ khi gia quyến bối rối không có gì lạ để kể. Đó vốn là cách sống bao đời nay, các chị cứ vậy phát huy và thực hiện bài bản hơn lên. “Nghe tiếng thanh la thì dù 3 giờ sáng hay giữa trưa hè, tất cả chị em trong nhóm trợ tang đều nhanh chóng có mặt. Người tham gia nấu ăn, đi chợ, dọn nhà cửa, người gánh nước, pha trà, bưng trầu, người cầm cờ, cầm liễn. Chồng, con chúng tôi đều hiểu việc xóm làng là chuyện tình nghĩa nên chị em đi tối ngày thì gia đình cũng vui vẻ đồng thuận”, chị Hiền nói.
Không thể nhớ mỗi năm các chị đi hỗ trợ bao nhiêu đám. Hễ nhà nào trong thôn có người mất, dù người già hay trẻ nhỏ, phụ nữ hay đàn ông, các chị đều sẵn sàng đến phụ giúp. Tùy điều kiện mỗi nhà đông đúc hay neo người, có khi không chỉ phụ việc, các chị còn sớm hôm lui tới động viên, an ủi tinh thần để những người ở lại vơi nỗi hiu quạnh.
Vừa ngớt tay chăm mấy con bò, chị Nguyễn Thị Thuận (38 tuổi) chợt xúc động khi có người khơi lại chuyện cũ. Chồng chị Thuận mất cách đây ít lâu sau cơn bạo bệnh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chị kể, mình chỉ biết “quíu tay, quíu chân”, anh em ruột thịt trong nhà cũng rối bời trước sự ra đi đột ngột đó, nên mọi việc đều dựa vào cán bộ thôn và chị em phụ nữ. “Mấy chị nhóm trợ tang nhiệt tình với gia đình tôi quá mức, từ lúc bắt đầu cho đến khi chồng tôi được an nghỉ. Hai con còn nhỏ, tôi đơn độc không biết phải làm sao, may có các chị luôn ở bên cạnh lúc đó. Những ngày liên tiếp, buổi tối các chị còn ghé nhà chuyện trò để tôi bớt tủi thân”.
Từng nhận được sự giúp đỡ, giờ đây, chị Thuận cũng là một thành viên tích cực của nhóm trợ tang thôn Trà Kiểm. “Khi chính mình là người trong cuộc, tôi càng thấm thía giá trị của sự chia sẻ này. Chị em chúng tôi giúp nhau không chỉ về công sức mà còn mang lại niềm an ủi tinh thần. Mình nhớ về những gì đã trải qua và hỗ trợ lại với sự biết ơn nữa”, chị Thuận bộc bạch.
Có khi chị em vừa hỗ trợ xong đám này thì đám khác tiếp nối. Mọi việc thường đột xuất, không thể dự liệu trước, nhưng các chị bảo bản thân chẳng quản ngại điều gì. Nghe hỏi nửa đùa nửa thật rằng, việc trợ tang đã trở nên chuyên nghiệp, liệu có khi nào nhóm sẽ mở dịch vụ để làm ở những nơi khác như một nghề tiềm năng đáp ứng nhu cầu thị trường bên cạnh việc hỗ trợ miễn phí bà con trong thôn, các chị đều thản nhiên bảo: Chưa bao giờ nghĩ tới điều đó. Trồng mấy sào ruộng, nuôi vài con bò kiếm sống, thời gian còn lại đi giúp đỡ bà con còn không đủ. Kể cả việc chụp một tấm hình lưu giữ kỷ niệm trong lúc phục vụ, các chị cũng chẳng nghĩ tới, bởi lúc đó chỉ biết cố làm sao lo chu toàn công việc. Chung tay chia sẻ được bao nhiêu, các chị càng thêm thanh thản.
