VÌ CUỘC SỐNG XANH

Vì cuộc sống xanh hơn mỗi ngày

.

“Em từng cho rằng, không vứt vài chai nhựa cũng chẳng giải quyết được gì, vì bao nhiêu người ngoài kia đang thải đầy rẫy như vậy ra môi trường. Nhưng giờ nghĩ khác, khi mình thay đổi, dù chỉ là cân nhắc bớt một chiếc túi nilon cũng có thể giúp truyền cảm hứng sống tích cực cho chính mình và những người khác”.

Nguyễn Thị Thanh Bích (thứ hai) và Bùi Tiến Thành (thứ tám, cùng hàng ngồi, từ phải sang) cùng các bạn trẻ yêu môi trường đang rất háo hức được trở lại với các hoạt động trực tiếp.  (Ảnh do nhân vật cung cấp, chụp trước khi giãn cách xã hội vì Covid-19)
Nguyễn Thị Thanh Bích (đầu tiên) và Bùi Tiến Thành (thứ bảy, cùng hàng ngồi, từ phải sang) cùng các bạn trẻ yêu môi trường đang rất háo hức được trở lại với các hoạt động trực tiếp. (Ảnh do nhân vật cung cấp, chụp trước khi giãn cách xã hội vì Covid-19)

Nhiều bạn trẻ cùng chia sẻ như vậy khi nói về lý do đang cố gắng giảm rác thải nhựa bằng mọi cách có thể. Với các bạn, hành động nhỏ nhưng ý nghĩa của việc làm này không hề nhỏ.

Từ hành động nhỏ đến ước mơ lớn

Bùi Tiến Thành, sinh viên năm 4, Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) được nhiều bạn bè biết đến là một chàng trai rất quan tâm vấn đề rác thải nhựa. Cùng Thành đi ăn uống, mọi người không còn cảm thấy thắc mắc vì sao cậu bạn yêu cầu quán đừng bỏ kèm ống hút, muỗng nhựa. Thậm chí, nếu nơi nào sử dụng nhiều đồ nhựa, Thành sẽ lặng lẽ không chọn đến đó lần hai. Từng “không có ý niệm gì” về rác nhựa, nhưng sau khi vô tình đọc được các tài liệu liên quan chủ đề này, Thành vỡ ra, mỗi người đều có thể và cần có trách nhiệm trực tiếp góp phần giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa bằng cách của mình.

Chia sẻ một tin rất vui mới nhận được, Tiến Thành không giấu niềm tự hào: “Bài nghiên cứu khoa học của em và bạn cùng khoa Võ Hoàng Bảo Ân, với chủ đề “Nghiên cứu hành vi tái sử dụng bao bì của người tiêu dùng thành phố Đà Nẵng” vừa được trao giải Nhất cấp trường. Nhà trường cũng chọn sản phẩm nghiên cứu này gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng giải thưởng”. Lý do một sinh viên trường ngoại ngữ không làm nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ hoặc văn hóa như bao đề tài khác, và nhất là đang ở những năm cuối rất bận rộn để “lái” hẳn sang vấn đề môi trường xuất phát từ nỗi ám ảnh sau khi Thành chứng kiến trận lụt xảy ra ở miền Trung năm 2019. Khí hậu biến đổi gây bao tang thương và lụt lội cũng làm lộ ra vô số rác nhựa, túi nilon trôi nổi mà chính chúng ta đã thải ra môi trường. Hình ảnh ấy thôi thúc Thành làm điều gì đó lớn hơn là việc chỉ giảm rác thải nhựa sinh hoạt cá nhân hằng ngày.

Không dừng ở phạm vi nhà trường, Tiến Thành cùng người bạn của mình đang phát triển đề tài để gửi đăng trên các tạp chí nước ngoài và triển khai thêm một nghiên cứu khác cũng liên quan trực tiếp đến vấn đề giảm rác thải nhựa. “Tại Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng ít có những nghiên cứu tập trung về hành vi tái sử dụng bao bì của người tiêu dùng. Điều này vừa là thách thức, vừa là động lực để em và bạn cố gắng nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa”, Tiến Thành chia sẻ.

Thành dự định sau đại học sẽ ra nước ngoài học tiếp về lĩnh vực phát triển bền vững, bởi đây là “xu hướng tất yếu toàn cầu và bản thân mong muốn được đóng góp thiết thực vào xu hướng đó”.

Những người truyền cảm hứng

Điều có thể nhận thấy ở các bạn trẻ tại Đà Nẵng là hoạt động chung tay giảm rác thải nhựa hiện nay không đơn thuần là phong trào tình nguyện tại một số thời điểm mà thực sự có sức lan tỏa ngay cả khi dịch bệnh bùng phát. Nếu không thể trực tiếp đi thu gom rác ở Sơn Trà, bãi biển, bờ sông, các bạn cũng liên tục tổ chức hoặc tham gia các hoạt động trực tuyến.

Đang “mắc kẹt” ở quê vì dịch bệnh, Nguyễn Thị Thanh Bích, sinh viên năm 3 Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) vẫn bận rộn với nhiều dự án giảm rác thải nhựa. Thanh Bích hào hứng kể món quà bạn vừa nhận được khi tham gia một buổi nói chuyện trực tuyến toàn quốc của một tổ chức kết nối những thanh niên yêu môi trường trong tháng 11 vừa qua là chiếc túi đi chợ rất thân thiện. Càng vui hơn khi nhiều chị em thấy chiếc túi của Bích dễ thương nên đã tìm mua làn đi chợ thay vì sử dụng túi nilon dùng một lần. Bố mẹ Bích giờ đây cũng tự nhiên thay đổi thói quen theo con gái.

Trước và sau chương trình đó, Thanh Bích còn tham gia nhiều hoạt động thuộc các dự án, tổ chức khác nhau với hàng ngàn người bạn từ khắp mọi nơi và cả những du học sinh ở nước ngoài. Được tiếp xúc với những bạn đồng trang lứa luôn mang “ngọn lửa” yêu môi trường, Bích cảm thấy được truyền cảm hứng mạnh mẽ. “Đôi khi vì quá tiết kiệm với từng món đồ nhựa, có người bảo em “dở hơi”, nhưng em vui vì ngày càng có nhiều bạn “dở hơi” như em”, Bích chia sẻ.

Không chỉ chủ động tham gia các hoạt động với tư cách cá nhân, Thanh Bích còn là thành viên năng nổ của dự án Đại học xanh - Green University DUE của Trường Đại học Kinh tế trong vai trò Phó trưởng Ban tổ chức dự án. “Chưa được đi học tập trung trở lại nhưng hoạt động của chúng em không vì thế tạm lắng. Các chương trình trực tuyến vẫn được tổ chức đều đặn”, Bích cho hay. Cụ thể như cuộc thi “Trạng nguyên xanh” đang diễn ra với sự tham gia của 400 thanh niên tại Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh… về kiến thức lẫn thực hành tái chế rác thải nhựa. Tiếp tới, dự án sẽ tổ chức “Gian hàng xanh” có sự cộng tác của các doanh nghiệp để đưa những sản phẩm thân thiện, phù hợp đến với sinh viên. Và một kế hoạch đang rất nóng lòng được khởi động đó là thu gom và tái chế vỏ hộp sữa ở các trường tiểu học, để qua đó giáo dục các em nhỏ tình yêu môi trường bằng việc làm giản đơn nhưng hữu ích.

Từng được “tiếp lửa”, nay các bạn trẻ như Tiến Thành, Thanh Bích… mong muốn truyền tình yêu ấy đến nhiều người hơn vì một cuộc sống xanh thêm mỗi ngày.

THU HOA

;
;
.
.
.
.
.