VĂN HÓA NÔNG THÔN

Tạo dựng không gian văn hóa từ đồ xưa

.

Bên dòng sông Túy Loan, ngôi nhà ngói 3 gian, 2 chái, mang dáng dấp xưa cũ của ông Nguyễn Văn Chín (SN 1963, thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), giáo viên môn Ngữ Văn - Trường THCS Phạm Văn Đồng (xã Hòa Nhơn) khá nổi bật bởi nét hiền hòa, thơ mộng. Trong ngôi nhà ấy trưng bày khá nhiều hiện vật, là kết quả những năm tháng ông rong ruổi trên xe máy khắp vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng, nhặt nhạnh từng món đồ về phục dựng không gian nhà xưa với mong muốn lưu giữ một phần văn hóa vùng đất nơi đây.

Chiếc đĩa người Việt, nét văn hóa xưa được ông Nguyễn Văn Chín trân trọng, giữ gìn. Ảnh: TIỂU YẾN
Chiếc đĩa người Việt, nét văn hóa xưa được ông Nguyễn Văn Chín trân trọng, giữ gìn. Ảnh: TIỂU YẾN

“Chín khùng” là cách nói vui mà người dân làng Túy Loan dành cho ông Nguyễn Văn Chín nhiều năm trước. Bởi lẽ, thời bao cấp khó khăn, người ta lo gom góp từng đồng để dựng lại ngôi nhà, xây mới cái cổng hay mua con trâu, con bò phát triển kinh tế gia đình thì ông Chín mang đồng lương giáo viên ít ỏi của mình đi mua đồ cũ. Có không ít món đồ được ông mua về chất đống ngoài vườn năm này qua tháng nọ, không biết để làm chi. Chính bà Tán Thị Kim Phượng (nguyên giáo viên Trường Tiểu học An Phước, xã Hòa Phong) - vợ ông Chín - cũng nhiều lần khóc lên khóc xuống trước thú vui của chồng.

Đam mê sưu tập

Bà Phượng cho hay, đầu những năm 1990, sau giờ lên lớp, ông Chín thường xuyên vắng nhà, ngược lên thượng nguồn sông Thu Bồn, Cu Đê hay vào tận vùng quê Tiên Phước và Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) tìm mua đồ cũ. Ban đầu là những khung, sườn nhà 3 gian làm bằng gỗ mít, tiếp đến là vật dụng sinh hoạt cũ trong gia đình. Ai bán gì, ông mua nấy. Nhiều chuyến trở về, ông cột sau xe máy cái cột nhà bằng gỗ mít, chiếc cối đá, chum sành, bao đồ sứ hoặc mấy viên đá tổ ong... Những món đồ không mấy giá trị, miễn ông Chín ưng, là tìm đến mua về.

Túc tắc, khu vườn tạp rộng 1.000m2 của vợ chồng ông Chín giữa thôn Túy Loan Đông 1 chất đầy cột, chái nhà gỗ mít hay mấy cái rương, phản nằm cũ kỹ. Không ít đồng nghiệp, hàng xóm tò mò đã tìm tới nhà ông Chín và bảo: “Ông mua chi ba thứ này về chất đầy nhà cho chuột, gián bò quanh”. Đó là chưa kể đến mùa mưa, nước từ con sông trước nhà tràn vào tận vườn, những cột mít, rương, phản được chằng buộc kỹ càng cũng chòng chành theo dòng nước, như muốn trôi tuột xuống dòng Túy Loan. “Nhiều hôm mưa to, chồng tôi trong nhà đứng ngồi không yên, xót đống đồ cũ chất nơi góc vườn. Ổng quý những món đồ ấy như quý sinh mạng của mình nên theo thời gian vợ con đành xuôi theo”, bà Phượng kể.