Xe tang nghĩa tình
Chuyện nghĩa tử nghĩa tận ở các thôn thuộc huyện Hòa Vang có thể kể cả ngày không hết. Ông Đặng Văn Húy (SN 1955), Chủ tịch Hội Người cao tuổi thôn Lệ Sơn Bắc (xã Hòa Tiến) ngẫm nghĩ: Xây dựng Nông thôn mới bao hàm tiến tới nếp sống văn hóa, văn minh, phù hợp với thời đại. Chuyện tang lễ cũng phải hướng đến sự đổi mới. Cái nào lạc hậu, lỗi thời thì bỏ, như: không đãi đằng tốn kém, không vàng mã, hạt dưa, thuốc lá, không tổ chức kéo dài quá thời gian quy định…; nhưng có những điều càng cổ xưa càng phải nỗ lực bảo vệ để không mờ phai theo thời gian. Như chuyện nghĩa tình xóm làng kể cả đến lúc nhắm mắt xuôi tay chẳng hạn.
Cũng vì lẽ đó, Lệ Sơn Bắc là một trong số các thôn sắm hẳn xe tang phục vụ miễn phí khi người dân có nhu cầu. Trước đây, việc đưa tang dùng hoàn toàn bằng sức người khiêng, sau thôn làm xe đẩy bài trí nghiêm trang với giá hơn chục triệu đồng. Từ năm 2016, bà con của ít lòng nhiều tự nguyện gom góp mua lại một chiếc ô-tô Toyota cũ của chính người trong thôn với giá “hữu nghị” vài chục triệu đồng để cải tiến thành xe tang. Nhìn chiếc xe được đậu ngay bên Nhà văn hóa thôn, có mái tôn che chắn xung quanh, ông Húy cho biết, nhân dân phấn khởi và cảm nhận được sự tử tế mà mọi người dành cho nhau. “Nhà nào cần thì thôn đổ xăng vào chạy thôi. Không nói chuyện tiền bạc, công cán chi hết”, ông Húy nói.
Có gần 20 năm chạy xe tải chở hàng ra các chợ, anh Nguyễn Đăng Hùng (Chi hội phó Hội Nông dân thôn) được bà con tin tưởng giao làm một trong hai bác tài “cứng” lái xe tang từ mấy năm nay. Anh Hùng cho hay: “Giờ nào cần thì mình chạy giờ đó. Chúng tôi chỉ cảm thấy được phục vụ làng xóm chứ không chi nặng nhọc hết”. Khi xe cần sửa chữa, cũng chính các anh phối hợp tìm kiếm phụ tùng để nhờ một gara trên địa bàn thôn sửa miễn phí. Chiếc xe được chăm sóc cẩn thận nên mấy năm nay vẫn còn phục vụ đều đều. Như mới đây, ông Đặng Quốc Thạc (67 tuổi, ở khu dân cư số 6) qua đời chưa lâu thì vợ ông (66 tuổi) cũng ra đi, chiếc xe tang của thôn lần lượt đưa tiễn hai cụ. Nhà ông Thạc chỉ có một người con duy nhất, cuộc sống còn vất vả mưu sinh, nên đối với bà con thôn này, việc lo cho các cụ là trách nhiệm chung mà mỗi người tự thấy phần mình trong đó.
Không chỉ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ngay cả những trường hợp đủ điều kiện thuê dịch vụ, thì riêng phần xe tang bà con vẫn muốn được dùng chiếc xe thân thuộc của thôn; bởi đó là món quà ân tình nên ai cũng trân trọng.
“Khi tiếng thanh la vang lên, bà con trong thôn đều biết mình cần phải làm chi. Họ đến ngay nhà người mất, chung tay làm từng việc có thể. Lắm khi số người sẵn sàng giúp nhiều hơn cả phần việc cần. Cuộc sống ở đây là vậy”. Câu nói này vẫn được nghe nhiều ở khắp các thôn làng tại huyện Hòa Vang, dù nơi đây mọi người cũng đang bận bịu xây dựng nếp sống “kiểu mới”…
TOÀN VÂN