Khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống từ cơ sở

.

Trong tâm thức người Việt chúng ta, cây đa, giếng nước, đình làng là hình ảnh gần gũi, quen thuộc, gắn bó từ thời thơ bé. Đình làng đã đi vào ca dao, dân ca:

Qua đình ngã nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.

Đình làng lắng đọng trong sâu thẳm tâm hồn và trở thành nỗi nhớ da diết nếu ai đó, vì lý do nào đó mà phải ly hương.

Các cao niên trong Ban khánh tiết đình làng Hải Châu thực hiện Lễ Chánh tế và nghi thức dâng hương cổ truyền tại Lễ hội đình làng Hải Châu tháng 4-2021. Ảnh: XUÂN DŨNG
Các cao niên trong Ban khánh tiết đình làng Hải Châu thực hiện Lễ Chánh tế và nghi thức dâng hương cổ truyền tại Lễ hội đình làng Hải Châu tháng 4-2021. Ảnh: XUÂN DŨNG

Phần lớn đình làng ở xứ Quảng được hình thành cách đây khoảng 300-400 năm, do con cháu các tiên dân phía Bắc vào đây mở cõi, chung tay xây dựng. Chức năng đầu tiên và quan trọng nhất của đình làng là thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thờ cúng các vị tiền hiền.

Khác với đình làng Bắc Bộ thường chỉ thờ một vị thành hoàng, đình làng xứ Quảng thờ một số, thậm chí thờ đến 42 vị tiền hiền như đình làng Hải Châu. Sở dĩ đình thờ nhiều vị tiền hiền như vậy là ngay từ thuở ban đầu, đất làng do nhiều người đến đây cùng nhau khai khẩn, dựng làng lập ấp.

Như chúng ta đã biết, xứ Quảng là vùng đất mới. Các tiên dân khi đặt chân đến vùng đất này cảm thấy lạ lẫm, ban đầu không tránh khỏi cảm giác lo ngại:

Đến đây đất khách lạ lùng
Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kiêng.

Lo ngại là phải, bởi lần đầu tiên họ tiếp xúc với điều kiện tự nhiên khác, xã hội cũng khác, do tiền chủ đất này là dân tộc khác - dân tộc Chăm, quản lý. Bản năng tự vệ và muốn nương tựa để tồn tại và phát triển đã khiến họ xích lại gần nhau, gắn bó với nhau trên vùng đất mới lạ này. Đó là lý do khiến các đình làng xứ Quảng thờ nhiều vị tiền hiền.

Bên cạnh chức năng tâm linh, đình làng còn thực hiện chức năng quản lý hành chính, thực hiện quyền lực làng xã, bởi nơi đây diễn ra các cuộc họp hành của các chức sắc nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh của dân làng. Ngoài ra, đình làng còn là nơi định kỳ diễn ra các hoạt động hội hè, nghệ thuật, giải trí… Do vậy, nó là sợi dây gắn kết cộng đồng, là nét đẹp văn hóa truyền thống của làng xã nước ta nói chung, xứ Quảng nói riêng.

Do dòng chảy thời gian cọ xát, do chiến tranh tàn phá, và đáng buồn hơn là do sự thiếu hiểu biết của nhiều cán bộ cơ sở sau ngày giải phóng năm 1975 mà nhiều đình làng xứ Quảng bị hư hỏng, xuống cấp, thậm chí bị phá hỏng hoàn toàn. Bấy giờ, vì chủ trương “bài trừ văn hóa cũ” mà không ít đình làng bị biến thành nhà kho, sân phơi hợp tác xã; còn các hoành phi, câu đối, biển đối… bị tháo gỡ làm vật dụng sinh hoạt. Không ít sắc phong của làng có giá trị nhiều mặt đã bị thất lạc.

Thời gian gần đây, ngành văn hóa thành phố Đà Nẵng đã tập trung nhân lực, đầu tư nguồn kinh phí thích đáng để đề nghị xếp hạng nhiều di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia, cấp thành phố, rồi thực hiện dự án tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích hàng chục đình làng trên địa bàn. Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là phục hồi nguyên trạng kiến trúc cũ của đình làng, tuyệt đối không “sáng tạo” thêm chi tiết mới, nhằm bảo đảm nhu cầu “lưu giữ ký ức” cho các thế hệ dân làng. Ban quản lý đình làng gồm nhiều vị cao niên được thành lập, giám sát dự án ngay từ khâu thiết kế và suốt quá trình thi công. Nhờ vậy mà tránh được các sai sót như ở một số địa phương khác.

Riêng từ năm 2016-2021, ngành văn hóa thành phố đã đầu tư khoảng 150 tỷ đồng cho nhiệm vụ tôn tạo, phục hồi di tích văn hóa - lịch sử. Phần lớn trong số đó dành để tôn tạo, phục hồi các đình làng đã được xếp hạng như: Bồ Bản, Quá Giáng, Mỹ Khê, Nam Thọ, Xuân Lộc, Phước Thuận, Hàm Trung, Lỗ Giáng, Xuân Dương, Cẩm Toại, Phú Hòa, Nại Hiên, Thái Lai, Phước Hưng, Khuê Bắc, Yến Nê, Hòa Khương, Xuân Thiều, Phước Trường, Nại Hiên Đông, Nam Ô, Cổ Mân, Mân Quang… Có lẽ Đà Nẵng là địa phương hiếm hoi trong cả nước dùng ngân sách để tu bổ, phục hồi các đình làng xuống cấp.

Trong bối cảnh xã hội gióng lên hồi chuông báo động sự suy đồi về văn hóa, xuống cấp về đạo đức; sự giả dối, ác độc, bạo lực có chiều hướng gia tăng, việc khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống từ cơ sở cũng đang được đặt ra một cách cấp thiết. Việc tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị các đình làng ở Đà Nẵng thời gian gần đây sẽ góp phần quan trọng vào nhiệm vụ nói trên.

NSND HUỲNH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.