Mỗi món đồ đến với gia đình ông Chín như một cơ duyên. Chỉ vào đĩa sứ có bán kính gần 40cm, họa tiết hoa giâm bụt vẽ tay, phủ bên ngoài lớp men trắng đục, ông Chín nói đĩa này do người Việt sản xuất nhưng ông rất quý vì chất men, nét vẽ đẹp, to lớn hiếm thấy. Chiếc đĩa được ông bày biện trang trọng bên các vật dụng khác trong tủ kính. Ông Chín kể, món đồ này do người thợ xây dựng tại quận Cẩm Lệ tặng khi biết ông đam mê đồ xưa. “Đây là một trong những món đồ tôi thích nhất, đường nét hoa văn trang nhã, cộng lớp men đục hiếm thấy. Những chiếc đĩa lớn như thế này bây giờ không dễ kiếm, có tiền chưa chắc mua được”, ông Chín tâm đắc.

Kể về bộ sưu tập của mình, ông Chín đưa chúng tôi đến gian trưng bày 14 vỏ đạn pháo đủ kích cỡ, từ 100mm, 122mm, 130mm, 167mm…, loại đạn sử dụng phổ biến trong kháng chiến chống Mỹ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những vỏ đạn pháo này được ông và người con rể từng là bộ đội sưu tầm trong nhiều năm. Ông Chín cho biết, không ít người đến nhà đặt vấn đề xin mua lại bộ sưu tập nhưng ông không bán, bởi muốn đặt nó trong không gian sinh hoạt chung, là vệt nối giữa quá khứ văn hóa và lịch sử của dân tộc. “Tôi cất công tìm kiếm, sưu tầm vỏ đạn pháo với mong muốn truyền dạy cho học trò về lịch sử dân tộc. Qua lời kể trên bục giảng, nhiều học trò tìm tới nhà để tận mắt ngắm nhìn, đó là niềm vui của người thầy yêu văn hóa dân tộc như tôi”, ông Chín chia sẻ.

Ngôi nhà 3 gian, 2 chái được ông Nguyễn Văn Chín làm từ 36 cây gỗ mít với mục đích phục dựng không gian văn hóa gia đình Việt. Ảnh: TIỂU YẾN
Ngôi nhà 3 gian, 2 chái được ông Nguyễn Văn Chín làm từ 36 cây gỗ mít với mục đích phục dựng không gian văn hóa gia đình Việt. Ảnh: TIỂU YẾN

Gầy dựng điểm đến

Gần 30 năm sưu tầm đồ xưa, ông Chín không nhớ hết trong nhà mình có bao nhiêu đồ vật. Những chiếc tủ thờ, rương gỗ cỡ lớn, bàn ghế, sập gụ, tủ chè, phù điêu chạm trổ tinh xảo… nằm rải rác trong quần thể không gian nhà 3 gian, 1 gian trên khu đất rộng bên bờ Túy Loan. Điều ông Chín tự hào là đã góp phần gìn giữ phần nào văn hóa vùng nông thôn Quảng Nam, Đà Nẵng.

Trong quần thể kiến trúc đó, ngôi nhà 3 gian, 2 chái mô phỏng cuộc sống người Việt xưa làm từ 36 cây gỗ mít được ông Chín đặt mua từ những khu vườn ở Tiên Phước, Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), Hòa Phú, Hòa Bắc (Đà Nẵng). Trong đó, không ít cây mít ông “đặt cọc” 2-3 năm mới quay lại lấy để thân mít đủ tuổi, đủ kích thước cần thiết. Ngôi nhà gầy dựng từ tâm huyết đời người nên ông Chín chăm chút từng viên ngói, viên gạch cũ kỹ, xây bậc thềm, làm cái chái… sao cho công trình toát lên sự mộc mạc, gần gũi với văn hóa làng quê Việt Nam.

Mê mẩn, đau đáu với không gian văn hóa người Việt là những gì chúng tôi cảm nhận khi tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Chín. Mỗi hiện vật ở đó đã theo người thầy bước lên bục giảng, qua những câu chuyện kể về nếp nhà, về đời sống nhân vật trong những áng văn. Ông Chín nói, từ tình yêu dành cho đồ xưa, ông có thêm vốn hiểu biết để bài giảng của mình đầy đặn và sinh động hơn. Và cũng từ đó, ông luôn đau đáu chuyện làm thế nào giữ lại những món đồ xưa cũ để từng thế hệ học trò biết đến giá trị văn hóa, tinh thần của người Việt.

