Cùng với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (NTM), nhiều tuyến đường kiểu mẫu, thôn kiểu mẫu ra đời đã góp phần tạo cho nông thôn diện mạo mới nhưng vẫn lưu giữ nét quê thanh bình.
Đoạn đường trồng cau xanh ở thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc. Ảnh: Đ.H.L |
Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
Về xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay của làng quê nơi đây. Dọc hai bên các con đường liên thôn, liên xã đã được trồng cây xanh và hoa nở rộ, đẹp như tranh vẽ. Năm nay, thôn Bồ Bản đăng ký xây dựng về đích thôn kiểu mẫu NTM và phấn đấu giữ vững tốp đầu trong phong trào thi đua của xã. Đặc biệt, Ban điều hành thôn đã vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân xây dựng tuyến đường hoa tại đường liên thôn dẫn vào khu nhà văn hóa dài hơn 100m với số tiền hơn 30 triệu đồng. Để duy trì tuyến đường hoa ngày càng khoe sắc, kết nối với tuyến đường kiểu mẫu của thôn, người dân Bồ Bản thường xuyên ra quân dọn vệ sinh môi trường hằng tuần vào các ngày Chủ nhật và tiếp tục bổ sung thêm hoa, cây cảnh để tuyến đường hoa càng thêm tươi sắc.
Liền kề với xã Hòa Phong, thôn Phước Hưng Nam (xã Hòa Nhơn) cũng đã xây dựng thành công mô hình “Thôn kiểu mẫu môi trường” với mục tiêu thực hiện có hiệu quả 4 tiêu chí: Nâng cao nhận thức nhân dân trong việc quản lý tốt rác thải, chất thải; quản lý tốt vật nuôi; bảo đảm văn minh, mỹ quan đô thị; thực hiện các phong trào bảo vệ môi trường. Mô hình này đã thu hút hơn 100 hộ dân tham gia và tạo chuyển biến rõ nét về diện mạo nông thôn trong quá trình xây dựng NTM.
Trong khi đó, Chi hội Phụ nữ thôn Cẩm Nam (xã Hòa Châu) chung tay thực hiện mô hình “Mái nhà xanh” nhằm tuyên truyền người dân thu gom rác thải nhựa, góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Chị Đinh Thị Thủy, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Cẩm Nam cho biết, mô hình “Mái nhà xanh” không chỉ nâng cao ý thức người dân phòng, chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường mà còn tạo nguồn thu để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn từ “việc làm nhỏ - ý nghĩa lớn”. Vì vậy, mô hình này thu hút nhiều chị em phụ nữ trong thôn tham gia hưởng ứng nhiệt tình.
Chia sẻ về phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng tuyến đường kiểu mẫu NTM, ông Nguyễn Hữu Long, Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang cho biết, Ban điều hành thôn là lực lượng nòng cốt trong việc vận động nhân dân tham gia xây dựng tuyến đường kiểu mẫu. Nhiều tuyến đường kiểu mẫu NTM được hình thành rộng khắp các xã trên địa bàn huyện, điển hình như xã Hòa Bắc, Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Châu..., góp phần làm đẹp cảnh quan nông thôn. Bên cạnh đó, nhiều thôn cũng gìn giữ các cổng làng, cổng nhà thờ tộc như một nét văn hóa đặc sắc của thôn quê, nhiều nhất ở thôn Cẩm Nê (Hòa Tiến), Hương Lam (Hòa Khương), Trà Kiểm (Hòa Phước), Tân Ninh (Hòa Liên)...
Chung tay bảo vệ môi trường
Mặc dù là xã miền núi nằm xa trung tâm huyện nhưng nhiều thôn ở xã Hòa Bắc đã xây dựng nhiều tuyến đường kiểu mẫu rất đẹp với những con đường đặc trưng. Bà Bùi Thị Ga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Bắc cho biết, bên cạnh kêu gọi người dân tham gia trồng và chăm sóc các đoạn đường trồng cau, sim, bằng lăng, hoàng hậu, hội còn xây dựng mô hình “Mái nhà xanh” để thu gom rác thải tái chế, đồng thời phát động người dân trồng chuối lấy lá do hộ gia đình quản lý để sử dụng thay cho túi nilon. Các mô hình này không chỉ làm đẹp cảnh quan nông thôn mà còn góp phần giảm thiểu rác thải gây hại cho môi trường.
Chị Đỗ Thị Huyền Trâm, chủ Nam Yên Homestay ở thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc) cũng cho rằng, việc xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu đã làm cảnh quan nông thôn đẹp hơn. Đoạn đường liên thôn Nam Yên chạy qua Nam Yên Homestay đang được xây dựng theo kinh phí đoạn đường kiểu mẫu. Sau khi hoàn thành, chúng tôi sẽ cùng người dân trồng hoa và cây xanh để cảnh quan môi trường nơi đây đẹp hơn.
Là thư ký Ban điều hành dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà Núi Chúa, bảo tồn và phát huy tri thức truyền thống, văn hóa dân tộc Cơ tu, phát triển du lịch sinh thái thành phố Đà Nẵng” do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ, chị Đỗ Thị Huyền Trâm cho biết thêm, cùng với các mô hình bảo vệ môi trường của các hội, đoàn thể, dự án này góp phần giúp người dân địa phương phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu, nâng cao ý thức bảo vệ và sử dụng hệ sinh thái rừng và hệ sinh thái sông tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí một cách bền vững; đồng thời hình thành điểm đến du lịch học tập cộng đồng Hòa Bắc thông qua bảo vệ môi trường cảnh quan và quản lý rác thải sinh hoạt tại xã nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ở nơi đây.
Đây là một trong những giải pháp để phát triển nông thôn bền vững gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống nông thôn mới văn hóa, văn minh ở những địa bàn xa trung tâm thành phố.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG