VĂN HÓA NÔNG THÔN

Phát triển văn hóa đọc

.

Xây dựng thói quen đọc sách, lan tỏa phong trào đọc sách ở vùng nông thôn là một trong những mục tiêu xây dựng nông thôn mới mà huyện Hòa Vang hướng đến.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc) hào hứng đọc sách tại thư viện.  Ảnh: THANH TÌNH
Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc) hào hứng đọc sách tại thư viện. Ảnh: THANH TÌNH

Nơi hào hứng, chỗ thờ ơ

Chúng tôi đến Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc) trong lúc trường đang xây dựng thêm một thư viện mở ngoài trời để tạo không gian cho học sinh tiếp cận gần hơn với sách, báo. Thầy Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương cho biết: “Học sinh hầu hết ở xa trường nên chúng tôi chủ yếu cho các em mượn sách về đọc. Chúng tôi đang xây dựng một thư viện thân thiện ngoài trời, thiết lập các tủ sách di động để học sinh tiếp cận hiệu quả nhất với sách, hướng đến việc hình thành thư viện tiên tiến xuất sắc trong thời gian tới”.

Hiện Trường THCS Nguyễn Tri Phương có một thư viện với hàng ngàn đầu sách phục vụ việc học tập của học sinh. Trường còn bố trí 20 máy tính để học sinh tìm kiếm thông tin qua internet. Cạnh bên trường là khu nội trú, nhà trường cũng kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ một thư viện nhỏ với sách và máy tính để học sinh tham khảo, nghiên cứu khi cần sau giờ học.

Tranh thủ 15 phút giải lao, một nhóm học sinh lớp 9/1 ùa xuống thư viện trường mượn sách. Em Hồ Thị Khánh An (người đồng bào Cơ tu thôn Tà Lang) hào hứng: “Em rất thích thư viện trường. Giờ ra chơi, em thường cùng các bạn đến đây mượn sách về đọc. Em mong thư viện có thêm nhiều sách mới, sách hay để chúng em tham khảo và học tập tốt hơn”. “Em mong muốn thư viện có thêm các sách về tìm hiểu kỹ năng, tâm lý tuổi mới lớn hay các sách truyện, chúng em sẽ rất thích”, em Lâm Quang Bình cho hay.

Trong khi thư viện ở trường học sôi động thì đa phần các tủ sách tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng (VH,TT&HTCĐ) của các xã vắng vẻ. Đi vào hoạt động từ năm 2015 đến nay, Trung tâm VH,TT&HTCĐ xã Hòa Ninh vẫn dừng lại ở hơn 60 đầu sách, báo trong phòng đọc khoảng 35m2. Theo người dân ở đây, phòng đọc chỉ mở cửa từ khoảng 16-20 giờ mỗi ngày phục vụ người đọc. Là một trong những người thường xuyên lui tới phòng đọc, em Lê Hoàng Minh (lớp 7/1, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, xã Hòa Ninh) cho biết: “Em đến phòng đọc khá thường xuyên nhưng đầu sách không nhiều. Em mong phòng đọc bổ sung thêm nhiều sách, trang bị thêm kệ, tủ đựng sách để tụi em dễ tìm sách hơn”.

Minh là một trong số ít những độc giả gắn bó với phòng đọc nơi đây, còn hầu hết các học sinh khác đến Trung tâm VH,TT&HTCĐ chủ yếu chơi thể thao. “Chiều nào em cũng đến đây đá bóng với các bạn, em ít khi vào bên trong trung tâm nên không biết trong đó có tủ sách”, em Trần Văn Tuấn (thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc) chia sẻ. Theo quan sát, sách tại các Trung tâm VH,TT&HTCĐ hầu hết là sách cũ, các đầu sách chủ yếu mang tính chuyên ngành nên khó thu hút người đọc. Mặt khác, cơ sở vật chất, thiết bị phòng đọc thiếu thốn; bàn ghế, kệ giá đựng sách cũ kỹ nên bạn đọc chưa hứng thú. “Mặc dù chúng tôi bố trí một tủ sách với đầy đủ bàn, ghế, đèn chiếu sáng, quạt nhưng tủ sách chỉ hơn 10 đầu sách, chủ yếu về pháp luật, các nghị quyết, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… nên ít người ghé đọc”, Trưởng thôn Mỹ Sơn (xã Hòa Ninh) Nguyễn Phú Kiểm cho hay.