Sở hữu trong tay cả trăm hiện vật giá trị, nhưng ông Chín thật thà bảo không phải hiện vật nào ông cũng rành rẽ về xuất xứ, tuổi đời. Ông cho hay, tiêu chuẩn “nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi” là tiêu chuẩn định giá của người mua bán đồ cổ, đồ xưa; còn với người chơi như ông, thì nhìn vào giá trị văn hóa, tinh thần mà đồ vật đó mang lại. Ví như, chiếc chuông cổ bằng đồng đen, nhỏ cỡ trái mận, trọng lượng vài trăm gram được ông giữ gìn cẩn thận, xem như bảo bối của mình. Mỗi tháng, cứ ngày rằm, mồng 1, như thói quen, ông mang chuông ra gõ vài tiếng, thấy lòng bình yên, nhẹ nhõm. Chiếc chuông này, ông không xác định được niên đại, chỉ biết nó là vật gia truyền của một gia đình kim hoàn giàu có đầu thế kỷ XX. Hay chiếc rương bằng gỗ mít cỡ lớn với 4 bánh xe phía dưới, dễ dàng di chuyển, thừa hưởng từ ông nội nhắc nhớ ông về truyền thống, nề nếp sinh hoạt của gia đình mình. 

Xưa và đẹp, gần gũi và quen thuộc với văn hóa người Việt là những tiêu chí của riêng ông Chín, trong cuộc sưu tầm đồ xưa. Theo thời gian, nhiều người biết chuyện, tìm đến nhà giao lưu, tìm hiểu, để rồi hiểu hơn về những giá trị văn hóa mà ông đang cố công gìn giữ. Đó cũng là lý do đưa ông đến một quyết định mới, hình thành quán cà phê đồ xưa mang tên mảnh đất mình sinh sống: “Túy Loan”. Giữa khu vườn ký ức tuyệt đẹp ấy, ông Chín cũng trưng bày 4 bệ thờ thần Shiva bằng đá, niên đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, được sưu tầm tại di tích tháp Chăm khu vực Cấm Mít, thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.

Mua sắm từ đồng lương giáo viên ít ỏi nên ông Chín không có nhiều điều kiện để chọn đồ vật đắt tiền, với số lượng lớn. Sau một đời chắt chiu, mỗi góc nhà của ông Chín giờ là một câu chuyện gợi nhớ đến khu vườn của cha mẹ, của gia đình người Việt xưa. Như cách ông nói, mỗi ngày, ông nhìn vào đó và tưởng tượng ra từng con người, từng khuôn mặt đang vào ra không gian ấy, như một bức tranh văn hóa cũ, giữa làng quê Hòa Vang hiền hòa và đậm chất nhân văn.

Gần chục năm trước, tôi hay tin có ông cụ ở xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) ngỏ ý tặng cái cối xay cho ai giải được câu hỏi của ổng. Hết tiết dạy, tôi một mình chạy xe máy vào chân tháp Mỹ Sơn. Khi tôi đến, ông cụ chỉ cái cối đá để ở góc hiên: “Tôi đố anh vì sao thân cối có cục u như thế?”. Tôi ngớ người, chưa biết trả lời thế nào nên xin 1 tiếng đồng hồ sau quay lại. Tôi vào quán cà phê gần đó nghĩ ra vài phương án trả lời rồi quay lại nhưng không phương án nào được ông cụ chấp nhận. Khi biết tôi là thầy giáo, có sở thích sưu tầm đồ xưa cũ, ông quyết định tặng mà không giải thích gì thêm. Chính ân tình này giúp tôi thêm quyết tâm gầy dựng, gìn giữ không gian văn hóa cho đời sau”.
Ông Nguyễn Văn Chín  

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.