Khơi dậy phong trào đọc sách

Trước sự phát triển của các phương tiện truyền thông cùng các loại hình giải trí, công tác đưa sách đến gần hơn với người đọc, đặc biệt là ở vùng nông thôn, càng cần được quan tâm. Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao (VH,TT&TT) huyện Hòa Vang Lê Đinh Minh Hải nhìn nhận: “Một trong những khó khăn để phát triển văn hóa đọc tại nông thôn là nhân lực cho các thư viện, phòng đọc quá mỏng. 11 xã hầu như không có cán bộ thư viện mà một người kiêm nhiệm nhiều công việc.

Trước đây, các xã cũng phân công cán bộ của các hội, đoàn thể luân phiên đảm nhận việc mở cửa các nhà văn hóa thôn để phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân, song không duy trì được việc này do người đi học, người đi làm. Phần nữa, do đặc thù các xã cách xa nhau, đầu sách tại các thư viện, phòng đọc chưa phong phú mặc dù mỗi năm trung tâm cũng đầu tư cho thư viện khoảng 40-50 triệu đồng để mua sách bổ sung”.

Thư viện huyện Hòa Vang hiện có hơn 16.000 đầu sách, báo, tạp chí. Trong thời điểm không xảy ra Covid-19, thư viện phục vụ bạn đọc từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Hằng năm, thư viện phục vụ khoảng 160.000 lượt người đọc và khoảng 180.000 lượt người mượn sách. Riêng hai năm 2020 và 2021, do dịch bệnh số lượng người mượn và người đọc giảm hẳn.

Ông Lê Xuân Vương, Phó Chủ tịch UBND xã, Giám đốc Trung tâm VH,TT&HTCĐ xã Hòa Ninh cũng cho rằng, thời gian đầu, hoạt động của phòng đọc xã hiệu quả, nhưng vài năm gần đây, văn hóa đọc dần mai một, người dân ít mặn mà với sách, báo truyền thống. Một phần do người dân đang dần bị lệ thuộc vào điện thoại thông minh, cần thông tin gì thì tra Google sẽ nhanh hơn đến thư viện.

Ông Hồ Phú Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã, Giám đốc Trung tâm VH,TT&HTCĐ xã Hòa Bắc cũng lý giải, trước đây, các nhà văn hóa thôn và trung tâm văn hóa đều bố trí tủ sách để phục vụ nhu cầu đọc nhưng vì dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn, người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên không còn thời gian đọc sách.

Hằng năm, UBND xã Hòa Ninh và Hòa Bắc đều trích kinh phí để bổ sung sách, báo, tạp chí cho các Trung tâm VH,TT&HTCĐ xã. Song, sách tại các phòng đọc vẫn nghèo nàn. Ông Lê Xuân Vương và ông Hồ Phú Thanh mong muốn các cấp, các ngành đầu tư thêm cho các xã miền núi tủ sách đa dạng đầu sách và hình thành cho các xã không gian văn hóa đọc, đồng thời phối hợp tổ chức các cuộc thi đọc sách để khơi dậy phong trào đọc sách cho người dân nông thôn.

Để sách đến gần hơn với người đọc, từ năm 2019, Trung tâm VH,TT&TT huyện Hòa Vang thực hiện luân chuyển sách cho Trung tâm VH,TT&HTCĐ các xã và 6 thư viện các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Trong năm 2022, Trung tâm VH, TT&TT huyện sẽ nhân rộng mô hình luân chuyển sách ra toàn huyện để lan tỏa văn hóa đọc. Ngoài luân chuyển sách, Trung tâm VH,TT&TT huyện tranh thủ giới thiệu, triển lãm sách vào các ngày lễ, Tết, các ngày kỷ niệm.

Trung tâm cũng hướng đến việc tuyên truyền tầm quan trọng của thư viện; tìm thêm các nguồn hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cho các thư viện cũng như bổ sung đầu sách cho các phòng đọc cơ sở để thu hút người đọc. “Việc luân chuyển sách phần nào giúp vốn tư liệu tại thư viện dồi dào, đa dạng, thu hút bạn đọc đến thư viện nhiều hơn, từ đó góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong thế hệ trẻ”, ông Lê Đinh Minh Hải nhìn nhận.

THANH TÌNH - MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.